Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Một số giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả nghề câu cá ngừ đại dương

Một số giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả nghề câu cá ngừ đại dương
Tác giả: Thân Văn Minh
Ngày đăng: 16/01/2019

Nghề khai thác cá ngừ đại dương của nước ta phát triển khá mạnh ở các tĩnh miền Trung đặc biệt là các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.Ngư dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa vận dụng khoa học kỹ thuật nhiều vào đánh bắt, trang bị phương tiện, ngư cụ và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn lạc hậu nên hiệu quả sản xuất chưa cao.

Nhằm giúp bà con ngư dân trong tỉnh hiểu thêm về kỹ thuật xác định ngư trường, đặc tính sinh học của đối tượng khai thác và một số phương pháp dò tìm chính xác nhằm giảm thiểu chi phí nhiên liệu và đảm bảo đạt hiệu quả sản xuất trong nghề câu cá ngừ đại dương xin giới thiệu một số phương pháp sau:

Ngư trường đánh bắt

Xác định khu vực đánh bắt: Cá ngừ đại dương thích sống ở những vùng nước ấm và di cư theo quy luật nhất định, nên ngư trường đánh bắt thường xuyên thay đổi. Đàn cá di chuyển phụ thuộc nhiều vào thời tiết và khí hậu. Do đó, cần phân chia vĩ độ khai thác để xác định các vị trí ngư trường trọng yếu dựa trên các sổ sách ghi chép lại, bản đồ dự báo sản lượng khai thác từng tháng của Viện Nghiên cứu biển Hải Phòng, vùng có sản lượng đánh bắt cao ở các năm trước, thông tin từ các tàu bạn…

Các tàu câu cá ngừ đại dương tại Việt Nam chủ yếu hoạt động tại các ngư trường thuộc vùng: Đông Bắc Hoàng Sa, Hoàng Sa, Trường Sa; Nam, Đông Nam Biển Đông; vùng biển Phú Quý, vùng gần bờ miền Trung… Nghề câu vàng khai thác cá ngừ tại các tỉnh miền Trung gần như quanh năm. Trong năm có 2 tháng (tháng 9 và 10) là những tháng có sản lượng thấp và không ổn định so với các tháng khác.

Mùa vụ chính (vụ Bắc): từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau năng suất khai thác cao nhất trong năm và cá ngừ có chất lượng tốt nhất.

Xác định các điểm đánh bắt: Sau khi xác định được các khoảng vĩ độ khai thác trên hải đồ, bản đồ đánh bắt, tiến hành khoanh tròn những điểm sẽ  câu cá ngừ. Các điểm cần khoanh tròn có đặc điểm sau:

- Khu vực có tầng đáy phức tạp và hướng chảy của dòng hải lưu liên tục thay đổi, bằng mắt thường ta có thể thấy được những dòng nước xoáy đều từng đợt từ dưới lên.

- Dưới đáy biển được quan sát trên các máy dò cá FURUNO ta thường thấy qua màn hình các dãy núi nhỏ mấp mô, thậm chí ở đó còn hình thành nhiều hang, hốc…

Nhìn chung, địa hình dưới đáy biển không đồng đều, chỗ cao chỗ thấp, chỗ lồi chỗ lõm là vùng biển lý tưởng cho sự sống của các loài cá ngừ đại dương. Tại những vùng biển như thế, do sự chênh lệch quá lớn về độ nông - sâu gây nên những đợt sóng mạnh cuộn từ dưới lên, đập mạnh vào khối sinh vật phù du và các loài tôm, cá nhỏ phía bên trên, đây cũng chính là lượng thức ăn dồi dào cho các loài cá ngừ.

Xác định nhiệt độ nước: Bằng các nhiệt kế thông thường hoặc các thông số nhiệt độ chỉ thị trên các màn hình của máy dò cá. Dựa vào các thông số về nhiệt độ của nước, tình trạng của dòng hải lưu… tiến hành tổng hợp và phân tích, xác định vị trí trung tâm của ngư trường. Thông thường, khi tầng mặt đạt nhiệt độ lớn hơn hoặc bằng 27oC, bắt đầu thả lưới câu cá ngừ. Nếu nhiệt độ của nước thay đổi đột ngột, cá ngừ sẽ ngừng săn mồi, thay vào đó, chúng di chuyển nhanh và rối loạn.

Xác định các điểm trung tâm đánh bắt: Khi đã áp dụng các phương pháp nêu trên, xác định được ngư trường thích hợp, cần tiếp tục quan sát đàn cá để qua đó tìm ra vị trí trung tâm, thu nhỏ phạm vi đánh bắt. Việc nhất thiết phải làm ngay khi xác định được tâm điểm, đó là tính toán nhanh những ảnh hưởng của hướng dòng chảy và tốc độ của dòng chảy. Cá ngừ là loài luôn di chuyển theo dòng hải lưu nên khi nắm bắt được hướng chuyển động và tốc độ của dòng hải lưu, ta sẽ dễ dàng truy đuổi hoặc đón đầu.

Ngư trường khai thác thường xuyên thay đổi, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu và phát hiện ra một số quy luật:

Ở những khu vực có dòng chảy ổn định, nếu mỗi giờ có:

Từ 0,5 đến 1,5 đợt sóng thì trung tâm quần tụ của đàn cá không xa so với vị trí ban đầu, cách đó khoảng 7 đến 10 hải lí (1 hải lí = 1.852 mét); Từ 1,5 đến 2 đợt sóng, trong một ngày đàn cá sẽ di chuyển quãng đường là 10 đến 30 hải lí.

Dòng chảy diễn biến phức tạp: nếu có nhiều hơn 2 đợt sóng/giờ, việc truy đuổi đàn cá sẽ gặp nhiều khó khăn.

