Trang chủ / Hải sản / Tôm hùm

Một số bệnh thường gặp trên tôm hùm

Một số bệnh thường gặp trên tôm hùm
Tác giả: Kim Tiến
Ngày đăng: 30/07/2018

Tôm hùm là loài hải sản có giá trị dinh dưỡng, giá trị xuất khẩu cao và đang được nuôi phổ biến tại các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra.

Tôm hùm mắc bệnh sữa thường chết sau 9 - 12 ngày. Ảnh: CTV

Bệnh đỏ thân

Tác nhân gây bệnh: Tôm hùm bị đỏ thân có thể là do tổng hợp của nhiều nguyên nhân gây nên. Trong đó nhóm vi khuẩn Vibrio cũng là một trong những tác nhân gây ra bệnh này.

Triệu chứng: Dấu hiệu nhận biết tôm bị bệnh là toàn thân tôm đều chuyển sang màu hồng, tôm bỏ ăn, kém hoạt động, chết từ rải rác đến hàng loạt. Bệnh xuất hiện ở tôm con và tôm trưởng thành.

Điều trị: Trị bệnh bằng cách sử dụng Doxycycline trộn hay tiêm vào thức ăn với lượng 3 - 7 g/kg thức ăn, cho tôm ăn liên tục trong 5 - 7 ngày.

Bệnh đen mang

Tác nhân gây bệnh: Bệnh đen mang do nấm Fusarium gây ra.

Triệu chứng: Mang tôm bị tổn thương, chuyển thành màu đen và lan rộng khắp cả mang và khi bệnh nặng, toàn bộ tơ mang bị phá hủy. Bệnh thường xảy ra ở tôm hùm giai đoạn trưởng thành.

Điều trị: Có thể tắm cho tôm bằng Formalin nồng độ 100 - 200 ml/m3 trong 10 - 15 phút, trong 2 - 4 ngày để trị bệnh. Lưu ý, tôm bệnh sau khi xử lý thuốc cần được thả nuôi ở lồng khác.

Bệnh sữa

Tác nhân gây bệnh: Do vi khuẩn nội kí sinh Rickettsia-like. Bệnh thường xảy ra ở tôm hùm bông (Panulirus ornatus), tôm hùm đá (P. homarus) và tôm hùm tre (P. polyphagus) nuôi lồng.

Triệu chứng: Tôm bệnh hoạt động kém, ít phản ứng với những tác động xung quanh, giảm ăn hoặc bỏ ăn hoàn toàn. Sau 3 - 5 ngày bị nhiễm bệnh, các đốt ở phần bụng của tôm chuyển từ “trắng trong” sang “trắng đục”. Mô cơ ở phần bụng chuyển sang màu trắng đục hay vàng đục, nhão, có mùi hôi. Gan tụy chuyển màu nhợt nhạt và có trường hợp bị hoại tử. Tôm thường chết sau khi nhiễm bệnh 9 - 12 ngày. Tôm bị bệnh chết rải rác hoặc chết hàng loạt.

Điều trị: Theo phác đồ điều trị bệnh sữa của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tiêm thuốc cho toàn bộ tôm trong lồng nuôi, cụ thể như sau:

Khi phát hiện tôm hùm bị bệnh, tiến hành tiêm thuốc cho toàn bộ tôm trong lồng nuôi bằng Oxytetracyline 20% dạng tiêm có chứa LA, sử dụng nước cất dùng để pha thuốc. Đối với tôm hùm có kích cỡ dưới 500 g/con, tiến hành pha thuốc chứa 1 ml Oxytetracycline 20% + 9 ml nước muối sinh lý hoặc nước cất (1 phần thuốc pha với 9 phần nước), lắc đều. Tiêm với liều lượng 0,1 ml thuốc đã pha/100 g khối lượng tôm hùm. Tôm hùm có kích cỡ trên 500 g/con, pha thuốc chứa 2 ml Oxytetracycline 20% + 8 ml nước muối sinh lý hoặc nước cất, liều tiêm 0,05 ml thuốc đã pha/100 g khối lượng tôm hùm.

Hàng ngày, cho tôm ăn thức ăn trộn thuốc bổ trợ (men tiêu hóa và premix). Cho ăn vào chiều mát khi trời bắt đầu tối. Sau khi tiêm thuốc, tiến hành ghi chép và theo dõi (2 lần/ngày) khả năng bắt mồi cùng với dấu hiệu lâm sàng của bệnh sữa trong đàn tôm.

Sau khi điều trị tiến hành kiểm tra toàn bộ tôm điều trị, kiểm tra dấu hiện lâm sàng xem tôm có bị bệnh hay không. Nếu có điều kiện, có thể thu và gửi mẫu xét nghiệm bệnh sữa tại các phòng thử nghiệm. Trường hợp đã thực hiện đúng phác đồ điều trị bệnh không khỏi, hoặc có những biến đổi bất thường, cơ sở nên báo cơ quan quản lý thú y thủy sản tại địa phương để hướng dẫn giải quyết.


Có thể bạn quan tâm

Quy trình nuôi tôm hùm bông trong bể - Phần 1 Quy trình nuôi tôm hùm bông trong bể - Phần 1

Nuôi tôm hùm bông trong bể là mô hình nuôi tiên tiến, năng suất có thể đạt 5 kg/m2, tỷ lệ sống trên 80% và có thể kiểm soát được các bệnh nguy hiểm

01/04/2016
Quy trình nuôi tôm hùm bông trong bể - Phần 2 (Phần cuối) Quy trình nuôi tôm hùm bông trong bể - Phần 2 (Phần cuối)

Quy trình nuôi tôm hùm bông trong bể - Phần 2 (Phần cuối)

01/04/2016
Phương pháp mới dựa trên PCR để phát hiện bệnh tôm Phương pháp mới dựa trên PCR để phát hiện bệnh tôm

Một phương pháp dựa trên PCR để phát hiện Hội chứng tử vong sớm (EMS) của tôm, được phát triển bởi một nhóm nghiên cứu ở Đài Nam, Đài Loan do tiến sĩ Chu-Fang Lo, trưởng Khoa Khoa học đời sống tại Đại học Quốc gia Cheng Kung (NCKU) dẫn đầu, phối hợp với tiến sĩ Tim Flegel từ Thái Lan, đã được trường đại học này công bố.

06/05/2016