Miền Núi Phú Yên Chuyển Mình
Trong thời kỳ xây dựng và đổi mới đất nước, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ra sức lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng buôn làng ngày càng tiến bộ. Trong 5 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc đã đạt nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc, đời sống của đồng bào các dân tộc có sự tiến bộ rõ rệt.
SÔNG HINH: KINH TẾ PHÁT TRIỂN, ĐỜI SỐNG ỔN ĐỊNH
Trong 5 năm qua, huyện Sông Hinh đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách, chương trình của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi như Chương trình 134, 135, Chương trình nước sạch nông thôn, Chương trình xóa đói giảm nghèo, chính sách định canh định cư, chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ…
Nhờ các chính sách này mà đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã và đang được thay đổi đáng kể trên các lĩnh vực của đời sống, xã hội. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong 3 năm qua huyện Sông Hinh đã huy động được hơn 149 tỉ đồng, xây dựng hoàn thành nhiều kết cấu hạ tầng, trong đó đã bê tông xi măng trên 26km đường giao thông nông thôn.
Thời gian qua, các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Sông Hinh luôn chung sức, chung lòng, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, tôn trọng, giúp đỡ nhau xây dựng quê hương giàu đẹp, góp phần bảo vệ Tổ quốc.
Mí Cách, Trưởng buôn Zô, xã Ea Ly, cho biết: “Không có sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước thì làm sao chúng tôi có đường bê tông vào làng, có điện để bà con sản xuất và sinh hoạt, có trường học khang trang, sạch đẹp để con em chúng tôi đi học, có trạm xá để chữa bệnh lúc ốm đau…
Không chỉ có vậy, các ngành, các cấp của huyện, của tỉnh đã giúp đỡ, hỗ trợ chúng tôi cách sản xuất để làm ra nhiều lúa, nhiều bắp, nhiều sắn, nhiều mía, vận động dân làng chúng tôi bỏ các tập tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình”.
Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: “Sông Hinh hiện có 20 dân tộc anh em đang sinh sống với hơn 47.100 người, trong đó đồng bào các DTTS hơn 21.270 người (chiếm 45,16%). Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền huyện Sông Hinh đã tập trung nhiều nguồn lực, triển khai lồng ghép nhiều chương trình, dự án để phát triển kinh tế - xã hội, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo. Nhờ vậy mà hàng năm tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 3 đến 5%, trong đó tỉ lệ hộ nghèo người DTTS giảm đáng kể (năm 2011 chiếm 67,08%, đến năm 2013 còn 59,17%)”.
ĐỒNG XUÂN: QUAN TÂM XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO
Thời gian qua, huyện Đồng Xuân luôn quan tâm đặc biệt đến vùng đồng bào DTTS nhằm giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở đây. Nhờ vậy, bộ mặt những nơi có đồng bào DTTS sinh sống đã đổi thay đáng kể, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Theo UBND huyện Đồng Xuân, đến cuối năm 2013, Đồng Xuân có 1.936 hộ gia đình đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 18,27% tổng số hộ nghèo của huyện. Xã Phú Mỡ là nơi có nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo nhất, vì đây là vùng sâu, vùng xa của huyện, thời tiết khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng kỹ thuật tuy được đầu tư nhưng chưa đầy đủ, bà con chưa quen với việc phát triển kinh tế.
Xác định việc chăm lo cho vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ đặc biệt, trong những năm qua, Huyện ủy Đồng Xuân đã có Nghị quyết số 4, UBND huyện cũng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS và các thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011-2015; trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Để thực hiện chủ trương này, huyện Đồng Xuân đã huy động cả hệ thống chính trị với sự tham gia của tất cả các đơn vị, địa phương liên quan; huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo cho vùng đồng bào DTTS. Nhằm tạo điều kiện cho hộ gia đình đồng bào DTTS phát triển sản xuất, các ngân hàng trên địa bàn huyện, trong những năm qua đã giải quyết cho 615 lượt hộ nghèo DTTS vay ưu đãi gần 2,3 tỉ đồng.
Huyện cũng đã triển khai 8 mô hình giảm nghèo bền vững gồm 1 mô hình trồng trọt, 7 mô hình chăn nuôi với kinh phí thực hiện hơn 1,8 tỉ đồng cho 124 hộ nghèo của huyện tham gia, trong đó có 39 hộ đồng bào DTTS.
