Trang chủ / Gia súc-Gia cầm / Nuôi chim trĩ

Mở nhạc nuôi chim trĩ sinh sản, thắng lợi bất ngờ

Mở nhạc nuôi chim trĩ sinh sản, thắng lợi bất ngờ
Tác giả: Hồng Bàng
Ngày đăng: 23/02/2018

Nắm bắt được đặc tính của chim trĩ là sợ tiếng ồn, hay hoảng loạn bay nhảy, làm chậm lớn, anh Trần Minh Thiệp ở thôn Cẩm Lãnh, xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) đã nuôi bằng cách cho nghe nhạc, thu lãi được gần 300 triệu đồng/năm.

Trang trại chim trĩ của anh Thiệp

Dẫn chúng tôi đi tham quan “nhà hát lớn” anh dùng để nuôi chim trĩ xanh, đỏ của mình, anh Thiệp cho hay, trang trại có diện tích gần 300m2, được chia thành 3 khu, mỗi khu gần 100m2. Điều đặc biệt là hệ thống âm thanh hoạt động 12 giờ/ngày.

Dưới mái vòm khá cao của trang trại, những chiếc loa thùng cỡ lớn cùng với một bộ dàn âm ly được gắn vào nóc với những bản nhạc giao hưởng bất hủ, đôi khi là những bản nhạc vàng trữ tình mang âm điệu miền Trung vang lên khiến người nghe có cảm giác vô cùng thư thái...

Anh Thiệp tâm sự: “Ý tưởng nuôi chim trĩ bằng cách cho nghe nhạc đến với mình rất tình cờ. Một lần xem trên ti vi thấy người ta mở nhạc nuôi bò, nên mình đã áp dụng để nuôi chim trĩ. Tuy nhiên để áp dụng thành công cách nuôi đặc biệt này thì đó là một quá trình khá dài”.

Năm 2013, anh Thiệp mua về 50 con chim trĩ giống, nhưng chim chậm phát triển, từ khi cho chúng nghe nhạc, một con mái có năng suất đẻ trứng gấp 1,5 lần so với chim trĩ bình thường, chim nhanh lớn và phát triển tốt hơn.

“Việc nghe nhạc giúp chim thư giãn, ít bay nhảy không còn hoảng loạn, bị sốc hay giật mình khi thấy có người lạ, tiếng động lớn. Bên cạnh đó sẽ kích thích được tiêu hóa sinh sản giúp chim đẻ nhiều trứng hơn so với bình thường và phát triển nhanh hơn.

Cũng nhờ phương pháp nuôi đặc biệt này mà mình đã gặt hái được khá nhiều thành công, thu về mỗi năm gần 300 triệu đồng”, anh Thiệp khẳng định.

Với kinh nghiệm gần 5 năm nuôi chim trĩ, anh Thiệp cho biết, so với các loại gia cầm được nuôi phổ biến khác như gà, vịt… chim trĩ dễ nuôi hơn, lại ít tốn công chăm sóc. Đây là loài chim hoang dã có tập tính khác thường, cần phải nắm rõ kỹ thuật nuôi để đạt năng suất cao, ít hao hụt. Chim rất ít khi mắc bệnh, nếu có cũng chủ yếu là bệnh phổi và bệnh Ecoli, dễ điều trị.

Mở nhạc giúp chim trĩ nhanh phát triển hơn

“Chuồng nuôi vào mùa hè phải đảm bảo cao ráo, thoáng mát. Còn mùa đông thì phải được bịt kín, tránh ẩm mốc. Để nuôi thành công, đòi hỏi người nuôi phải có tính kiên trì, nhẫn nại”, anh Thiệp nói thêm.

Nhờ áp dụng phương pháp nuôi chim bằng cách cho nghe nhạc, đến nay trang trại anh Thiệp đã có hơn 300 con. Trong đó có gần 100 con mái trong thời kỳ sinh sản. Chim sinh sản theo mùa, thường mỗi năm hai đợt, đợt đầu từ tháng 3 đến tháng 4, đợt sau từ tháng 9 đến tháng 10. Bình quân mỗi năm 1 con mái có thể đẻ gần 150 trứng, tỷ lệ nở thành công trên 95%. Với giá bán con giống 15.000 đồng/con, thì mỗi năm, 1 con mái sẽ mang về cho anh Thiệp hơn 10 triệu đồng tiền bán con giống.

Ngoài việc bán chim giống, anh Thiệp còn bán chim thương phẩm với giá từ 350 - 400 nghìn đồng/kg sau hơn 4 tháng nuôi với trọng lượng từ 1 - 1,2 kg/con. Chim trĩ là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nên anh nhận được rất nhiều đơn đặt hàng.

Thấy anh Thiệp nuôi chim trĩ thành công, nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đã tìm tới muốn được học hỏi kinh nghiệm. Anh sẵn lòng chia sẻ, tư vấn kỹ thuật, đồng thời còn hỗ trợ về nguồn giống cho thanh niên bằng việc chỉ lấy 70% tiền mua giống, phần còn lại thu sau khi con giống đã phát triển.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim trĩ - Phần 1 Kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim trĩ - Phần 1

GIỚI THIỆU CHIM TRĨ ĐỎ KHOANG CỔ

01/08/2016
Kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim trĩ - Phần 2 Kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim trĩ - Phần 2

Kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim trĩ - Phần 2

01/08/2016
Kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim trĩ - Phần 3 Kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim trĩ - Phần 3

Kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim trĩ - Phần 3

01/08/2016