Một số biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa mùa 2019
Do đặc điểm thời tiết sản xuất vụ mùa thường có nhiệt độ cao, mưa to kéo dài, thời gian sinh trưởng của lúa ngắn hơn vụ xuân. Vì vậy để thâm canh lúa mùa đạt hiệu quả và năng suất cao, chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân miền Bắc thực hiện một số biện pháp kỹ thuật như sau:
Làm ruộng:
Phát quang cỏ bờ, nhặt sạch cỏ dại - ốc bươu vàng, làm đất kỹ, be bờ giữ nước 3 - 5cm, bón phân lót trước khi bừa lần cuối và để lắng bùn trước khi cấy.
Kỹ thuật cấy:
- Tuổi mạ: 12 - 18 ngày.
-Thời vụ: Cấy tốt nhất từ 18/6 đến 25/6, nên kết thúc cấy xong trước ngày 30/6/2019.
- Khi thời tiết râm mát xúc mạ đi cấy, cấy thẳng hàng, nông tay để lúa đẻ nhánh thuận lợi, cấy theo băng luống, mỗi luống rộng 1,4 - 1,5 m, hàng băng rộng 25 cm.
- Xúc mạ đến đâu cấy hết đến đó, tuyệt đối không để mạ qua đêm và tránh mạ dập nát thân - rễ, làm lúa chậm hồi phục.
- Mật độ cấy: Tuỳ theo giống lúa, tuổi mạ, chân đất, lượng phân bón để định mật độ cấy cho phù hợp.
+ Đối với lúa thuần: 35 - 40 khóm/m2 x 1 - 2 dảnh/khóm..
+ Đối với lúa lai: Cấy 30 - 35 khóm/m2 x 1dảnh/khóm.
Lượng phân bón/sào (360 m2):
Tuỳ theo từng giống lúa, chân đất và nhu cầu của cây lúa để tăng giảm lượng phân bón cho phù hợp. Trong điều kiện đất đai có độ màu mỡ trung bình, lượng phân bón như sau:
- Phân chuồng hoai mục: 200 - 300 kg (Nếu không có phân chuồng có thể thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh: 30 - 35kg)
- Vôi bột : 10 - 15 kg
- Lân : 10 - 15 kg
- Đạm urê : 6 - 7 kg
- Kaly : 5 - 6 kg.
Đối với lúa lai: Tăng 10 - 15% lượng phân bón so với lúa thuần.
Có thể thay phân đơn bằng phân NPK tổng hợp chuyên dùng cho lúa, lượng bón theo chỉ dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất.
Kỹ thuật bón phân:
Do thời gian sinh trưởng của lúa mùa ngắn, thời tiết diễn biến phức tạp, vì vậy phương pháp bón phân cần linh hoạt, bón theo phương châm nặng đầu, nhẹ cuối để lúa đẻ nhánh gọn và tập trung đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, cụ thể như sau:
- Bón phân lót trước khi bừa cấy: Bón 100% phân chuồng, vôi bột và phânLân + 40% đạm.
- Bón thúc lần 1: Khi cây lúa bén rễ hồi xanh (5 - 7 ngày sau cấy), bón 50% lượng phân đạm + 50% lượng phân Kali kết hợp cào cỏ sục bùn, phá váng và tỉa dặm.
- Bón thúc lần 2 (Bón đón đòng): Bón hết lượng phân còn lại, kết hợp nhặt cỏ dại và dọn sạch cỏ bờ (nếu có).
- Nếu lúa có màu vàng gừng, lá ngắn (Biểu hiện thiếu đạm) bón thêm 0,5 - 1 kg Urê/sào.
Chú ý: Ở giai đoạn lúa đẻ nhánh cần kết thúc bón phân đạm chậm nhất là 15 ngày sau cấy.
Dặm tỉa:
Những ruộng lúa bị mất khoảng như ngập úng cục bộ, ốc bươu vàng, chuột phá hoại hoặc ngộ độc hữu cơ...,trước khi bón phân thúc lần 1 hoặc sau khi bón phân xong cần dặm tỉa ngay để đảm bảo mật độ và giúp ruộng lúa phát triển đồng đều.
Điều tiết nước:
- Sau khi cấy giữ mực nước nông 2 - 3 cm, nhằm tạo điều kiện cho ruộng lúa đẻ nhánh, sinh trưởng phát triển tốt.
- Thời kỳ cuối đẻ nhánh nên tháo cạn nước phơi ruộng hoặc giữ mực nước sâu 15 - 20 cm trong khoảng 7 - 10 ngày, để hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu; sau đó đưa nước vào ruộng ở mức 2 - 3 cm, không để ruộng khô hạn hoặc ngập úng.
Phòng trừ sâu, bệnh:
Cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến thời tiết và thông báo sâu bệnh hại lúa của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tại địa phương để có biện pháp phòng trừ kịp thời một số loại sâu bệnh phát sinh gây hại lúa mùa như:
- Giai đoạn cấy - sau cấy: Ốc bươu vàng, chuột.
- Giai đoạn lúa đẻ nhánh: Sâu cuốn lá nhỏ.
- Giai đoạn lúa đứng cái làm đòng: Sâu đục thân, sâu cuốn lá, đốm sọc vi khuẩn, bạc lá, khô vằn, rầy nâu.
- Giai đoạn lúa trỗ - chín: Sâu đục thân, khô vằn, rầy nâu...
Có thể bạn quan tâm
Canh tác nông nghiệp nói chung và làm lúa nói riêng luôn cần có sự kết hợp nhiều yếu tố để mang đến thành công.
Loại 3 mầu, loại tan nhanh một hạt, phù hợp với từng loại cây trồng và các loại đất khác nhau để bà con nông dân lựa chọn phù hợp đưa vào sản xuất
Hai giống lúa thơm ST19 Mới đạt giải nhất, do TS Trần Tấn Phương, Trung tâm giống Sóc Trăng, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua và nhóm cán bộ nông nghiệp tỉnh