Mô Hình Nuôi Cá Nước Ngọt Thoát Nghèo Ở Xã Khánh Trung, Huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa)
Những năm gần đây, nhiều nông dân của huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá nước ngọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ đó, nhiều bà con đã tự vươn lên thoát nghèo từ chính công sức của mình mà không phải trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương. Trong đó, mô hình nuôi cá nước ngọt của anh Lương Văn Hợp ở xã Khánh Trung là một điển hình.
Trước đây, gia đình anh Lương Văn Hợp ở xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh không có đất sản xuất. Sống chủ yếu bằng nghề làm thuê nên cuộc sống gia đình anh gặp không ít khó khăn. Với bản tính cần cù, chịu khó học tập kinh nghiệm qua sách báo, tham quan các mô hình làm ăn đạt hiệu quả, anh Hợp nhận thấy mô hình nuôi cá thích hợp với điều kiện kinh tế gia đình mình như diện tích nuôi nhỏ, ít vốn, dễ chăm sóc.
Sau nhiều năm thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt, gia đình anh đã chính thức thoát nghèo vào năm 2012. Hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình anh thu được 40 đến 50 triệu đồng từ nuôi cá. Bước vào vụ nuôi năm nay, gia đình anh đã được phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Khánh Vĩnh hỗ trợ 15kg cá trê lai giống để gia đình tự phát triển, nâng cao thu nhập. Hiện số cá này đang phát triển tốt, dự báo sẽ cho năng suất cao trong những tháng tới, có khả năng thu lời trên 30 triệu đồng.
Anh Lương Văn Hợp chia sẻ: “Mấy năm trước đi tập huấn nuôi cá rô phi, cá mè... nói chung nhờ nuôi cá thu nhập cũng được, tương đối cao đó. Ở huyện, bên cấp xã cũng quan tâm, lấy mô hình làm điểm ở thôn Suối Cá. Phòng Nông nghiệp cấp cho một số giống cá, hiện tại vụ này tôi nuôi cá trê lai, mới nuôi nhưng cá tương đối đạt”.
Nhờ nghề nuôi cá trê lai mà gia đình anh Lương Văn Hợp đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Là người có lòng say mê với mô hình nuôi cá, cộng với tinh thần ham học hỏi, anh cũng thường xuyên tự tìm tòi, nghiên cứu để học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm cho mình. Theo anh Hợp, để nuôi cá đạt năng suất, sản lượng, cần chú ý chọn con giống khỏe, mật độ nuôi thoáng, khẩu phần ăn thích hợp cho từng giai đoạn. Trong quá trình nuôi phải chú ý phân loại cỡ cá, hạn chế sự cạnh tranh thức ăn và hao hụt, không để thức ăn dư thừa, gây ô nhiễm nguồn nước.
Với những gì đã làm được trong thời gian qua, mô hình nuôi cá của gia đình anh đã được chính quyền địa phương đánh giá cao và nhiệt tình ủng hộ. Ông Nguyễn Được – Cán bộ khuyến nông xã Khánh Trung – huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Riêng mô hình này của tỉnh để phòng Nông nghiệp giám sát, cả xã giám sát xem thử hộ chăn nuôi có đạt không. Vừa rồi thấy hộ chăn nuôi này nuôi rất đạt, có hiệu quả. Thực tế ở đây nuôi cá là để cải thiện chi tiêu trong gia đình, một hai hộ họ có chăn nuôi quy mô”.
Theo đánh giá, mô hình nuôi cá của gia đình anh Hợp là điển hình của phong trào nông dân tự vươn lên thoát nghèo ở Khánh Vĩnh hiện nay. Và với những người làm công tác giảm nghèo ở Khánh Vĩnh thì đây thực sự là điều đáng mừng. Bởi lẽ người dân giờ đây đã biết tự tìm tòi làm kinh tế, không trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước, từng bước vươn lên khỏi cái nghèo, ổn định cuộc sống gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Sáng ngày 18/6/2015, Hiệp hội Thủy sản An Giang phối hợp với Trung tâm giống thủy sản An Giang khai giảng lớp kỹ thật ương và nuôi tôm càng xanh tại xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn. Tham dự có ông Lê Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, ông Tăng Hoàng Vinh – Phó giám đốc Trung tâm giống thủy sản An Giang, bà Trần Thị Lệ Thanh – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Thuận và 25 học viên trong xã.
Hiện nay, một số diện tích ao nuôi tôm càng xanh nghịch vụ ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã bắt đầu vào mùa thu hoạch. Mặc dù giá tôm cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng do ảnh hưởng từ thời tiết nên năng suất giảm từ 20 – 30%, gây thua lỗ cho nhiều người nuôi tôm.
Trà Cú (Trà Vinh) là huyện có diện tích đất đồng láng tương đối nhiều, trên 1.200ha nằm trên địa bàn các xã Đôn Châu, Đôn Xuân và một phần của xã Đại An…. Do đặc điểm của vùng đồng láng là điều kiện giao thông khó khăn và cơ sở hạ tầng phục vụ cho thủy sản chưa được đầu tư nhiều, nên việc phát triển nuôi tôm (sú và thẻ) theo hình thức công nghiệp (thâm canh và bán thâm canh) còn rất ít, chủ yếu là nuôi quảng canh (thả lan) chiếm trên 90% diện tích.
Cá lăng chấm được xem là loài cá có giá trị kinh tế cao và là đặc sản nước ngọt hàng đầu ở miền Bắc. Loài cá quý hiếm hoang dã này vốn chỉ sống ở hệ thống sông Hồng nay đã được nuôi thử nghiệm thành công ở Quảng Ninh.
Huyện Đông Hải (Bạc Liêu) triển khai xây dựng thành công mô hình cánh đồng tôm nguyên liệu mẫu lớn tại ấp Thạnh I, xã Long Điền với tổng diện tích 37ha.