Một số lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi thủy sản
Để đạt được năng suất cao trong nuôi thủy sản, việc sử dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh là điều cần thiết, tuy nhiên với mức độ thâm canh cao thì lượng thuốc sử dụng càng nhiều và điều đó có thể gây ra một số tác hại khó kiểm soát xuất phát từ việc người nuôi chưa nắm vững kỹ thuật sử dụng. Đồng thời do mục đích thu lợi cao, không ít đại lý thuốc thú y thủy sản có khuynh hướng bán các loại thuốc bị hạn chế hoặc cấm sử dụng, có dư lượng chất độc hại cao.
Qua tìm hiểu trong thực tế cho thấy tỷ lệ người nuôi thủy sản dùng kháng sinh không đúng kỹ thuật như không nắm rõ thành phần, tác dụng của thuốc, việc lựa chọn kháng sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm hay tư vấn của cửa hàng thuốc thú y thủy sản, nhiều hộ nuôi có khuynh hướng tăng liều sử dụng cao hơn so với khuyến cáo, ít chú ý đến liệu trình điều trị, cách cấp thuốc cũng chưa đúng, nhiều nơi trộn kháng sinh vào thức ăn liên tục trong thời gian dài, chưa chú ý yêu cầu về thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi bán sản phẩm.
Vì vậy, trên hết là cần sử dụng kháng sinh đúng cách, hợp lý để không tự gây lãng phí và không gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Cụ thể, người nuôi thủy sản cần quan tâm áp dụng các biện pháp cơ bản như sau:
Thứ nhất là không sử dụng các loại kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thứ hai là chỉ nên sử dụng các loại thuốc kháng sinh từ nguồn đáng tin cậy và trên nhãn mác ghi rõ thông tin về thành phần hoạt chất, cách sử dụng.
Thứ ba là luôn cẩn thận khi lựa chọn loại kháng sinh sử dụng để đảm bảo hiệu quả dùng đúng thuốc, đúng bệnh.
Thứ tư là hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh để phòng bệnh, chỉ sử dụng kháng sinh để điều trị các loại bệnh do vi khuẩn gây ra, không sử dụng kháng sinh để điều trị các bệnh có nguyên nhân do vi-rút.
Thứ năm là tuân thủ triệt để quy định về thời gian ngưng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch để đảm bảo thuốc đã được phân giải, loại thải hoàn toàn, không gây còn bất kỳ sự tồn dư nào có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 110 ha với tổng sản lượng hơn 47.000 tấn cá tra thương phẩm trên diện tích thả nuôi hơn 1.300 ha...
Những vùng nuôi tôm kém hiệu quả đã được nông dân Quỳnh Lưu (Nghệ An) đưa giống cua biển thương phẩm vào nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nắng hạn, nước mặn xậm nhập sâu vào nội đồng không thể trồng lúa, nhiều nông dân ở các huyện vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) đã trồng cỏ để cải tạo môi trường trước khi thả tôm nuôi.