Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Mỏ Cày Nam xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ tập trung

Mỏ Cày Nam xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ tập trung
Tác giả: Thạch Thảo
Ngày đăng: 06/06/2022

Đề ra lộ trình

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp (NN) chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, huyện Mỏ Cày Nam đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Trong đó, nhấn mạnh việc ưu tiên các nguồn lực, giải pháp tập trung xây dựng nền NN phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ.

Kết quả thực hiện đến cuối tháng 5-2022, huyện đã xây dựng hoàn thành và triển khai đề án phát triển sản xuất tập trung cho 2 sản phẩm chủ lực của huyện là cây dừa và con heo. Theo đó, huyện đã xây dựng Đề án Quy hoạch vùng trồng dừa hữu cơ, dừa uống nước tập trung giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện. Vùng quy hoạch phân bổ trên 15 xã thuộc địa bàn huyện Mỏ Cày Nam. Tổng diện tích quy hoạch vùng trồng dừa hữu cơ giai đoạn 2020 - 2025 của huyện là 5.421ha (chiếm khoảng 30% diện tích trồng dừa của huyện), quy hoạch giai đoạn 2025 - 2030 là 8.220ha (khoảng 50% diện tích trồng dừa của huyện), dừa uống nước 130ha.

Thông tin từ Phòng NN và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam, trên cơ sở quy hoạch vùng trồng dừa của huyện đã công bố thì từng địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện. Qua đó, từng bước bố trí lại cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện, nhu cầu phát triển và thích ứng biến đổi khí hậu, thực hiện liên kết vùng phù hợp, hiệu quả. 

Dừa là cây trồng chủ lực

Hiện diện tích dừa trên địa bàn huyện 16.865ha, sản lượng 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 88,4 triệu trái. Diện tích vườn dừa hữu cơ trên địa bàn huyện đang tiếp tục phát triển. Đồng thời, chiều hướng liên kết với doanh nghiệp (DN) tiêu thụ theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ được người dân quan tâm hưởng ứng.

Xã Phước Hiệp sau khi xây dựng thành công xã nông thôn mới, giao thông phát triển đã tạo nhiều thuận lợi cho việc mua bán trái dừa nguyên liệu tại địa phương. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) NN Phước Hiệp Nguyễn Văn Triển cho biết: “Thị trường giá dừa hiện đang ở mức thấp, chỉ khoảng 40 - 45 ngàn đồng/chục (12 trái), nhưng những hộ tham gia sản xuất dừa hữu cơ bán dừa với mức giá từ 50 - 52 ngàn đồng/chục. Giá cao hơn là do DN thu mua có hỗ trợ giá cho mỗi chục dừa từ 3 - 5 ngàn đồng để khuyến khích người dân làm cỏ vườn, bồi bùn, mua phân hữu cơ với mục đích chăm sóc vườn dừa tăng năng suất hơn. Nhờ đó, thu nhập của thành viên HTX tăng lên rất nhiều so với trước đây”. HTX NN Phước Hiệp hiện có khoảng 60% thành viên tham gia sản xuất dừa hữu cơ, tương đương 50 hộ dân.

Xã Phước Hiệp quy hoạch vườn dừa hữu cơ rải rác trên 10 ấp. Nghị quyết Đảng ủy xã Phước Hiệp năm 2022 là xây dựng 60ha vườn dừa hữu cơ. Chỉ mới tháng 6-2022, chỉ tiêu này được UBND xã đánh giá là từ đạt đến vượt. Phó chủ tịch UBND xã Phước Hiệp Phạm Văn Ni cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều DN chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm dừa đã đến xã Phước Hiệp khảo sát, đặt vấn đề thu mua dừa hữu cơ làm nguyên liệu. Đầu năm 2022, Phước Hiệp được công nhận xã nông thôn mới. Xe tải 2,5 tấn giờ đây đã có thể lưu thông khắp 10 ấp trong xã, giúp việc thu mua dừa rất thuận lợi”. Khâu vận chuyển trung gian được cắt giảm, giá dừa hữu cơ cao hơn giá thị trường đã đem lại sinh khí buôn bán phấn khởi hơn cho người dân Phước Hiệp.

Theo ước tính, toàn huyện Mỏ Cày Nam hiện có trên 6.045 vườn dừa đang thực hiện quy trình, đạt chứng nhận hữu cơ, với tổng diện tích 5.296,8ha. Trong đó, có 4.760 vườn được chứng nhận đạt hữu cơ, diện tích 4.203ha, đạt 24,92% tổng diện tích vườn dừa của huyện.

Phòng NN và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam đã có đánh giá khả quan về tình hình sản xuất dừa hữu cơ tại huyện trong năm 2022. Cụ thể, một số DN như: Công ty dừa Á Châu, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Betrimex, Dừa Xanh, Hào Quang đã thực hiện việc liên kết với 13 tổ hợp tác, HTX trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam thu mua dừa trái, cơm dừa theo hướng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 5 - 20%. Các DN đã thực hiện thu mua dừa cho người dân theo hợp đồng liên kết tổ hợp tác, HTX với sản lượng thu mua hơn 1,5 triệu trái/tháng.


Có thể bạn quan tâm

Mưa lũ kéo dài ở miền Bắc gây nhiều thiệt hại về người và hoa màu Mưa lũ kéo dài ở miền Bắc gây nhiều thiệt hại về người và hoa màu

Mưa lớn, sạt lở, ngập úng những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho người dân miền Bắc.

26/05/2022
Mất mùa, giá lúa tươi giảm, nông dân Hà Tĩnh kém vui Mất mùa, giá lúa tươi giảm, nông dân Hà Tĩnh kém vui

Vụ xuân năm 2022, năng suất lúa toàn tỉnh Hà Tĩnh đều sụt giảm vì bệnh đạo ôn cổ bông; giá lúa tươi được thu mua ở mức thấp trong khi chi phí đầu vào.

26/05/2022
Sản xuất sản phẩm thảo dược, tiêu thụ nông sản cho nông dân Sản xuất sản phẩm thảo dược, tiêu thụ nông sản cho nông dân

Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Minh Lương- Thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã tiêu thụ lượng lớn nguyên liệu cho nông dân tạo ra các sản phẩm thảo dược an toàn.

31/05/2022