Một số giải pháp phòng chống nắng nóng cho vật nuôi trong mùa Hè
Là một tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh đang chịu ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài và có nhiều diễn biến phức tạp, có lúc xuất hiện các đợt nắng nóng cục bộ, gió Tây Nam (gió Lào) thổi mạnh nhiệt độ lên cao 38 – 400C, gây ra oi bức, bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nói chung và nghề chăn nuôi nói riêng; đặc biệt nó làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng phát triển và sức sản xuất của đàn gia súc, gia cầm.
Với tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, một số dịch bệnh như: tiêu chảy, cảm nóng, cảm nắng, E.coli, phó thương hàn, viêm phổi, cầu trùng …dễ phát sinh gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. Để hạn chế những tác động bất lợi do nắng nóng gây ra đối với đàn vật nuôi người chăn nuôi cần chủ động thực hiện kịp thời một số giải pháp cụ thể sau:
1. Về chuồng trại:
- vị trí, địa điểm: Nên chọn địa điểm nơi cao ráo, dễ thoát nước, dễ làm vệ sinh, có đủ nguồn nước phục vụ cho chăn nuôi, nhất là chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.
- Về hướng chuồng: Nên chọn hướng Đông Nam hoặc hướng Nam là tốt nhất; tránh gió Đông Bắc và ánh nắng chiếu trực tiếp chiếu vào chuồng nuôi.
- Về vật liệu sử dụng xây dựng chuồng trại: Có thể sử dụng vật liệu sẵn có tại địa phương khi làm chuồng nuôi như: tre, lá cọ, lá dừa, lá mía, rơm,… hoặc các loại vật liệu cách nhiệt như tôn lạnh đển lợp mái chuồng nuôi.
- Chiều cao từ nền chuồng đến đỉnh mái: Tối thiểu đạt 2,7m để đảm bảo thông thoáng. Đối với chuồng trại cũ, thấp cần tiến hành cơi nới để tăng chiều cao chuồng nuôi trước mùa nắng nóng.
- Khi thời tiết nắng nóng cục bộ, bất thường, kéo dài, nhiệt độ lên cao cần tiến hành một số giải pháp bổ sung để đảm bảo nhiệt độ cho tiểu khí hậu chuồng nuôi như: Trồng cây dây leo hoặc lưới chống nắng che phủ mái chuồng nuôi. Đây là giải pháp tự nhiên, thân thiện với môi trường và có hiệu quả giảm nhiệt đáng kể cho mái và chuồng nuôi. Có thể trồng các loại cây dây leo như sắn dây, gấc, chanh leo…để che phủ mái chuồng nuôi.
Tuy nhiên, cần làm khung đỡ dạng lưới đan chắc khoẻ, cách mái một khoảng tối thiểu từ 20 cm trở lên để tránh cành lá tiếp xúc trực tiếp với mái gây hư hại mái chuồng hoặc gây khô héo thân lá cây khi tiếp xúc với mái tôn, fibro xi-măng. Sử dụng lưới đen che nắng cho mái lợp bằng tôn hoặc fibro xi-măng bằng cách làm khung giàn, sau đó gắn lưới che lên khung giàn, khoảng cách từ mái chuồng nuôi đến lưới che trong khoảng từ 80 -150 cm.
Có thể lắp hệ thống phun nước làm mát mái và làm mát trong chuồng nuôi dạng phun sương. Cách này sẽ giúp giảm nhiệt tức thì cho mái, chuồng nuôi nhưng chi phí đầu tư cao, tốn điện, nước đồng thời có thể gây hư hại mái chuồng, thiết bị chăn nuôi và thường tạo ra độ ẩm lớn trong chuồng nuôi nếu không có quạt đẩy đi kèm.
- Đối với các trang trại chăn nuôi tập trung, vào mùa hè nhất thiết phải có hệ thống làm mát như giàn phun mưa, hệ thống quạt thông gió hoặc hệ thống làm mát bằng hơi nước ở đầu chuồng nuôi để làm giảm nhiệt độ trong chuồng nuôi.
2. Về nuôi dưỡng, chăm sóc
- Đối với lợn: Giảm mật độ nuôi nhốt đối với lợn nái 3 – 4 m2/con, lợn thịt là 2 m2/con. Cần tắm cho đàn lợn 1 - 2 lần/ngày. Cho lợn ăn khẩu phần đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo đủ nước uống sạch và mát, bổ sung Bcomplex, Vitamin C, chất điện giải… để lợn giải nhiệt và tăng cường sức đề kháng.
