Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Mô hình xử lý bảo quản và đóng gói hoa lan cắt cành phục vụ xuất khẩu

Mô hình xử lý bảo quản và đóng gói hoa lan cắt cành phục vụ xuất khẩu
Tác giả: Cesti
Ngày đăng: 27/04/2019

Hiện nay tất cả các biện pháp bảo quản hoa lan đều hướng tới mục tiêu đảm bảo và duy trì chất lượng sau thu hoạch bằng cách ngăn cản sự phát triển của vi sinh vật, giảm cường độ hô hấp, hạn chế tổn thương cơ giới và sự bốc hơi nước của hoa. Tuy nhiên, ở mỗi công đoạn bảo quản, hoa đều có khả năng bị tác động cơ giới gây hư hỏng hoặc giảm chất lượng. Vì vậy, mô hình xử lý bảo quản và đóng gói hoa lan cắt cành dưới đây sẽ cung cấp các biện pháp hạn chế tác động đến hoa ở mức thấp nhất, đảm bảo chất lượng hoa khi đến tay người tiêu dùng.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Hoa lan được trồng tại hầu hết tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM (ước tính đạt 300 ha), nhưng tập trung chủ yếu là ở 2 huyện Củ Chi và Bình Chánh với sản lượng hàng năm khoảng 6,7 triệu chậu và 68,9 triệu cành, đạt giá trị khoảng 613,9 tỷ đồng. Chủng loại lan được trồng tại đây khá phong phú với 61 giống, gồm Mokara, Dendrobium, Catlleya, Vanda, Oncidium…, một số giống lan rừng như Ngọc điểm, Hạc đỉnh, Bạch vĩ hồ, Hồng ngọc, Long tu…. Trong đó, hai giống lan được trồng nhiều nhất là Mokara và Dendrobium.

TP.HCM vừa là đầu mối cung cấp hoa kiểng cho xuất khẩu, vừa là thị trường tiêu thụ hoa lớn nhất cả nước với các địa điểm tiêu thụ và cung ứng tập trung như chợ hoa Hồ Thị Kỷ, chợ Bà Chiểu, Đầm Sen,… đồng thời hình thành các khu vực tiêu thụ hoa kiểng địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường tại các quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức, các huyện như Bình Chánh, Củ Chi và hệ thống các cửa hàng kinh doanh hoa ôn đới.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Quy trình công nghệ xử lý, đóng gói và bảo quản hoa lan cắt cành

Thu hoạch:

Thu hoạch lan Mokara có màu sắc tươi, búp hoa phồng to với chiều cao bông thứ 1 từ 4,9cm, bông thứ 2 từ 4,7cm và bông thứ 3 từ 4,6cm, tương ứng với đường kính lần lượt là 7,6cm, 7,5cm và 7cm.

Thu hoạch lan Dendrobium khi chiều cao của bông thứ 1 từ 5,7cm với đường kính 8,3cm; bông thứ 2 từ 5,3 cm với đường kính 6,6cm; bông thứ 3 từ 6,3 với đường kính 6,2cm.

Thu hoạch hoa tốt nhất là vào chiều mát hoặc sáng sớm, khi từ 1/2-2/3 phát hoa/cành đã nở.

Phân loại sơ bộ: Lan Mokara, lan Dendrobium sau khi tập kết về phải loại bỏ những cành hoa bị dập gẫy, dị tật hoặc xác côn trùng bám trên cành, sâu bệnh hoặc có hiện tượng nhiễm bệnh, sau đó phân loại dựa trên đồng đều về kích thước cành (độ dài cành hoa từ 45–60 cm đối với hoa lan Mokara và 30-45 cm đối với lan Dendrobium), số phát hoa đã nở trên cành, màu sắc và số nụ hoa/cành…

Xử lý sau thu hoạch: Lan Mokara và Dendrobium sau khi phân loại xong sẽ được xử lý vi sinh bằng phương pháp ngâm trong nước có nhiệt độ là 380C trong thời gian 40 phút. Sau đó cắm hoa vào tuýp nhựa chứa dung dịch 3% đường saccarose và 4ppm chất kháng ethylen STS trong pH = 3,5 (dung dịch cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho hoa nhằm kéo dài thời gian bảo quản hoa).

Đóng gói lan cắt cành: gói hoa bằng bao PP được đục lỗ với số lỗ là 60 lỗ/m2 và để hở đầu. Khi vận chuyển đi tiêu thụ, hoa sẽ được cho vào trong các thùng carton có kích thước 60×40×50 cm. Nếu đưa hoa đi xuất khẩu thì phải tuân theo quy định về tiêu chuẩn đóng gói của nước xuất sang.

