Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng ở Nam Định
Sau hơn chục năm kiên trì gắn bó với nghề nuôi tôm, anh Nguyễn Văn Cường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã thành công với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng của anh Nguyễn Văn Cường
Trước đây anh Cường làm muối, nghề quanh năm vất vả mà thu nhập thấp. Đầu những năm 2000, anh Cường chuyển đổi đất làm muối kém hiệu quả sang nuôi cua rèm, tôm sú theo phương thức quảng canh, bán thâm canh. Tuy nhiên phương thức nuôi này đầu tư thấp nên thu nhập từ ao, đầm cũng chỉ vừa đủ để trang trải cuộc sống, rủi ro nhiều, nguy cơ trắng tay, nợ nần luôn rình rập.
Năm 2007, anh Cường chuyển sang đối tượng nuôi mới nhiều người nuôi có hiệu quả kinh tế rất cao là tôm thẻ chân trắng trên diện tích 5.000m2. Kết hợp đi tham quan học hỏi ở một số mô hình nuôi tôm hiệu quả, giữa năm 2008, anh thu gọn ao lại còn 1.000m2, đầu tư cải tạo kè bờ đổ bê tông bờ ao gọn gàng kiên cố, dưới đáy lót bạt, đầu tư hệ thống quạt nước tạo ô-xy đảm bảo môi trường sống tốt hơn cho đàn tôm. Nhờ đầu tư bài bản nên ngay ở vụ đó, anh đã thu hoạch và xuất bán 1,2 tấn tôm, lãi 30 triệu đồng sau 75 ngày.
Vụ tiếp theo, anh lãi thêm 50 triệu đồng nữa. Có “đà”, anh Cường đã đầu tư thêm 4 ao nuôi, mở rộng diện tích nuôi lên 5.000m2. Sau 3 năm thành công liên tiếp (2009-2011), từ năm 2012, anh Cường lại gặp khó khăn do tôm bị chết hàng loạt. Theo anh, nguyên nhân do môi trường nước biển ô nhiễm khiến tôm bị dịch bệnh.
Trước khó khăn này anh đã nảy ra sáng kiến nuôi tôm trong bể xi măng và đem lại thành công không ngờ. Năm 2013, anh Cường xây 6 bể xi măng, diện tích mỗi bể là 25m2 để nuôi ương giống, khi tôm đạt kích cỡ lớn anh mới chuyển xuống ao nuôi để tôm tăng trưởng nhanh. Không ngờ, mặc dù nuôi trên bể tôm sinh trưởng rất tốt nhưng khi thả xuống ao thì tôm vẫn mắc bệnh và chết.Anh suy đoán hiện tượng này là do môi trường nước ở ao nuôi dễ làm tôm nhiễm bệnh nên tìm cách khắc phục.
Anh nuôi thử nghiệm ở 6 bể nhỏ với mật độ 100 con/m2 và thả một ít xuống ao để làm đối chứng. So sánh giữa 2 phương thức anh nhận thấy mặc dù nuôi ở bể tôm chậm lớn hơn ở dưới ao nhưng độ an toàn cao hơn, không hao hụt nên tổng kết chung vẫn cho thu nhập tốt hơn. Vì vậy anh quyết định chọn phương thức nuôi trên bể, đầu tư san lấp ao và xây thêm bể xi măng.
Chia sẻ về mô hình nuôi tôm trong bể xi măng, anh Cường cho biết, mỗi bể nuôi tôm được thiết kế 25m2, chiều cao hơn 1m. Trên các bể nuôi, anh còn đầu tư khung thép hình chóp lắp đặt dàn mái che để đảm bảo sự ổn định nhiệt độ môi trường nuôi và chủ động về thời vụ như: mùa đông phủ nilon giữ ấm, mùa hè thay mái che bằng lưới tạo độ thoáng và che mát cho tôm.
Nuôi trong bể, anh Cường thả tôm với mật độ khá dày, khoảng 400 con/m2 (gấp 5-6 lần so với mật độ ở ao nuôi). Sau 40-60 ngày khi tôm có kích cỡ lớn hơn, anh san tỉa giảm mật độ chỉ để 200 con/m2 để tôm có môi trường rộng tăng kích cỡ nhanh. Khi thu hoạch, anh Cường áp dụng cách “thu tỉa” bắt tôm làm 2 lần vừa đảm bảo kích cỡ năng suất tôm, vừa không bị áp lực tiêu thụ số lượng lớn.
Áp dụng cách nuôi này, mỗi bể sau 3 tháng nuôi có thể đạt sản lượng 80-120kg tôm. Với phương thức nuôi gối lứa, doanh thu trang trại mỗi năm đạt 1,8 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm đều đặn anh Cường có thu nhập thực tế 900 triệu đồng. Anh Cường lưu ý, mô hình nuôi siêu thâm canh mật độ dày nên mỗi bể đều phải được lắp đặt hệ thống sủi ô-xy và chạy liên tục. Ngoài ra, các bể đều có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt, sử dụng xi phông đáy để làm vệ sinh bể: hút chất thải, xác tôm nổi, thức ăn dư thừa ra mỗi khi thay nước giúp môi trường ao nuôi sạch hơn, đảm bảo an toàn cho tôm sinh trưởng, phát triển tốt.
Nói về ưu điểm của mô hình nuôi tôm trong bể xi măng, anh Cường cho biết: nuôi theo phương thức này giúp người nuôi dễ dàng kiểm soát và xử lý dịch bệnh tôm. Khi thấy tôm bị bệnh, với diện tích mỗi bể chỉ vỏn vẹn 25m2 người nuôi có thể cách ly và tiêu hủy tôm bệnh nhanh chóng, không để lây lan ra diện rộng như nuôi thả ngoài ao. Ưu điểm nữa khi áp dụng phương thức này là khi thu hoạch chỉ cần mở van để tháo cạn nước rồi đặt túi lưới thu tôm nên tiết kiệm được nhiều công lao động. Đặc biệt, không cần phải có diện tích lớn, hộ gia đình cũng có thể nuôi tôm siêu thâm canh tăng thu nhập. Đến nay, trang trại của anh Cường có 80 bể xi măng nuôi tôm siêu thâm canh trải qua hơn chục vụ nuôi, không còn vụ nào còn gặp rủi ro. Không những đầu tư, mở rộng quy mô trang trại, anh còn trả hết nợ và sắm cả ô tô từ tiền nuôi tôm.
Anh Cường là một trong những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế hộ, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ một số hộ nuôi gặp khó khăn về vốn qua việc bán con giống, thức ăn, thuốc trị bệnh cho tôm trả chậm không tính lãi. Anh cũng tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình nuôi tôm trong bể; đã có 7 hộ trong xã học theo anh Cường và cũng thành công từ mô hình nuôi tôm trong bể xi măng. Ngoài ra, mô hình của anh Cường hiện đang là điểm được nhiều đoàn của các tỉnh, thành phố khác như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa… tổ chức cho nông dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Có thể bạn quan tâm
Với nhiều lợi ích như giảm FCR, tôm đều cỡ, giảm công lao động, hạn chế ô nhiễm môi trường… máy cho ăn tự động đang ngày càng được sử dụng phổ biến
Với nhiều lợi ích như kéo dài thời gian ương, sinh khối tôm giống cao, tránh được các tác nhân có hại từ môi trường, từ đó giảm rủi ro lây nhiễm bệnh… bể ương
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà mô hình nuôi ốc hương kết hợp với hải sâm còn là giải pháp hiệu quả giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển