Một số biện pháp kỹ thuật chống rét cho lúa và mạ xuân
Hiện nay KKL đã tràn xuống và ảnh hưởng trực tiếp gây ra rét đậm, rét hại kéo dài. Trước tình hình trên bà con cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật để phòng chống rét cho diện tích lúa mới cấy và mạ sau khi gieo như sau:
Thứ nhất: Với diện tích lúa đã cấy chủ yếu ở chân ruộng ngoài đê tránh lụt tiểu mãn ở các huyện Nho Quan và Gia Viễn. Hiện nay lúa đã bén rễ hồi xanh, một số diện tích đã bắt đầu đẻ nhánh: Cần tiếp tục duy trì lớp nước mặt từ 3 – 5 cm với phương trâm là lấy nước làm áo nhằm tăng cường khả năng chống chịu rét, tuyệt đối không được để ruộng khô cạn. Trong thời gian này tuyệt đối không được chăm sóc, đặc biệt là bón bổ sung phân đạm, đợi khi thời tiết nắng ấm trở lại thì mới tiến hành chăm sóc như bình thường. Đồng thời bà con tiếp tục bảo vệ diện tích mạ dư thừa và mạ dự phòng để phòng trường hợp, rét đậm kéo dài gây chết lúa thì vẫn có đủ lượng mạ đúng giống, đúng tuổi để rặm kịp thời đảm bảo thời vụ và mật độ.
Thứ hai: Với những diện tích mạ đã gieo và đang được che phủ nilon: Bà con tiếp tục duy trì độ ẩm trên mặt luống, tốt nhất là để rãnh có nước và cần kiểm tra độ kín của nilon. Nếu như bị hở, tung bật cần tiến hành che chắn lại ngay nhằm đảm bảo độ kín để giữ ấm và giữ ẩm. Trong thời gian rét đậm kéo dài nếu kiểm tra mạ STPT kém bà con có thể dùng 50 – 100g supe lân pha loãng với nước phân chuồng hoai mục để tưới cho 1 m2 mạ nhằm tăng cường phát triển của bộ rễ (tuyệt đối không được tưới nước phân đạm).
Thứ ba: Hiện nay một số địa phương đã ngâm ủ hạt giống và qua kiểm tra thì mộng mạ đã đạt tiêu chuẩn gieo thì cần tranh thủ buổi trưa để tiến hành gieo ngay. Sau khi gieo xong phải tiến hành che phủ nilon trong ngay. Lưu ý: Không được dùng nilon cũ, bẩn, rách sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng giữ ấm, giữ ẩm cũng như khả năng quang hợp. Cần phải dùng nilon trắng trong, không quá dày, không quá mỏng, khổ 1,2m khi rạch đôi được 2,4m nhằm đảm bảo che phủ kín cả luống, tuyệt đối không được hở chân. Vòm nilon đảm bảo độ cao từ 50-60cm, sau khi che xong cần kiểm tra bằng cách cho tay vào bên trong nếu nhiệt độ cao hơn bên ngoài và có hơi nước đọng trong vòm, như vậy nilon đã đảm bảo độ kín.
Còn đối với những địa phương đã có kế hoạch để chuẩn bị ngâm ủ thì cần tạm dừng lại và theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết. Khi nhiệt độ trung bình trong ngày >150C thì mới tiến hành ngâm ủ.
Đồng thời với các biện pháp trên cần đẩy nhanh tiến độ làm đất với phương châm là ruộng chờ mạ, chuẩn bị đầy đủ vật tư phân bón, tổ chức đánh bắt chuột và ốc bươu vàng trước khi gieo, cấy.
Có thể bạn quan tâm
Năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, chất lượng gạo ngon là những nhận xét của người nông dân về giống lúa HDT10 tại hội thảo đầu bờ mới đây tại xã Ea Kly
Đợt nắng này sẽ kéo dài đến ít nhất từ 28 - 29/4 trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất phổ biến trong khoảng 35 - 37 độ C, có nơi trên 38 độ C.
Trong môi trường gây mặn nhân tạo, ở giai đoạn cây con, giống lúa lai 3 dòng LY2099 có khả năng chịu độ mặn 5‰.