Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Mới lạ: Nông dân mắc màn cho cam

Mới lạ: Nông dân mắc màn cho cam
Tác giả: Huy Thư
Ngày đăng: 04/11/2017

"Mắc màn" cho cam để chống sâu bọ là câu chuyện khá mới tại gia đình anh Đặng Văn Thắng ở xóm 26/3, Tổng đội thanh niên xung phong 2, xã Thanh Đức, Thanh Chương (Nghệ An).

Những hàng cam được phủ màn ở nhà anh Đặng Văn Thắng ở xóm 26/3, Tổng đội thanh niên xung phong 2, xã Thanh Đức, Thanh Chương. Ảnh: Huy Thư

Đến vườn cam nhà anh Thắng giữa mùa thu hoạch, mọi người không khỏi ngạc nhiên khi thấy những hàng cam trên đồi được phủ màn trắng, bao trùm từ ngọn đến gốc. Mỗi chiếc màn có chiều dài hàng chục mét, được may ghép từ nhiều mảng màn với nhau, phủ kín gần cả hàng cam.

Theo anh Thắng, màn này được phủ lên cam cách đây khoảng 3 tháng. Đó là lúc quả cam đã bước vào giai đoạn gần chín, tỏa mùi thơm, nhiều loại côn trùng tụ tập về vườn cam để "châm chích". Việc phủ màn lên cam, lúc đầu đã gây sự chú ý của những người trồng cam trong xã. Ai cũng thấy lạ vì từ xưa tới nay chỉ diệt sâu bọ để bảo vệ cam bằng cách bắt sâu bằng tay, phun thuốc sâu, thắp bóng điện, bọc quả cam bằng túi nilon chứ chưa ai mắc màn cho cam cả.

Nhà anh Thắng có 8 ha vườn đồi, trong đó riêng cam, quýt khoảng 1.000 gốc; hiện giống cam Xã Đoài trồng từ năm 2012 đã cho quả bói...

Ở địa phương, người dân đã dùng nhiều cách để đối phó với nạn sâu bọ phá hoại cam, nhất là loại “bướm ma" mắt đỏ đốt rụng hàng tạ quả. Gia đình anh Thắng cũng như nhiều hộ trồng cam đã triển khai nhiều cách phòng chống nhưng không đem lại hiệu quả. Và "mắc màn" cho cam là giải pháp do gia đình anh Thắng thử nghiệm.

Thu hoạch cam tới đâu thì gỡ màn tới đó. Ảnh: Huy Thư

Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Thắng đã nảy ra ý tưởng sẽ bảo vệ cam bằng một cái lồng. Lúc đầu anh nghĩ sẽ bọc những cây cam bằng lưới thép, nhưng làm lưới chi phí khá cao, lại không bền với mưa nắng, sau anh nghĩ đến việc mua màn về phủ cho cam.

Hai vợ chồng thống nhất, xuống chợ Vinh mua cả cuộn màn, đi ướm từng hàng cam để may. “Người thì đang nằm màn cũ, cây lại được giăng màn mới toanh. Dễ mà bị thiên hạ cười lắm” - anh Thắng nói vui.

Do làm lần đầu nên anh Thắng chỉ làm thí điểm một phần diện tích để theo dõi, so sánh và rút kinh nghiệm. Sau một thời gian ngắn, 100 gốc cam trong vườn nhà anh đã được “mắc màn” bảo vệ.

Cam phủ màn quả vẫn to, đẹp. Số quả khi mắc màn tồn tại cho đến lúc thu hoạch gần 100%. Ảnh: Huy Thư

"Rất mừng là cam vẫn xanh tốt bình thường. Các loại sâu bướm phá hoại thường gặp không thể chui vào trong màn. Sau 3 tháng, lứa cam “đội màn” đầu tiên với mùa quả bói đã cho thu hoạch 1 tấn quả. Chất lượng cam rất tốt, màu quả đẹp, thơm ngon như những cây cam khác...” - anh Thắng chia sẻ.

Sau khi thu hoạch cam, số màn này sẽ được  giặt sạch, phơi khô, mùa cam sau lại đưa ra dùng tiếp. Dự định một lần mua màn sẽ dùng được 3 - 4 năm. Chi phí  ban đầu khoảng 150.000 - 200.000 đồng/cây,  tính ra chi phí mắc màn cho mỗi gốc cam từ 50.000 - 70.000 đồng, có thể đắt hơn các giải pháp khác nhưng bảo vệ hiệu quả và đảm bảo sản phẩm sạch.

Anh Thắng khẳng định: Việc phủ màn cho cam là thành công ngoài mong đợi. Cam được phủ màn tránh bị sâu, bướm chích và còn tránh cho quả không bị cháy sém. Đặc biệt, phương pháp này giúp người trồng không phải  bắt sâu cả đêm, hay mang bình phun thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện cam "mắc màn" của anh Thắng được người tiêu dùng ưa chuộng, người mua đăng ký khá nhiều nhưng không có cam để bán.

"Hiệu quả đã rõ, mùa cam tới tui sẽ "mắc màn" cho toàn bộ số cam trong vườn. Tuy chi phí ban đầu khá cao, nhưng sản phẩm cam sạch, đảm bảo uy tín cho vườn cam của mình" - anh Thắng quả quyết như vậy.


Có thể bạn quan tâm

Giải pháp để ngành điều thoát cảnh 'bắc nước chờ gạo người' Giải pháp để ngành điều thoát cảnh 'bắc nước chờ gạo người'

Gần 3/4 lượng nguyên liệu (trong tổng số 1,5 triệu tấn hạt điều thô phục vụ chế biến) lại đang phụ thuộc vào việc NK từ nước ngoài.

03/11/2017
Bưởi da xanh ruột hồng VietGAP kiếm bộn tiền, lại ít phải lo đầu ra Bưởi da xanh ruột hồng VietGAP kiếm bộn tiền, lại ít phải lo đầu ra

Nhờ kiên trì trồng bưởi theo quy trình VietGAP đảm bảo chất lượng và an toàn, nhiều hộ dân ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã có thu nhập cao, bền vững…

03/11/2017
Nuôi tằm công nghệ mới thu 20 triệu đồng/tháng Nuôi tằm công nghệ mới thu 20 triệu đồng/tháng

Người dân xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng đang chuyển đổi từ nuôi tằm truyền thống (đũi, nong, né bằng tre) sang nuôi trên khay trượt, cho tằm làm tổ

03/11/2017