Làm mát sơ bộ: trước khi đưa hoa vào kho lạnh bảo quản thì phải có quá trình hạ nhiệt độ từ từ. Hạ nhiệt độ xuống 200C trong 1 thời gian nhất định, sau đó hạ tiếp xuống 150C (thời gian hạ nhiệt độ ngắn hay dài phụ thuộc vào từng loại hoa). Làm tương tự trước khi đưa hoa từ kho lạnh ra ngoài tiêu thụ bằng cách nâng nhiệt độ dần lên 200C trong 2-3 ngày, sau đó nâng tiếp lên 250C rồi mới đưa ra môi trường.

Bảo quản lan cắt cành: sau khi được làm mát sơ bộ xuống 150C trong khoảng thời gian phù hợp, hoa sẽ được đưa vào kho lạnh bảo quản khoảng 45 ngày ở nhiệt độ 140C, W= 85-90%.

Vận chuyển tiêu thụ: phương tiện vận chuyển hoa chủ yếu là xe (xe máy, xe thồ, xe tải...) hoặc phương tiện được trang bị kho lạnh (tàu biển, máy bay, xe tải lớn). Khi đem hoa đi xuất khẩu ở xa thì phải luôn duy trì được nhiệt độ bảo quản, nếu không hoa sẽ rất nhanh bị hư hỏng. Bên cạnh đó, để hạn chế thấp nhất hao tổn cho hoa, cần lưu ý một số điểm sau:

• Cách thức xếp hàng vận chuyển: nếu dùng sọt tre thì phải đặt các tấm gỗ nằm ngang để ngăn giữa các lớp trong khối hàng, còn với các loại bao bì như thùng gỗ hoặc sọt nhựa thì không cần thiết.

• Giữ chặt và đảm bảo các thùng hàng trong cùng một khối không bị trật ra khỏi khối trong suốt quá trình vận chuyển.

• Sử dụng vải bạt để che phủ tránh để tránh mưa, nắng và gió to ảnh hưởng đến hoa trong quá trình vận chuyển.

• Khi vận chuyển cần che phủ hàng cẩn thận bằng vải bạt và tấm ngăn gió làm bằng Gl phẳng đặt cao hơn cabin.

• Thao tác cẩn thận trong khi xếp hàng vào hoặc lấy hàng ra.

• Thực hiện vận chuyển vào thời điểm mát mẻ trong ngày.

• Tránh những trì hoãn không cần thiết trong suốt quá trình vận chuyển.

Thiết bị sử dụng: cân phân tích độ chính xác 10-4; máy đo pH; máy đo nhiệt độ, độ ẩm tự động; kho lạnh điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm tự động; máy đo độ thấm khí; máy đo cường độ hô hấp; máy đo độ Brix; tủ cấy vi sinh; kính hiển vi.

Ưu điểm công nghệ và hiệu quả kinh tế:

Ưu điểm

• Thời gian bảo quản của hoa tăng lên gấp 3-4 lần so với bảo quản bằng phương pháp thường.

• Tỷ lệ hư hỏng của hoa sau khi bảo quản thấp khoảng 2-3%.

• Hạn chế được sự tổn thất hư hỏng của hoa cắt cành ở tất cả các công đoạn.

• Đảm bảo hoa có chất lượng tốt khi đến tay người tiêu dùng.

Hiệu quả kinh tế

Chi phí để bảo quản 30.000 cành hoa trong 30 ngày là: 36,06 triệu đồng (# 1.020 đồng/cành).

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ:

Vườn lan Tân Xuân, phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TP.HCM.

Phân Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch


Có thể bạn quan tâm

Lần đầu giải mã thành công hệ gene 36 giống lúa Việt Nam Lần đầu giải mã thành công hệ gene 36 giống lúa Việt Nam

Giới khoa học Việt Nam giải mã thành công hệ gene của loài thực vật bậc cao là cây lúa, mở ra hướng khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn gene quý

26/04/2019
Trồng lúa mỳ bằng tia laser Trồng lúa mỳ bằng tia laser

Các nhà nông học đang thử nghiệm kỹ thuật trồng lúa mì bằng tia laser ở miền nam nước Nga.

26/04/2019
Nông dân chế máy phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa, tiết kiệm 30% thuốc Nông dân chế máy phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa, tiết kiệm 30% thuốc

Máy phun thuốc trừ sâu (thuốc bảo vệ thực vật – BVTV) do Anh Trần Quốc Tuấn (An Giang) chế tạo giúp tiết kiệm 30% lượng thuốc, thay thế 6 lao động phun thủ công

27/04/2019