Mô hình sinh lợi mùa lũ: Nuôi cua đồng tại huyện An Phú
Cua đồng hiện nay được xem là thực phẩm ngon, sạch và bổ dưỡng, được nhiều gia đình chọn cho các bữa ăn hằng ngày. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ cua đồng trên thị trường, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh ngày càng lớn, góp phần tạo nguồn thu nhập khá cao cho người nuôi cua đồng ở địa phương.
Phú Hội là xã biên giới thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, diện tích đất ngập lũ hằng năm là 1.498ha. Đây là điều kiện rất thuận lợi để cung cấp cua giống và nguồn thức ăn tự nhiên, góp phần thành công của mô hình nuôi cua hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Tần, sinh năm 1967, ngụ tại ấp Phú Nhơn, người đã có kinh nghiệm vài năm nuôi cua đồng luân canh trên nền đất lúa, diện tích nuôi cua hiện nay 0,3ha, cho biết" "Nuôi cua đồng tương đối đơn giản, dễ áp dụng với điều kiện tự nhiên tại địa phương. Sau khi nước lũ rút, tiến hành bao nilon xung quanh ruộng, sau đó mua cua ngoài tự nhiên thả vào. Trong ruộng thả lục bình, rau muống đồng, bao đất vào để tạo nguồn thức ăn tự nhiên và tạo nơi trú ẩn cho cua khi lột xác.
Cua là loài động vật thủy sinh, thích nghi với lối sống bò sát mặt nước và đào hang để sống hoặc chui rút vào các bụi, rễ gốc cây. Môi trường sống không quá khắc khe, nhiệt độ thích hợp từ 20-29 độ C, pH từ 6,5-8. Cua có thể sống tốt trong điều kiện sông, mương, ruộng đồng. Cua ít bị bệnh. Đây là loài ưa hoạt động về đêm, không thích ánh sáng mạnh nên ban ngày chỉ ở trong hang chỉ khi trời tối chúng mới ra ngoài kiếm ăn.
Sau khi nước lũ rút vào tháng 12 dương lịch, người dân dùng nilon bao xung quanh ruộng nuôi, khổ từ 1-1,2m, chôn sâu xuống 25-30cm để cua hạn chế đào hang đi. Bên trong bố trí thêm bao đất tạo bờ phụ, thả thêm bèo tây, lục bình, rau muống làm chỗ trú ẩn cho cua. Chuẩn bị ruộng xong, mua cua ở ngoài tự nhiên, chủ yếu là từ các hộ đặt lọp về thả vào ruộng, giá giống lúc này khoảng 25.000 đồng/kg. Mật độ thả 3-4 tấn cua giống/công (1.000m2), kích cỡ 40-50 con/kg.
Thức ăn cho cua rất đa dạng dễ kiếm trong tự nhiên hoặc các sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp như bắp lai, xác dừa, khoai lang... Hằng tuần cho cua ăn 2 lần với tổng số lượng 100-140 kg/công. Thỉnh thoảng có thể bổ sung thêm ốc bươu vàng, cá tạp, ....
Thông thường thời gian thu hoạch vào tháng 4 dương lịch, ngoài ra có thể thu hoạch sớm hoặc trể hơn thời gian dự kiến để chọn thời điểm có giá cao để bán. Kích cỡ bán đạt 25-30 con/kg. Sản lượng thu hoạch 1,8-2 tấ/công, hao hụt khoảng 30-40% .Thời điểm này giá cua lên cao 80.000-100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được khoảng 50.000.000 đồng/công.
Chú ý, cua đồng cũng là loại thức ăn của các loại động vật khác trong tự nhiên như rắn, ếch, cá và ngay bản thân cua đồng cũng tự ăn thịt lẫn nhau khi đến thời kỳ lột xác. Đây là nguyên nhân gây tỷ lệ hao hụt cao khi nuôi cua với mật độ lớn mà không đảm bảo điều kiện bảo vệ cua.
Bà Nguyễn Thị Kiều Loan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hữu cho biết: “Những năm gần đây mô hình nuôi cua đồng trên địa bàn khá phát triển, góp phần đa dạng sản phẩm thủy sản và mang lại hiệu quả rất cao cho nông dân trong vùng. Bên cạnh đó, UBND xã đã ra quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 28/2/2019 về việc thành lập Tổ hợp tác nuôi cua với 8 thành viên, diện tích 3,41ha. Tổ hợp tác được thành lập nhằm mục đích tạo điều kiện cho các thành viên trong tổ vay vốn phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho địa phương trong thời gian tới”.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh hai giai đoạn được một số bà con trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên áp dụng cho hiệu quả kinh tế cao.
Các nhà nghiên cứu đã xác định rằng các loại tinh dầu có thể được sử dụng thành công như các loại thuốc gây mê, thuốc chống vi trùng và chất chống oxy hóa
Tận dụng mặt nước trong hồ chứa nước Hội Sơn, thời gian qua, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát (Bình Định) đã khuyến khích người dân đầu tư nuôi cá lồng bè tại hồ chứa