Trang chủ / Hải sản / Tôm hùm

Một Số Biện Pháp Trị Bệnh Sữa (Bệnh Đục Thân) Ở Tôm Hùm

Một Số Biện Pháp Trị Bệnh Sữa (Bệnh Đục Thân) Ở Tôm Hùm
Ngày đăng: 02/08/2013

1. Dấu hiệu bệnh lý

Bệnh xảy ra ở tôm hùm bông (Panulirus ornatus), tôm hùm đá (P. homarus) và tôm hùm tre (P. polyphagus) nuôi lồng; riêng tôm hùm đỏ (P. longipes) chưa thấy xuất hiện dấu hiệu bệnh này.

Các đốt ở phần bụng của tôm bệnh chuyển từ màu "trắng trong" sang màu "trắng đục”, dịch tiết (cả máu) của cơ thể tôm bệnh có màu đục như sữa, mô cơ chuyển sang màu trắng đục hay vàng đục và nhão, gan tụy chuyển màu nhợt nhạt, có trường hợp bị hoại tử. Tôm bệnh giảm ăn đến bỏ ăn hoàn toàn. Bệnh xảy ra ở cả tôm con và tôm hùm thương phẩm (kích cỡ 50 - 500 gam/con), gây chết tôm nuôi từ rải rác đến hàng loạt, tỷ lệ chết hơn 70%.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Vi khuẩn Rickettsia-like được xem là tác nhân gây bệnh sữa trên tôm hùm nuôi lồng tại vùng biển miền Trung nước ta. Ngoài ra, vi khuẩn Vibrio fluvialis, V. alginolyticus, một số ký sinh trùng ... cũng được phát hiện trong các mẫu tôm bệnh và thức ăn sử dụng cho tôm hùm.

3. Trị bệnh:

Phác đồ 1: Tiêm thuốc kết hợp với cho ăn thuốc

Ngày thứ 1: Tiêm thuốc cho toàn bộ tôm nuôi trong lồng.

* Thuốc và liều lượng cần dùng:

+ Thuốc kháng sinh: 1 lọ Streptomycine Sulfate - 1.000 mg (dùng cho thú y).

+ Dung dịch pha loãng: 10 ml nước muối sinh lý hoặc 10 ml nước cất.

* Cách sử dụng:

+ Pha thuốc: Hút 10 ml nước muối sinh lý (hay nước cất) bơm vào 1 lọ Streptomycine Sulfate – 1.000 mg, lắc lọ thuốc cho Streptomycine Sulfate hòa tan đến khi nhìn thấy dung dịch có màu trong.

+ Liều tiêm: tiêm 0,04 ml thuốc đã pha/100 gam khối lượng tôm. Ngày thứ 2 - 4: Tiêm hay trộn thuốc vào cá mồi cho tôm ăn.

* Liều lượng thuốc cần dùng/kg thức ăn (cá mồi):

+ Thuốc kháng sinh: Doxycycline base 10% (hoặc Strepto-Terramycine dạng gói 100g), dùng 7 gam (khoảng 2 muỗng cà phê);

+ Dung dịch pha loãng: 50 ml nước muối sinh lý (hay nước cất), hoặc 50ml nước khoáng thiên nhiên (hay nước uống tinh khiết) đóng chai.

+ Khoáng chất, vitamin E tổng hợp và chất kết dính: sử dụng một trong số các sản phẩm có bán trên thị trường như: Mutagen, Minerex, Grow shrimp, V-mix, Oli-Mos, QM-Binder,… trộn vào thức ăn với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; hoặc dầu gan mực, dùng 10 ml (khoảng 3 muỗng cà phê).

* Cách đưa thuốc vào thức ăn theo trình tự sau

+ Thức ăn (cá liệt, cá cơm, cá sơn,...) rửa sạch, để ráo;

+ Hòa tan thuốc kháng sinh Doxycycline base 10% (hoặc Strepto-Terramycine) vào nước muối sinh lý (hay nước cất/nước khoáng, nước tinh khiết) với liều lượng như trên, khuấy đều cho thuốc tan. Dùng xi-lanh hút dung dịch thuốc vừa hòa tan tiêm vào cơ thịt của cá mồi (tiêm nhiều vị trí khác nhau dọc 2 bên vây lưng của cá). Sau khi tiêm thuốc vào cá, cắt cá cho phù hợp cỡ mồi. Trộn/tiêm đều khoáng chất và vitamin E tổng hợp (Mutagen, Minerex, Grow shrimp, V-mix,... ) vào thức ăn với liều như trên, để 30 phút.

