Minh Long Khôi Phục Cây Chè Truyền Thống

Chè xanh Minh Long là cây đặc sản có giá trị về nhiều mặt, nhất là trong phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái. Vì thế, huyện Minh Long đã chú ý đến vấn đề phục hồi và phát triển cây chè truyền thống vốn nổi tiếng ở vùng đất này.
Trong cơn mưa phùn nhỏ hạt, chúng tôi lội suối, rồi men theo triền đồi tìm đến rẫy chè của anh Đinh Văn Châm ở thôn Mai Lãnh Hữu, xã Long Mai, đúng vào lúc hai vợ chồng anh đang trồng chè theo mô hình trồng mới giống chè địa phương do Trung tâm khuyến nông huyện Minh Long thực hiện nhằm khôi phục lại cây chè xanh Minh Long.
Cây chè xanh Minh Long là cây truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê, lâu nay vẫn được coi là cây chè sạch do người sản xuất không dùng phân bón và thuốc trừ sâu nên đã trở thành thương hiệu được thị trường ưa chuộng. Có lúc cây chè xanh Minh Long đã phát triển lên đến 500ha, nhưng do những năm gần đây thị trường nông sản như mì, keo “lên ngôi” nên đồng bào chặt phá chè để trồng cây nguyên liệu. Vì thế mà diện tích chè của Minh Long hiện giờ chỉ còn 90ha. Anh Châm cho biết: Trước đây, cha của anh cũng trồng chè và gắn bó với cây chè nhiều năm. Nhưng khi cây mì, cây keo lên giá, nhiều người (trong đó có cha anh) đã phá chè để trồng keo.
Dù vậy, gần đây, khi thấy chè xanh lên giá tới 5 ngàn đồng/lọn (khoảng nửa ký), anh Châm tin tưởng rằng cây chè Minh Long có giá trị kinh tế cao và bền vững, lâu dài hơn những cây nguyên liệu khác. Đấy chính là cơ sở để anh Châm vẫn cố giữ lấy đất để trồng lại cây chè theo mô hình trồng mới giống chè Minh Long do Trạm Khuyến nông huyện thực hiện bằng nguồn vốn Chương trình 30a của huyện, chứ không bán khu rẫy, dù có nhiều người dưới xuôi hỏi mua với giá hơn nửa tỷ đồng.
Trong mùa mưa này, Trạm Khuyến nông huyện đã hỗ trợ giống chè được ươm hạt tuyển chọn từ cây chè truyền thống và hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng chè, chăm sóc cây chè cho từng hộ dân tham gia dự án. Vợ chồng anh Châm đã “bán non” rẫy mì để lấy đất trồng chè. Hiện anh đã trồng được 6.500 cây theo đúng quy trình kỹ thuật, tỷ lệ sống khá cao. Vợ chồng anh Châm còn dự định trong những năm tới sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích cây chè truyền thống.
Anh Phan Thanh Trí - cán bộ của Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện Minh Long, cho biết thêm: Hiện nay tại xã Long Mai đã có 5 hộ đồng bào dân tộc Hrê trồng chè theo mô hình này với diện tích 1 ha/5 hộ. Trạm đã hợp đồng với người có kinh nghiệm tuyển chọn hạt chè từ cây chè truyền thống của địa phương ươm trong túi bầu (không lai ghép) rồi giao cho hộ dân trong hợp đồng trồng chè tại rẫy của mình.
Cán bộ khuyến nông đến tận nơi hướng dẫn cho đồng bào kỹ thuật trồng và chăm sóc. Theo quy trình này thì 3 năm sau chè bắt đầu cho thu hoạch với chu kỳ dài tới mấy chục năm. Đây là mô hình khuyến nông đầu tiên triển khai thực hiện thí điểm mô hình khôi phục lại cây chè Minh Long truyền thống.
Huyện Minh Long cũng đã xây dựng kế hoạch từ năm 2015 trở đi, mỗi năm sẽ đầu tư cho một xã trong huyện trồng mới một hécta chè truyền thống nguyên chủng gốc chè Minh Long để trình diễn mô hình cho đồng bào, trước khi nhân ra diện rộng nhằm khôi phục cây chè Minh Long. Hướng đi tuy chậm, song đây là điều đáng mừng cho số phận của cây chè xanh Minh Long đang đứng trước nguy cơ “mất gốc.”
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201412/minh-long-khoi-phuc-cay-che-truyen-thong-2358798/
Có thể bạn quan tâm

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 5/2014 ước đạt 2,278 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành năm tháng đầu năm lên 12,12 tỷ USD; tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Chất lượng trà Việt Nam vẫn thấp, nhiều nhà máy có hiệu quả sản xuất hạn chế dựa trên tiêu chuẩn do Nhà nước ban hành, đặc biệt những nhà máy xếp loại C vẫn được phép sản xuất trà khiến cho việc quản lý chất lượng không rõ ràng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa có chỉ đạo yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an cùng các địa phương tăng cường các giải pháp quản lý thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cây tiêu phát triển tốt trên đất phì nhiêu, giàu hữu cơ, tơi xốp, có độ pH từ 5,5 - 6,5, đất có độ dốc dưới 10% và mực nước ngầm sâu hơn 2m vào mùa mưa.

Từ đống vốn ít ỏi ban đầu, ông Nam gầy được đàn gà rừng lớn mạnh, mỗi năm ông Nam thu lãi từ 18 triệu – 20 triệu đồng, trở thành nguồn thu bền vững cho gia đình ông.