Mô hình nuôi tôm hùm trong bể thành công đầu tiên tại Việt Nam
Nuôi tôm hùm trong bể trên bờ giảm được áp lực ô nhiễm môi trường nước, giảm dịch bệnh, không lo trước biến động thị trường, né được nhiều rủi ro, cho hiệu quả cao.
Mô hình đầu tiên cả nước
Giữa năm 2018, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (TP Tuy Hòa, Phú Yên) triển khai dự án nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa, đây là lần đầu tiên mô hình này được đưa vào triển khai trong cả nước. Dự án này là đề tài khoa học công nghệ quy mô cấp nhà nước thuộc chương trình đổi mới công nghệ quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ quản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III là đơn vị chuyển giao công nghệ.
Theo ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, thực hiện thành công dự án kể trên, Công ty đã có bước tiến mới về khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nuôi biển.
Theo phân tích của ông Tình, nuôi tôm hùm theo kiểu truyền thống bằng lồng bè trong vịnh phải chịu cảnh chen chúc vì lồng nuôi dày đặc, lại chịu nhiều rủi ro do nguồn nước nuôi bị ô nhiễm bởi mật độ nuôi quá dày, thức ăn thừa tích lũy khiến nguồn nước ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh gây hại. Nuôi tôm hùm trong bờ ngoài né được những bất lợi nói trên, còn tránh được bão gió, thiên tai, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động trực tiếp đến khu vực Duyên hải Nam Trung bộ.
“Ngoài trời dù có mưa bão tứ bề người nuôi tôm hùm trong bể cũng không lo vì tôm nuôi trong nhà nên không bị thiên tai uy hiếp. Với hệ thống bể và quy trình nuôi bài bản, sức khỏe của tôm hùm được bảo vệ tốt nhất”, ông Tình khẳng định.
Theo ông Tình, tôm hùm nuôi trong bể được hưởng thụ điều kiện sống tốt nhất với hệ thống gồm bể nuôi, bể lắng chất thải, bể lọc sinh học, bể chuẩn hóa chất lượng nước. Nước đi qua hệ thống lọc để tách chất bẩn, chuyển sang bể lọc sinh học. Bể có các vật liệu lọc làm giá thể cho vi sinh. Các vi sinh có tác dụng chuyển hóa chất độc hại gây bệnh cho tôm thành chất an toàn nhờ thiết bị loại bỏ các hợp chất hữu cơ bị phân giải và tách các protein lơ lửng (skimmer). Sau cùng, nước sạch được đưa sang bể chuẩn hóa chất lượng nước, gồm hệ thống làm mát và tia UV để diệt khuẩn, đảm bảo yếu tố về nhiệt độ, lý hóa trước khi quay lại bể nuôi.
“Nhờ sức khỏe tôm tốt nên tỷ lệ hao hụt rất thấp. Chỉ sau thời gian nuôi 12 tháng, tôm hùm xanh đạt trên 380g/con, tỉ lệ sống trên 75%. Sau 14 tháng nuôi, tôm hùm bông đạt từ 600 – 700g/con, tỉ lệ sống trên 73%”, ông Lê Hữu Tình cho hay.
Không lệ thuộc thị trường
Cũng theo ông Tình, nuôi tôm hùm trong bể còn tránh được nạn ép giá của thương lái mỗi khi đầu ra bị tắc do thị trường Trung Quốc dừng thu mua. Bởi, tôm hùm nuôi trong bể không bị mưa bão và nạn ô nhiễm môi trường nước tác động nên khi đến thời điểm thu hoạch, nếu thị trường hanh thông mới xuất bán, nếu tôm rẻ quá thì giữ lại nuôi tiếp mà không lo tôm thất thoát như tôm hùm nuôi bằng lồng bè trên biển.
Nuôi tôm hùm trên bờ còn góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Bởi nuôi tôm hùm bằng lồng bè trên vịnh hầu hết đều sử dụng thức ăn tươi sống là cá tạp. Muốn có lượng cá tạp cung cấp mỗi ngày cho 112.000 lồng bè nuôi tôm hùm ở Phú Yên thì ngư dân phải tăng cường đánh bắt thủy sản ven bờ. Do đó, chính hoạt động nuôi tôm hùm ngoài tự nhiên đã góp phần làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Mô hình nuôi tôm hùm trong bể của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc từng bước được nhân rộng tại nhiều địa phương trong cả nước. Ảnh: Kim Sơ.
Trong khi nuôi tôm hùm trong bờ, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc cho tôm hùm ăn thức ăn tổng hợp, cả tôm hùm bông cũng như tôm hùm xanh đều không ăn thức ăn tươi, mà chỉ ăn thức ăn công nghiệp.
“Để chuyển đổi từ nuôi biển truyền thống sang nuôi biển công nghiệp, trước tiên, người nuôi phải ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình nuôi, tiếp cận các mô hình mới để học tập kinh nghiệm, tìm ra giải pháp chống chọi với thiên tai, dịch bệnh”, ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc chia sẻ.
- Oxy hoà tan cao
- Tạo dòng mạnh, xi phong tốt
- Ưu điểm:
+ Tiêu thụ điện năng thấp
+ Tiêu chuẩn ISO-9001
+ Chất lượng vượt trội
- Ứng dụng:
+ Nuôi tôm thâm canh
+ Nuôi tôm trong nhà
+ Hệ thống ương nuôi tôm
Có thể bạn quan tâm
Thời tiết tiết ngày càng phức tạp, lúc mưa lúc nắng, nhiệt độ môi trường thay đổi là yếu tố gây ra sự suy giảm nghiêm trọng sức đề kháng.
Việc thay đổi thời tiết tạo sự thuận lợi cho mầm bệnh trên cá phát triển rất nhanh, chủ yếu là các bệnh về ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn, vi rút...
Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Để phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng đảm bảo an toàn thực phẩm.