Mô hình PGS ngày càng phát huy hiệu quả
Qua sự hỗ trợ của Chi cục BVTV Hà Nội, các chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm rau an toàn có sự tham gia giám sát của cộng đồng tự quản (PGS) ngày càng cho thấy sự hiệu quả cũng như phù hợp với thực trạng và xu hướng sản xuất trên địa bàn thành phố hiện nay.
Mô hình PGS trên rau an toàn tại Hà Nội hướng đi của nông nghiệp hiện đại
Để kiểm soát chất lượng rau an toàn, giúp truy xuất nguồn gốc, tạo lòng tin cho người tiêu dùng, một trong những giải pháp quan trọng là kiểm soát theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Trên cơ sở thành công của hệ thống đảm bảo cùng tham gia của cộng đồng (PGS) trong việc kiểm soát rau hữu cơ theo nhóm tự quản, Chi cục BVTV Hà Nội tiến tới áp dụng PGS trong sản xuất tiêu thụ rau an toàn, đến nay đạt kết quả rất khả quan.
Theo ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS (Participatory Guarantee system) là hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ. Hệ thống này chứng thực cho người sản xuất dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan gồm: Người tiêu dùng, doanh nghiệp phân phối, cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng quan tâm khác. Quá trình sản xuất và thu hoạch thường xuyên được giám sát, điều tra đảm bảo phát hiện, khắc phục những sai phạm nhỏ và loại bỏ ngay lập tức các nhóm sản xuất, các sản phẩm mắc sai phạm nghiêm trọng.
Năm 2017, thực hiện nhiệm vụ Sở NN-PTNT giao phó, Chi cục BVTV Hà Nội phối hợp xây dựng 20 mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng PGS trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại 20 xã, phường, thị trấn thuộc 14 quận, huyện với tổng diện tích 1.138,7ha.
Để hỗ trợ các mô hình, Chi cục BVTV Hà Nội tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ngay trên đồng ruộng. Qua đó, trang bị các kiến thức, kỹ năng, quy định về an toàn thực phẩm cho người nông dân. Chi cục cũng cử cán bộ hướng dẫn sát sao việc hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký sử dụng thuốc BVTV, nhận diện và loại bỏ các loại thuốc BVTV không hướng dẫn trên rau.
Đặc biệt, mỗi điểm mô hình PGS tiến hành phân các nhóm, tổ sản xuất rau an toàn tự quản. Trung bình 10 - 30 hộ/nhóm, mỗi nhóm bầu ra một nhóm trưởng, từ các nhóm trưởng bầu ra 1 trưởng liên nhóm phụ trách chung. Nhìn chung, các nhóm sản xuất rau an toàn tự quản bước đầu đã phát huy tác dụng trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, hỗ trợ tích cực cho cán bộ kỹ thuật cũng như tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc quản lý, chỉ đạo các hoạt động của mô hình nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm thu hoạch.
Là một trong những nhóm tiên phong triển khai mô hình PGS và ngày một thành công, bà Hoàng Thị Hậu, Trưởng liên nhóm PGS Hữu cơ Thanh Xuân, Sóc Sơn cho biết, số lượng các hộ nông dân xin tham gia Liên nhóm hữu cơ Thanh Xuân ngày một đông hơn, bởi đơn giản khi tham gia mô hình này bà con có thu nhập ngày một tốt hơn, ổn định hơn. Từ gần một năm nay, ngày 10 hàng tháng HTX Thanh Xuân đều tổ chức tổng kết và trả tiền cho các hội viên tham gia nhóm trên cơ sở diện tích tham gia, không khác gì việc bà con được nhận lương.
Kinh nghiệm thành công từ Liên nhóm hữu cơ Thanh Xuân theo chia sẻ của bà Hậu, yếu tố con người trong PGS vô cùng quan trọng. Phải có những người thực sự hiểu và tâm huyết mới gắn kết và duy trì được mô hình. Kinh nghiệm cũng cho thấy nếu các mô hình PGS cứ trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước cũng khó phát triển bền vững mà quan trọng nhất vẫn phải gắn được được người dân để bà con họ thấy có lợi hơn, hiệu quả hơn, tốt hơn họ tự nguyên đi theo mới là giải pháp tối ưu nhất.
Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng nhấn mạnh, trong quá trình hỗ trợ triển khai các mô hình PGS, đơn vị đặc biệt coi trọng và tập huấn nhuần nhuyễn việc ghi chép nhật ký thuốc BVTV. Thất bại của VietGAP cho thấy nông dân hiện chưa tạo được thói quen ghi chép, tuy nhiên nếu không ghi chép sẽ khó khăn trong truy xuất nguồn gốc. Do đó, Chi cục BVTV Hà Nội rút gọn lại việc ghi chép tập trung vào ghi nhật ký sử dụng thuốc BVTV, bởi vấn đề an toàn thực phẩm trên rau an toàn hiện nay chủ yếu tập trung ở tiêu chí này.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi cá lồng, vịt trời của ông Lò Văn Khặn, bản Co Trặm, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) cho thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm
Mới 43 tuổi nhưng nông dân Nhị Văn Xum ở xã Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) đã nổi lên là “đại gia chân đất” với cơ ngơi hàng trăm tỷ đồng
Cá bông lau là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Áp dụng có hiệu quả mô hình nuôi cá bông lau thương phẩm