Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Một số lưu ý khi gieo trồng nhóm cây ưa lạnh ở vụ Đông

Một số lưu ý khi gieo trồng nhóm cây ưa lạnh ở vụ Đông
Tác giả: Nguyễn Hoàng Dương - TTKNKN Vĩnh Phúc
Ngày đăng: 07/03/2019

Đến nay, toàn tỉnh gieo trồng được hơn 14 nghìn ha cây vụ Đông. Hiện tại bà con nông dân trong tỉnh đang khẩn trương chăm sóc các loại cây trồng ưa ấm đã trồng như ngô, đậu tương, bí đỏ.... Để sản xuất vụ Đông đạt được tối đa diện tích và mang lại hiệu quả kinh tế cao, đề nghị bà con cần tập trung mở rộng diện tích gieo trồng các loại cây ưa lạnh như khoai tây, su hào, bắp cải, súp lơ,... Để việc gieo trồng các loại cây ưa lạnh đạt kết quả tốt cần lưu ý:

Đối với cây khoai tây: Sử dụng một số giống như Sinora, Diamant, Solara, Marabel. Thời vụ trồng từ 20/10 - 20/11. Lượng giống cần từ 1.000 - 1.200 kg/sào.

Đối với cây cải bắp: Trồng giữa tháng 10 đến hết tháng 11. Mật độ trồng vụ chính: 50 x 50cm (tương đương từ 1400 - 1.500 cây/sào). Thời gian đầu, khi cải bắp còn nhỏ, có thể trồng xen xà lách, cải xanh và những cây có thời gian sinh trưởng dưới 30 ngày.

Đối với cây su hào: Thường có 2 giống, Su hào dọc trung (củ tròn, to, mỏng vỏ, cọng và phiến lá to hơn) và Su hào dọc đại (củ to hơi dẹt, vỏ rất dày, cọng và phiến lá rất to, dày). Thời vụ gieo trồng đến hết tháng 10. Mật độ trồng, đối với giống dọc trung với khoảng cách 30 x 35 cm (2.700 - 2.800 cây/sào), đối với giống Dọc đại trồng với khoảng cách 35 x 40 cm (2.000 - 2.100 cây/sào).

Đối với cây sup lơ: Có hai loại, Súp lơ đơn để trồng vụ sớm và Súp lơ kép trồng vụ chính và muộn. Thời vụ gieo trồng vụ chính: gieo tháng 10 - tháng 12, trồng tháng 11 - 12. Mật độ với khoảng cách 60 x 50cm hoặc 40 x 50 cm (khoảng 750 - 820 cây/sào).

Đối với các loại rau ăn lá khác: Cải canh, cải ngọt, cải dưa, rau gia vị... thực hiện trồng xen canh, rải vụ để có đủ rau xanh cung cấp cho thị trường mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Lưu ý: Cần thực hiện áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) để cây rau phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn VSTP với người và không gây ô nhiễm môi trường. Không dùng phân chuồng tươi, nước giải, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý để bón hoặc tưới cho rau. Tưới bằng nước sạch, bón thúc phân theo quy trình kỹ thuật của từng loại rau, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh cho rau. Bên cạnh việc bón phân, chăm sóc đảm bảo theo nhu cầu của cây trồng, bà con cần thường xuyên thăm đồng, nắm bắt tình hình sâu bệnh, chuột hại rau màu để có biện pháp quản lý kịp thời theo hướng dẫn của chuyên ngành Bảo vệ thực vật.

Chúc bà con luôn có những mùa vụ bội thu!


Có thể bạn quan tâm

Nuôi lươn đẻ ở chuồng heo cũ, lời mỗi tháng gần 10 triệu đồng Nuôi lươn đẻ ở chuồng heo cũ, lời mỗi tháng gần 10 triệu đồng

Nuôi lươn sinh sản không bùn là phương pháp nuôi mới được ông Đặng Văn Hai thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

06/03/2019
Bà đỡ cho nhà nông trồng chanh dây Tây Nguyên Bà đỡ cho nhà nông trồng chanh dây Tây Nguyên

Ðây là loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nhiều cây trồng khác, chủ yếu là giống chanh dây tím Đài Loan.

06/03/2019
Làm giàu nhờ nghề nuôi lươn Làm giàu nhờ nghề nuôi lươn

Mua 5 ngàn con lươn giống, với giá 15 triệu đồng đem về nuôi. Nhờ chăm sóc cẩn thận, đàn lươn phát triển tốt. Anh tuyển chọn những con tốt để làm lươn bố mẹ

06/03/2019