Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Mô hình nuôi cá sông trong ao đem lại hiệu quả cao ở Hưng Yên

Mô hình nuôi cá sông trong ao đem lại hiệu quả cao ở Hưng Yên
Tác giả: Hương Giang
Ngày đăng: 04/10/2018

“Sông trong ao” - cách sử dụng ao nuôi cá hiệu quả đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng và phổ biến như Mỹ, Israel. Tại Hưng Yên, mô hình này đã được thử nghiệm và nhân rộng, mang lại những lợi ích vượt trội so với cách nuôi truyền thống.

HTX Thủy sản Hòa Phong nuôi cá diêu hồng theo công nghệ “sông trong ao”

Bà Vũ Thị Thắm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Hòa Phong (Mỹ Hào) được biết đến là người đầu tiên đưa công nghệ tạo “sông trong ao” nuôi cá về ứng dụng ở Hưng Yên. Sau 2 năm xây dựng mô hình, HTX có thu nhập ước lên tới hàng tỷ đồng.

HTX có diện tích 11ha, trong đó có 15 ao nuôi cá với diện tích từ 1 - 5 mẫu/ao chuyên nuôi các loại cá giống, cá thịt như: trắm, diêu hồng, chép… Mỗi năm, HTX thả hàng triệu con giống các loại. Tuy nhiên, tỷ lệ cá chết khoảng 20% do nguồn nước trong ao quá nóng vào mùa hè, cá bị ngạt hơi do nước tù thiếu khí ô-xy, hoặc do nồng độ khí mê-tan được tạo ra từ phân thải của cá quá cao.

Từ thực tế đó, qua các lần thăm quan học hỏi đưa công nghệ mới vào chăn nuôi, năm 2016, HTX đã mạnh dạn đầu tư gần 400 triệu đồng xây dựng 3 bể theo mô hình tạo “sông trong ao” để nuôi cá.

Theo anh Vũ Duy Hào, xã viên phụ trách kỹ thuật của HTX cho biết để thiết kế được “sông trong ao” thì đòi hỏi người nuôi phải bảo đảm diện tích ao tối thiểu trên 3.600m2 tương ứng khoảng 7.000m3. Mỗi bể có thể tích nuôi 250m3 nước tương ứng với kích thước chiều dài, chiều rộng, chiều sâu là 25 x 5 x 2m. Mật độ cá thả nuôi khoảng 150 con/m2 (mật độ cá nuôi trong ao thông thường chỉ từ 1 - 2 con/m2). Khi xây dựng, lưu ý hướng cho cá ăn nên để theo hướng của dòng chảy, mỗi bể chỉ nuôi 1 loại cá.

Điểm đặc biệt trong nuôi cá theo công nghệ này là người nuôi phải tạo “sông trong ao”. Theo đó, mỗi bể nuôi cá có đáy thảm bê tông cứng, máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy... Các máy này liên tục hoạt động 24/24 giờ tạo thành trục sông có tường bê tông ngăn nước. Trong sông có sóng và dòng chảy tuần hoàn, nước luôn lưu chuyển khắp ao bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá. Những chiếc máy bơm tạo dòng chảy tuần hoàn giúp cá trong bể hình thành thói quen vận động và bơi ngược dòng liên tục.

Ở mỗi bể nuôi, HTX còn thiết kế một hệ thống cho ăn cá tự động, chỉ cần một thao tác là bật công tắc điện là đã hoàn tất công việc cho cá ăn. Sau khi cho cá ăn, toàn bộ chất thải của cá sẽ theo dòng nước chảy trong bể và đọng lại ở bể tĩnh phía sau. Tại đây, một hệ thống hút thải cơ học sẽ thu gom và loại thải những chất thải sang một bể chứa. Như vậy môi trường nước ao nuôi luôn giữ được trong, sạch, cá sinh trưởng nhanh và ổn định.

Cá nuôi trong ao nước tĩnh mỗi ngày cho ăn 2 lần cũng thấy thừa thãi, nhưng cá nuôi trong bể “sông trong ao” vận động liên tục nên phải cho ăn 3 lần/ngày vào các buổi sáng, trưa, chiều và không tận dụng thức ăn thừa. 

