Mô hình trồng nấm cho thu nhập cao
Vượt qua nhiều khó khăn và dám chấp nhận thất bại, chị Trần Thị Hồng Châu, ấp Bình Khương, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm đã gắn bó với nghề trồng nấm bào ngư gần 10 năm nay. Đến nay, mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Chị Trần Thị Hồng Châu thu hoạch nấm.
Thất bại không nản lòng
Chị Châu hiện là giáo viên trường tiểu học tại địa phương. Gia đình chị làm nghề nông. Chị Châu cho biết, vào năm 2009 chị tình cờ xem một phóng sự trên ti vi về nghề trồng nấm ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Chị thấy có sự yêu thích loài nấm và quyết tâm trồng nấm.
Chị tìm đến huyện Gò Công và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang để học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng nấm. Lúc đầu, chị trồng nấm rơm, sau 2 năm thì thất bại do chưa có kinh nghiệm.
Không nản lòng, chị chuyển sang trồng nấm bào ngư và tiếp tục đi tham quan, học hỏi thêm kinh nghiệm các mô hình trồng nấm ở Long An. Thời gian đầu, chị gặp không ít khó khăn do nguồn phôi không đảm bảo chất lượng, phải bỏ đi rất nhiều phôi nấm. Thất thoát không nhỏ, chị vẫn quyết tâm bám trụ tới cùng với nghề trồng nấm. Chị tìm tới các công ty ở Đồng Nai, Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) để tìm nguồn phôi tốt hơn. Hiện tại, chị đang sử dụng phôi nấm lấytừ một công ty uy tín ở Củ Chi.
Đem lại thu nhập ổn định
Sau thời gian dài đúc kết kinh nghiệm, công việc trồng nấm của chị Châu đã đi vào ổn định, với 2 loại nấm là bào ngư xám và bào ngư trắng.
Đến nay, chị đã xây dựng 3 nhà trồng nấm, với tổng diện tích trên 630m2, tổng sức chứa các nhà nuôi nấm khoảng 60.000 phôi nấm. Theo chị Châu, nấm bào ngư không quá khó trồng nhưng lại dễ bị nhiễm bệnh mốc xanh, nấm hồng và bị côn trùng tấn công. Do đó, sau mỗi lần thu hoạch nấm, chị tiến hành rải vôi diệt khuẩn, rửa nền và phơi nền để diệt địa y, rong rêu.
Để tạo môi trường tốt cần cung cấp đủ nước, độ ẩm nhà nấm và cách bảo quản đúng kỹ thuật. Tại mỗi nhà trồng nấm, chị đầu tư hệ thống máy tưới đảm bảo cấp nước liên tục ngay cả khi mất điện. Chị đầu tư hệ thống 10 hồ trữ nước ngọt để sử dụng trong mùa mặn. Bên cạnh đó, chị kết hợp che màn vải để giữ được độ ẩm cần thiết.
Chị Châu cho biết, mỗi phôi sau khi treo 2 tháng thì nấm bắt đầu mọc. Mỗi đợt phôi sử dụng được khoảng 8 tháng. Trung bình mỗi tháng chị thu hoạch 2 lần. Hiện tại, chị đang trồng khoảng 30.000 phôi nấm, có thể cho thu hoạch trên 5,2 tấn nấm. Mỗi tháng trừ đi các chi phí, chị lãi khoảng 10 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Châu Bình Ngô Thị Đà cho biết: “Mô hình làm nấm của hộ chị Nguyễn Thị Hồng Châu - hội viên phụ nữ xã Châu Bình hiện tại đạt hiệu quả kinh tế cao, thu nhập gia đình ổn định. Hướng tới, Hội Phụ nữ xã cố gắng tìm các nguồn vốn hỗ trợ thêm cho gia đình chị để đầu tư phát triển mô hình, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, hội cũng sẽ nhân rộng mô hình này đến các chị em phụ nữ trên địa bàn xã”.
Có thể bạn quan tâm
Ðây là loài sâu hại có khả năng di trú xa, phát tán mạnh, phổ ký chủ rộng, có thể gây hại trên 300 loài thực vật như ngô, bông, đậu tương, lúa, mía, rau…
Gia đình bà Nguyễn Thị Cưng, ngụ ấp Bình Tây, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi thỏ theo hướng khép kín.
Hiện, lúa xuân đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái làm đòng. Tuy nhiên, thời tiết nắng mưa xen kẽ và ấm nóng sẽ là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh