Một Số Giống Ớt Cao Sản Mới
Qua 2 năm trồng thử nghiệm và tuyển chọn từ các giống ớt cay nhập nội, mới đây Cty TNHH Hạt giống Trang Nông đã đưa vào sản xuất đại trà một số giống ớt cay mới có tên là TN 018 và TN 026. Đây là 2 giống ớt lai F1 có nguồn gốc từ Hàn Quốc cho năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt là có độ cay nhẹ phù hợp cho ăn tươi và xuất khẩu dưới dạng ớt tươi muối nguyên quả, ớt giầm dấm đóng lọ, đóng hộp, tương ớt. Cả 2 giống TN 018 và TN 026 đều sinh trưởng khỏe, có khả năng phân nhánh mạnh, cây cao trung bình 1,2-1,3m, tán lá màu xanh đậm.
Thời gian sinh trưởng từ trồng đến thu quả lứa đầu khoảng 70-75 ngày; thời gian thu hoạch kéo dài (từ trồng đến thu hoạch xong 170-180 ngày, nhưng thu tập trung trong 2 tháng cho hiệu quả cao nhất), rất dễ đậu trái, mỗi nhánh nhỏ thường cho 3-4 quả, thu được nhiều lứa nên năng suất tổng thể rất cao. Ở mức đầu tư và chăm sóc bình thường cho thu hoạch từ 30-50 tấn/ha; nếu chăm sóc, thâm canh tốt có thể đạt 55-60 tấn/ha. Quả dài, có dạng hình sừng bò, vỏ nhẵn bóng, thịt dày, khi chín có màu đỏ tươi rất đẹp.
Chiều dài quả giống TN 018 trung bình từ 14-15cm; giống TN 026 dài 17-18cm. Các giống này đều sinh trưởng, ra hoa đậu quả tốt ở nhiệt độ từ 18-340C. Khả năng kháng các bệnh trên cây ớt như thán thư, héo rũ (chết ẻo) và xoăn lá do vi rút rất tốt. Theo ông Tô Xuân Việt, Trưởng phòng kỹ thuật Cty Trang Nông thì vụ thu đông vừa qua Công ty Trang Nông đã bắt đầu cung cấp hạt giống cho nhiều địa phương có truyền thống trồng ớt xuất khẩu như Hưng Yên, Nam Hà, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình... với diện tích trên 300 ha đạt kết quả rất tốt, năng suất cao, sản phẩm dễ tiêu thụ, đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Nhiều hộ gia đình đã cho thu nhập từ 3,5 đến 4 triệu đồng/sào, thậm chí một số hộ làm giỏi như ở Tứ Kỳ, Hải Dương đã bán ớt tươi cho các đầu mối đem xuất tươi qua biên giới với giá từ 3 đến 10 nghìn đồng/kg cho thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/sào. Như vậy tính ra nếu chăm sóc tốt, mỗi hécta trồng ớt cao sản có thể cho thu nhập 70-80 triệu đồng/vụ một cách dễ dàng.
Theo khuyến cáo của Cty Trang Nông, để có thể đạt năng suất cao ngoài việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật cho trồng ớt thông thường, bà con nông dân cần chú ý thêm một số yêu cầu kỹ thuật sau:
- Thời vụ gieo trồng: Các tỉnh miền Nam có thể gieo trồng quanh năm, tránh những tháng mưa nhiều, cây dễ bị bệnh thán thư và chết ẻo do nấm và vi khuẩn. Các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là vùng ĐBSH có thể gieo trồng được 2 vụ/năm: Vụ ĐX gieo trồng từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau để thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 5 tháng 6. Vụ thu đông gieo trồng từ 20 tháng 7 đến hết tháng 9 để thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 12 tháng 1 năm sau.
- Làm đất, lên luống: Làm đất kỹ, tơi xốp, sạch cỏ dại. Lên luống rộng 1,4m; cao 30cm để trồng hàng đôi nanh sấu cách nhau 70cm, cây cách cây 50cm. Đảm bảo mỗi sào Bắc bộ (360m2) trồng được 750-800cây. Lượng hạt giống cần dùng cho 1ha là khoảng 200-250gam.
- Gieo hạt giống trên luống, hoặc gieo hạt vào các khay xốp trong nhà ươm có mái che để thuận tiện cho chăm sóc và tránh được điều kiện bất thuận của thời tiết cho đến khi cây có 3-4 lá thật thì đem ra trồng. Nên sử dụng màng phủ nông nghiệp loại 1,2m (2 cuộn/1.000m2) nhằm hạn chế cỏ dại, sâu bệnh, tiết kiệm phân bón, giữ ẩm cho cây tăng năng suất ớt quả, giảm được chi phí vật tư, đặc biệt là thuốc BVTV và nhân công.
- Tỉa bỏ toàn bộ các chồi từ điểm phân cành thứ nhất trở xuống. Hái bỏ tất cả hoa, trái của tầng phân cành 1 và 2, lấy trái từ tầng phân cành thứ 3 trở lên.
- Vì là giống lai F1, bà con không nên tự để giống cho vụ sau dễ bị phân ly làm giảm năng suất và chất lượng quả.
Có thể bạn quan tâm
Phun phân bón lá chất lượng cao, nhờ có các Auxin kích thích sinh trưởng điều tíết cho các quả/chùm giúp cho quả ớt lớn nhanh, độ đồng đều cao, chín sớm.
Trồng ớt và ớt cho quả trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng gặp bất lợi do một số dịch bệnh hại cây trồng nhất là bệnh thán thư.
Bệnh héo xanh trên cây ớt đặc biệt phổ biến ở các vùng trồng chuyên canh, hoặc vùng chuyên trồng các cây rau màu làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.
Bệnh mốc sương ớt xảy ra khá phổ biến nhất là ở những vùng trồng ớt tập trung làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, mẫu mã thậm chí bị chết hàng loạt.
Bọ trĩ, sâu đục trái, rệp muội, nhện... là những côn trùng gây hại phổ biến trên ớt và các loại cây trồng, làm giảm sút năng suất, chất lượng nông sản đáng kể.