+ Bổ sung các chất kết dính (QM-Binder, Profisd, Feed coat...), trộn đều trước khi cho tôm ăn.

Lưu ý: Cũng có thể trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho tôm ăn, cách trộn như với khoáng chất và vitamin tổng hợp. Tuy nhiên, cách làm này làm mất lượng thuốc nhiều hơn so với cách đưa thuốc vào thức ăn qua đường tiêm.

* Cách cho tôm ăn:

Mỗi ngày cho tôm ăn cá mồi có thuốc một lần vào lúc chiều tối.

Ngày thứ 5 - 7: Tương tự như ngày thứ 2 - 4 nhưng liều lượng thuốc kháng sinh giảm một nửa.

Kiểm tra tôm: Kiểm tra toàn bộ tôm nuôi trong lồng.

+ Nếu thấy tôm còn có dấu hiệu bệnh sữa, lặp lại liều tiêm thuốc vào thức ăn (cá mồi) như ngày thứ 5 - 7 rồi cho tôm ăn thức ăn có thuốc.

+ Nếu thấy tôm khỏi bệnh thì từ ngày thứ 8 - 14 tiếp tục cho tôm ăn theo phát đồ điều trị bệnh.

Ngày 8 - 14: Trộn/tiêm thuốc bổ, men vi sinh vào thức ăn của tôm.

* Thuốc và liều lượng dùng/kg thức ăn

+ Men vi sinh hay chất ổn định đường ruột tôm: Effinol, dùng 5 gam; hoặc P-zyme-mos, Probestim, QM-Probiotic, Combax, Probai, Oli-mos,… đưa vào trong thức ăn với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

+ Khoáng chất, vitamin tổng hợp và chất kết dính: sử dụng một trong số các sản phẩm Mutagen, Minerex, Grow shrimp, V-mix, QM-Binder, Profisd,... đưa vào trong thức ăn với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; hoặc dầu gan mực, dùng 10 ml.

* Cách đưa thuốc vào thức ăn (cá mồi) và cách cho tôm ăn tương tự như trên.


Có thể bạn quan tâm

Tỷ lệ dinh dưỡng trong thức ăn công nghiệp cho tôm hùm xanh Tỷ lệ dinh dưỡng trong thức ăn công nghiệp cho tôm hùm xanh

Lượng protein và lipid có trong thức ăn công nghiệp sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm hùm xanh.

19/01/2021
Phòng và điều trị bệnh sữa trên tôm hùm trong mùa mưa Phòng và điều trị bệnh sữa trên tôm hùm trong mùa mưa

Bệnh sữa trên tôm hùm hay còn gọi theo tên địa phương là bệnh tôm sữa, bệnh đục thân. Bệnh do vi khuẩn ký sinh nội bào giống như Rickettsia gây ra.

22/02/2021
Nuôi tôm hùm bông trong bể Nuôi tôm hùm bông trong bể

Chọn mua tôm giống nơi gần nhất với trại nuôi và thả tôm hùm giống có cùng ngày tuổi (cùng giai đoạn phát triển).

13/03/2021
Lưu ý ương tôm hùm giống Lưu ý ương tôm hùm giống

Vị trí thích hợp để xây dựng hệ thống ương tôm hùm giống? Loại thức ăn nào được sử dụng trong ương tôm hùm?

12/05/2021
Bệnh sữa ở tôm hùm và cách điều trị bệnh sữa hiệu quả nhất! Bệnh sữa ở tôm hùm và cách điều trị bệnh sữa hiệu quả nhất!

Tôm hùm hiện được nuôi phổ biến và có giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, dịch bệnh trên tôm hùm thường xuyên xảy ra, đặc biệt là bệnh sữa ở tôm hùm

04/06/2021