Mô Hình Nuôi Cá Chình Ao Đất
Từ ba, bốn năm nay, nghề nuôi cá chình phát triển rất mạnh ở các tỉnh ĐBSCL như: Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp… Một trong những lý do thúc đẩy nhiều người nuôi cá chình là vì cá này được xếp vào loại quý hiếm, giá trị kinh tế cao và đầu ra dễ dàng…
- Lâu nay, cá chình được nuôi phổ biến trong ao đất và trong các lồng bè. Loại cá này có khả năng thích ứng với nước mặn, nước lợ và cả nước ngọt. Trong thiên nhiên, đến mùa sinh sản cá mẹ di chuyển từ nơi sinh sống đến những nơi có môi trường sinh thái thích hợp để đẻ trứng. Chính vì đặc điểm này mà cho tới nay vẫn chưa có nước nào nghiên cứu thành công về sinh sản nhân tạo đối với con cá chình. Tất cả con giống đều dựa vào việc đánh bắt tự nhiên nên không tránh khỏi nguồn giống trôi nổi...
- Anh Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Phú Hữu và cũng là người trực tiếp sản xuất cá giống tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: Trứng cá chình ngoài thiên nhiên, sau khi nở sẽ trôi dạt vào bờ biển, sông suối vùng nước ngọt để tự kiếm mồi. Khi trưởng thành, chúng lại di cư đến nhiều nơi để sinh trưởng.Nguồn cá giống hiện nay nhiều nhất là ở miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Định. Lúc mới bắt tay vào việc nuôi cá giống, anh Lâm phải ra tận miền Trung để tìm hiểu, sau đó mới tìm mối, đặt hàng và quan hệ mua bán. Nhờ có một thời gian dài kinh doanh cá giống và cá thịt nên anh đã hiểu rõ về tập tính ăn và sinh trưởng của cá, về kỹ thuật xử lý ao mương và quá trình chăm sóc cá con từ lúc mới nở đến cá ương, đặc biệt là ao ương, nhiệt độ nước ao, mật độ nuôi và cách cho ăn. Khâu nào anh cũng quan tâm, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, đồng thời tham dự nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nên năng suất và chất lượng không ngừng nâng cao.
- Theo anh Lâm, cá chình là loại cá ăn tạp. Lúc còn nhỏ, thức ăn chính của chúng là động vật phù du và trùng chỉ, trùng quế. Nếu nuôi đúng kỹ thuật, sau 5 tháng có thể bán giống, loại 100 con/kg. Cá chình tuy dễ nuôi, tỷ lệ hao hụt ít nhưng người nuôi phải nắm vững tập tính sinh trưởng của chúng là thích bóng tối, sợ ánh sáng nên ban ngày thường chui rúc trong hang, tối bò ra kiếm mồi. Do đó, trong hồ nuôi hoặc dưới đáy ao cần phải đặt nhiều ống sành hoặc ống nhựa cho cá trú ẩn. Mực nước trong ao ương cũng phải thay đổi tùy theo lứa tuổi của cá để giúp cho cá phát triển nhanh, đồng thời phải thường xuyên hút bớt phân rác ở đáy ao và bổ sung nước mới. Bình quân sau 25 - 30 ngày nên phân loại cá nuôi một lần theo kích cỡ lớn, bé để giúp cho cá phát triển đều và lớn nhanh.
- Trước khi sản xuất con giống, anh Lâm là một trong những người nuôi cá thịt thành công ở Châu Đốc. Sau khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về kỹ thuật và ao hồ, anh mới bắt đầu triển khai nuôi cá giống tại ấp 2, xã Thới Hưng. Hiện tổng số mặt ao lên tới 10 ha, trong đó phần lớn dành cho con giống. Tính ra, mỗi năm anh xuất ao trên 1 tấn cá giống với giá 1 triệu đồng/kg, gồm nhiều loại: loại 100 con/kg và 50 con/kg.
- Từ mô hình làm ăn có hiệu quả trên, anh đã đứng ra thành lập công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Phú Hữu kể từ tháng 6 năm 2009 với vốn đầu tư 2 tỉ đồng. Anh Lâm cho biết, nếu thả 1.000 con chình bông (loại 20.000 đồng/con) sau khi trừ hết các chi phí, sau hơn một năm chăm sóc sẽ lời được 120 – 170 triệu đồng.
- Theo tính toán của anh, bình quân 1 tấn cá thịt phải cần đến 6 tấn thức ăn, tốn mất 40 triệu đồng và các chi phí khác khoảng 50 triệu đồng. Nếu như muốn giảm chi phí, người nuôi có thể tự kiếm cá tép hoặc ốc bươu vàng bằm nhuyễn cho cá ăn. Điều quan trọng là thức ăn phải tươi sống, tuyệt đối không được hôi thúi, kết hợp với vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá. Hướng tới anh sẽ phát triển thêm ao nuôi cá thịt để xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện giá thương phẩm bán cho các cơ sở thu mua ở TP Hồ Chí Minh từ 280.000 - 300.000 đồng/kg. Cá càng lớn chất lượng thịt càng ngon và giá cũng cao hơn.
Có thể bạn quan tâm
Thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh (Lộc Bình - Lạng Sơn) có 76 hộ đồng bào dân tộc Tày. Đời sống bà con chủ yếu dựa vào nương rẫy, canh tác trên đất dốc, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp. Do đó, những năm gần đây, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển hướng sang thực hiện chăn nuôi trâu, bò vỗ béo đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) có đến 40ha ruộng đất bị bỏ hoang 5 năm nay và đáng chú ý là có thôn tới hơn 50% số hộ dân bỏ ruộng không cấy với diện tích hơn 89.000m2.
Mặc dù cao su vẫn là chủ lực của kinh tế xã Long Tân, nhưng thời gian gần đây, địa phương này đang rộ lên phong trào chăn nuôi. Cũng từ đây, nhiều hộ nông dân đã khá lên nhờ những vật nuôi mà họ vẫn nghĩ không mang lại lợi nhuận cao.
Tại văn bản mới đây về việc “Tăng cường quản lý sản xuất, tiêu thụ rau đảm bảo an toàn thực phẩm, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Sở NN-PTNT “Chỉ đạo các địa phương tập trung đầu tư sản xuất rau an toàn tại các vùng sản xuất rau an toàn đã được quy hoạch… Chỉ đạo Thanh tra Sở NN-PTNT, Chi cục BVTV tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhất là thuốc BVTV, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…”.
Vụ nuôi trồng thủy sản năm nay, huyện Quảng Điền đưa vào thả nuôi 634 ha thủy sản nước lợ, 111 ha cá nước ngọt và 912 lồng cá trên phá, ven sông.