Đến nay, HTX đã đầu tư xây dựng 15 bể như vậy. Anh Hào cho biết thêm: “Nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” cho hiệu quả rất cao như: nuôi cá với mật độ cao, tỷ lệ dịch bệnh thấp, cá tăng trọng nhanh, chu kỳ chăn nuôi ngắn, sản phẩm luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, năng suất cao hơn nhiều so với cách nuôi cá truyền thống, sau thu hoạch cá cho phép thả con giống mới ngay mà không cần phải xử lý đáy ao... Bên cạnh đó, nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”, nước bể nuôi luôn sạch, cá nuôi không tiếp xúc với bùn, nên bụng cá không có màng đen gây mùi hôi tanh như cá nuôi truyền thống, thịt thơm ngon, săn chắc, được nhiều bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp tin tưởng đặt hàng mua trước. Chất thải của cá hút từ bể lắng đáy bể nuôi hàng ngày, sau khi se khô được dùng bón cho cây trồng rất tốt... Hiện nay, mỗi năm HTX thu trên 300 tấn cá xuất bán chủ yếu vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn tập thể của các công ty... mang lại doanh thu hàng tỷ đồng”.

Đến thăm mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” của Công ty cổ phần Thủy sản Hưng Yên ở thôn Bình Trì, thị trấn Ân Thi (Ân Thi), ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là một không gian mênh mông của mặt nước, những xã viên đang hối hả với công việc: người vận hành các loại máy móc, người cho cá ăn… Dưới bể nuôi, tiếng cá ăn tăm tắp, tiếng quẫy đuôi rộn ràng hòa cùng với tiếng máy móc, động cơ chạy rì rì, từng đàn cá dày đặc đớp mồi quanh chiếc máy cho ăn tự động khiến chúng tôi ngắm nhìn không muốn rời mắt.

Công ty cổ phần Thủy sản Hưng Yên có 40 ha đất canh tác, trong đó diện tích mặt nước nuôi thả cá chiếm khoảng 70%. Đầu năm nay, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, công ty đã đầu tư khoảng 1,6 tỷ đồng xây dựng 5 bể nuôi theo công nghệ “sông trong ao”, trong đó có 3 bể nuôi cá thịt và 2 bể nuôi cá giống (cá trắm, chép).

Ông Nguyễn Đình Quân, Phó Giám đốc công ty cho biết: “Theo tính toán, để xây một bể nuôi trong ao sẽ cần đầu tư khoảng 200 - 300 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với ao nuôi truyền thống. Tuy nhiên, thời gian sử dụng bể nuôi này có thể lên tới trên 20 năm, đặc biệt sẽ nuôi cá được mật độ cao hơn, nuôi được nhiều lứa trong năm nên sản lượng cũng tăng lên gấp nhiều lần...”.

Theo Chi cục Thủy sản Hưng Yên, nuôi cá theo công nghệ sông trong ao áp dụng phù hợp với điều kiện của tỉnh Hưng Yên. Hiện nay, toàn tỉnh có nhiều hộ đã áp dụng thành công mô hình này vào sản xuất. Trong đó, thực hiện Dự án phát triển công nghệ “Nuôi cá sông trong ao nước tĩnh”, tỉnh Hưng Yên đã hỗ trợ cho các hộ dân xây dựng 10 bể với kinh phí không quá 65 triệu đồng/bể.

Nuôi cá theo mô hình "sông trong ao" giúp giải quyết được khó khăn của người dân là cá chết do ô nhiễm nguồn nước, nâng cao chất lượng thịt, cá được nuôi thả liên tục, thường xuyên; đồng thời giúp xóa bỏ tập quán làm ăn nhỏ lẻ, hướng tới nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Vì vậy trong thời gian tới, ngành thủy sản tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục kết nối, hỗ trợ cho các hộ nuôi thủy sản về kinh phí cũng như kỹ thuật để tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cá “sông trong ao”.


Có thể bạn quan tâm

Trang trại tận thu chất thải của tôm để nuôi cá kèo Trang trại tận thu chất thải của tôm để nuôi cá kèo

Anh Long Văn Nghĩa (thành phố Bạc Liêu) hiện ứng dụng nuôi tôm biofloc trong bể tròn vách đứng để tận thu chất thải làm thức ăn nuôi cá kèo.

02/10/2018
'Vua tôm' Sáu Ngoãn chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm bền vững 'Vua tôm' Sáu Ngoãn chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm bền vững

Lão nông khuyên người dân nên nuôi mật độ thưa để lấy chất lượng, giá bán cao và bền vững với môi trường.

02/10/2018
Nuôi tôm trên đất liền bằng công nghệ cao Nuôi tôm trên đất liền bằng công nghệ cao

Các công ty đến từ lĩnh vực phi ngư nghiệp ở Nhật Bản đang bắt đầu tham gia hoạt động kinh doanh nuôi tôm trên đất liền bằng công nghệ cao với hy vọng sản xuất

03/10/2018