Xác định trung tâm đàn cá bằng phương thức thả lưỡi câu: Trong trường hợp tìm được ngư trường nhưng chưa xác định được trung tâm đàn cá thì phải hạ thấp lưới câu và mở rộng phạm vi đánh bắt bằng cách thay đổi độ sâu của lưỡi câu và liên tục chuyển vị trí câu.

Khi biết rõ tọa độ tập trung nhiều cá, thì phải đo góc nhọn tạo bởi hướng của lưỡi câu và hướng của dòng hải lưu, nếu góc này lớn hơn 60o thì tỉ lệ cá ngừ câu được không cao. Trái lại, nếu góc này nhỏ hơn hoặc bằng 60o, sản lượng đánh bắt sẽ rất khả quan. Tốt nhất luôn duy trì một góc từ 20o đến 50o.

Tránh thả câu ở chỗ có dòng hải lưu chảy theo phương thẳng đứng, vì cá ngừ không thể dính lưỡi câu. Gặp hôm trở trời, gió thổi mạnh, áp sát lưỡi câu vào mạn thuyền và từ từ thả xuống biển, sản lượng khai thác không hề giảm.

Xác định độ sâu đánh bắt

Khi ra khơi, ngư dân phải biết rõ tầng nước nào có nhiều loài cá nào sinh sống, chỉ như vậy mới quyết định được cách thức câu, khai thác mới đạt hiệu quả.

Cá ngừ mắt to thường bơi ở tầng nước rất sâu, khoảng 200 đến 250 mét; cá ngừ vây vàng thì tập trung nhiều ở tầng nước nông hơn, chưa tới 200 mét; cá ngừ vằn có phạm vi phân bố rộng, dao động trong khoảng từ 0 đến 260 mét. Về đêm, cá ngừ vằn chỉ hoạt động ở tầng mặt; cá ngừ vây dài sinh sống ở tầng mặt cho tới độ sâu 380 mét, tùy thuộc vào sự chi phối của nhiệt độ môi trường và lượng ôxy hòa tan trong nước.

Trong quá trình đánh bắt, người ta phát hiện ra rằng, các loài cá ngừ lớn thường tập trung nhiều ở độ sâu 150 đến 180 mét. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau (chủ yếu là do không thể hạ lưỡi câu xuống quá sâu) nên tỉ lệ cá ngừ câu được ở tầng nước này thường rất thấp. Nếu chủ động khai thác ở độ sâu từ 70 đến 150 mét, sản lượng đạt được sẽ khá hơn nhiều.

Thực tiễn sản xuất đã chứng minh: Tại độ sâu 130 mét, nhiệt độ trên 28oC, có thể đánh bắt tất cả các loài cá ngừ cho hiệu quả cao.

Những đêm trăng sáng, nếu tiến hành câu sẽ đạt sản lượng khá, bởi vì hầu hết các loài cá ngừ đều có tính hướng sáng. Gần như không thể hoặc có thể khai thác nhưng đạt hiệu quả thấp nếu trời không có trăng, vì ngoài nguyên nhân về ánh sáng, còn vì cá ngừ thường lặn sâu, sóng thì rất mạnh làm chệch hướng lưỡi câu.

Kinh nghiệm cơ bản để câu cá ngừ đại dương: Tránh sóng to gió lớn, tìm đến những ngư trường có sóng nhẹ; Thả lưới câu từ từ để lưỡi câu đạt đến độ sâu đã định.

Lựa chọn mồi câ

Đối với cá ngừ, yêu cầu về chất lượng con mồi thường rất cao, cho nên mồi câu cá ngừ phải là mực tươi cấp đông, thứ đến là cá nục và cá thu. Người ta chọn những con mực có khối lượng từ 150 - 300 g, kích cỡ con mồi to hay nhỏ phụ thuộc vào loài cá ngừ định câu. Vào những đêm trăng sáng, đối với đàn cá di chuyển đều, tỉ lệ cá ngừ tròn cao, ta chọn mồi câu là những con mực cỡ lớn. Đối với cá nục và cá thu, ta chọn những con nặng khoảng 200 - 300 g. Cũng như mồi câu bằng mực, yêu cầu về độ tươi của hai loại mồi câu này cũng rất cao, nếu không mồi rất dễ bị tan trong nước.

Tuy nhiên, việc dùng cá nục và cá thu sẽ làm giảm chi phí sản xuất. Do đó, nên sử dụng hai loại mồi câu này vào những hôm trời không có trăng hoặc dùng để câu cá ngừ vây vàng. Ngoài ra, mồi câu bằng cá nục và cá thu còn có ưu điểm tạo mùi lan tỏa trong phạm vi rộng, thu hút được nhiều đàn cá.


Có thể bạn quan tâm

Sôi động thị trường bán lẻ thế giới Sôi động thị trường bán lẻ thế giới

Thời điểm cuối năm tại Mỹ và châu Âu diễn ra nhiều ngày lễ lớn. Từ các hãng cung cấp đến người tiêu dùng thủy, hải sản bán lẻ chính thức bước vào thời điểm bận

14/01/2019
Phương pháp nuôi kết hợp cá rô phi với tôm Phương pháp nuôi kết hợp cá rô phi với tôm

Việc quản lý môi trường ao nuôi tôm công nghiệp theo hướng sử dụng đơn thuần thuốc kháng sinh hoặc chế phẩm sinh học thường xảy ra độ rủi ro

16/01/2019
Sản xuất giống cá chẽm cho thu nhập cao Sản xuất giống cá chẽm cho thu nhập cao

300.000 con giống kích thước 3-5 cm. Cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Hồ, địa chỉ số 92, đường Chi Lăng, Phường 12, TP Vũng Tàu thu lời khoảng 500 triệu đồng.

16/01/2019
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.