- Đối với trâu, bò, dê: Mật độ nuôi nhốt đối với trâu bò thịt: 5 - 6 m2/con, dê 1,8 - 2 m2/con. Nếu chăn thả cần tiến hành vào sáng sớm hoặc chiều muộn: Buổi sáng cho trâu bò đi chăn thả sớm (6 giờ thả, 8 giờ về); buổi chiều chăn thả muộn (4 giờ thả, 6 giờ về). Nên buộc trâu bò nghỉ ngơi ở những nơi có cây xanh bóng mát.
Cho trâu bò uống đủ nước sạch, mát, bổ sung Vitamin C để giải nhiệt, cho ăn đủ no từ 30 - 35 kg thức ăn thô xanh, 0,5 - 1 kg thức ăn tinh, 20 - 30 gam muối ăn để đảm bảo sức khoẻ cho con vật. Nên tắm chải cho trâu bò 1 - 2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể.
- Đối với gia cầm: Cần giảm mật độ tối đa, không nhốt quá nhiều trong cùng ô chuồng như: Đối với gà con úm 50 - 60 con/m2; đối với gà 0,5 - 1 kg: nhốt 8 - 12 con/m2; đối với gà 2 - 3 kg: nhốt 3 - 5 con/m2. Hàng ngày, cho gà ăn sớm, tránh cho ăn vào thời điểm nhiệt độ chuồng nuôi lên cao, nóng bức, ăn xong treo máng ăn lên cho thoáng chuồng nuôi nhằm giảm nhiệt độ chuồng nuôi. Giảm độ dày đệm lót (nếu quá dày vì đệm lót sinh nhiệt nhiều).
Nếu thời tiết quá nóng có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng và cung cấp nước sạch, mát đủ cho gà uống tự do. Đối với gà đẻ rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao nên tránh nuôi quá béo, cho ăn thêm rau xanh, đồng thời tăng sức đề kháng cho gia cầm bằng cách cho uống Bcomplex, Vitamin C, chất điện giải…
3. Công tác vệ sinh thú y phòng bệnh:
- Thực hiện tốt các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và môi trường xung quanh.
- Thu gom và xử lý tốt chất thải trong chăn nuôi nhằm hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh.
- Sử dụng vắc xin phòng bệnh theo quy trình cho đàn gia súc, gia cầm như: Phó thương hàn, dịch tả, tụ huyết trùng (đối với đàn lợn); Lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu bò; Newcastle, tụ huyết trùng, Gumboro, đậu (đối với đàn gà).
- Những ngày nắng nóng cần tăng cường hơn việc kiểm tra theo dõi đàn gia súc gia cầm. Trường hợp thấy gia súc, gia cầm có những biểu hiện không bình thường cần tách đàn cho nhốt riêng để kiểm tra, theo dõi và điều trị. Nếu số lượng nhỏ (một vài con) không thấy biểu hiện lây lan thì áp dụng cho uống thuốc trợ sức trợ lực, tạo sự thoáng mát cho con vật, khi trở lại bình thường, con vật khoẻ mạnh cho nhập đàn.
Trường hợp thấy gia súc gia cầm có biểu hiện triệu chứng nặng (bỏ ăn, khó thở, ho, sốt, ủ rũ, đi lại không bình thường…) có biểu hiện lây lan, cần báo ngay cán bộ thú y cơ sở để có biện pháp can thiệp kịp thời. Trường hợp có gia súc mắc bệnh chết phải đảm bảo việc tiêu hủy đúng nơi quy định không được vứt xác động vật ra môi trường xung quanh sẽ làm cho tình hình dịch bệnh càng phức tạp hơn và không kiểm soát được sẽ gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Trong thời gian tới, tình hình nắng nóng sẽ còn tiếp tục xảy ra. Chính vì vậy, các hộ chăn nuôi cần có kế hoạch, chủ động bố trí các giải pháp chống nóng phù hợp với tình hình thực tế, nhằm giúp cho việc chăn nuôi được thuận lợi, đảm bảo được sức sản xuất cũng như khả năng sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi một cách tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng cho biết, cho đến nay bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp và tiếp tục phát sinh thêm.
Vùng nguyên liệu giảm, hiệu quả kinh tế thấp, người dân không mặn mà với cây mía… là những rào cản lớn cho sự phát triển của ngành mía đường tỉnh Tuyên Quang.
Từ nhiều năm nay, cây cam đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực, giúp cho người dân các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc đẩy mạnh.