Qua đó, các hộ gia đình đồng bào DTTS tham gia mô hình đã nắm được cách làm kinh tế có hiệu quả, tăng thu nhập. Ngoài ra, thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, con em đồng bào DTTS đã học được nghề, tìm được việc làm, có thu nhập.
Với những nỗ lực trên, bộ mặt vùng đồng bào DTTS của huyện Đồng Xuân đã có nhiều thay đổi. Tất cả các thôn, buôn vùng đồng bào DTTS đều được đầu tư nhiều về hạ tầng kỹ thuật, trong đó các thôn, buôn như Kỳ Đu (xã Xuân Quang 2), Suối Mây (xã Xuân Phước); Hà Rai, Xí Thoại (xã Xuân Lãnh) rất khang trang, tạo thuận lợi cho cuộc sống người dân ở đây.
Những xã như Phú Mỡ và nhiều vùng đặc biệt khó khăn khác của huyện Đồng Xuân giờ đã chuyển mình vươn lên thành những khu vực dân cư đông đúc, có đầy đủ điện, đường, trường, trạm, nhà rông văn hóa, hệ thống cấp nước tập trung… chứ không còn nghèo nàn lạc hậu như trước đây. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS cũng thay đổi hẳn.
Nhờ được Nhà nước hỗ trợ tích cực, rất nhiều gia đình DTTS đã thoát được đói, giảm được nghèo. Số trường hợp biết cách làm ăn, có thu nhập khá ngày càng nhiều hơn. Bà con không chỉ chú trọng làm kinh tế mà còn học cách chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay thế nhiều diện tích lúa rẫy bằng lúa nước, chăn nuôi bò đàn, trồng rừng và các loại cây công nghiệp cho thu nhập cao.
Điển hình là các ông Lê Mo Dõn ở thôn Suối Mây, xã Xuân Phước, với mô hình trồng sắn, mía, nuôi bò kết hợp làm dịch vụ vận chuyển cho thu nhập mỗi năm trên 120 triệu đồng. Còn ông La Thanh Nông ở thôn Phú Giang, xã Phú Mỡ thu nhập 150 triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi và trồng nông sản.
Ngoài ra còn có các ông Mang Cư, Mang Bui ở thôn Da Dù; La Lan Tuy ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh với mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi, mỗi năm thu nhập không dưới 100 triệu đồng. Cá biệt như ông Mang Xíu, Mang Kỳ là những cựu chiến binh cũng ở Xuân Lãnh thu nhập trên 200 triệu đồng/năm nhờ biết cách sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Ông Phạm Trung Chánh, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết trong thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo cho vùng đồng bào DTTS, trong đó đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng; ưu tiên cho các hộ đồng bào DTTS vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người DTTS; đồng thời giải quyết những khó khăn về đất sản xuất, nhà, nước sinh hoạt cho bà con.
“ÁO MỚI” SƠN HÒA
Được mệnh danh là “thủ phủ” mía đường của tỉnh, Sơn Hòa được biết đến không chỉ về tiềm năng nông, lâm nghiệp, khoáng sản, mà còn là địa phương có bước phát triển nhanh chóng về cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS. Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, những năm gần đây, bộ mặt huyện miền núi này có bước phát triển vượt bậc, rút ngắn khoảng cách với đồng bằng.
Hiện nay, huyện còn 5 xã đặc biệt khó khăn, trong đó có 4 xã vùng cao. Nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo và các chương trình, dự án khác đã làm cho diện mạo Sơn Hòa đổi thay rõ nét, nhất là trong vòng 5 năm trở lại đây.
Theo UBND huyện Sơn Hòa, từ năm 2009 đến nay, các chương trình 135, 1592, định canh định cư đã đầu tư cho huyện hơn 53 tỉ đồng xây dựng 172 công trình giao thông, điện, nước, thủy lợi, đất sản xuất, đất ở, trường học, trạm y tế, xóa nhà ở tạm…
Chính vì vậy mà hàng năm tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm trên 2,5%. Đến cuối năm 2013, toàn huyện còn 2.425 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 17,02%, hộ nghèo đồng bào DTTS còn 10,72% so với tổng số hộ.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư khá hoàn thiện, người dân yên tâm tập trung vào sản xuất, chăn nuôi, đặc biệt là trồng mía với tổng diện tích hơn 11.000ha, lớn nhất so với các địa phương khác trong tỉnh. Thực tế, cây mía đã trở thành cây trồng chủ lực và là cây xóa đói, giảm nghèo hiệu quả nhất của huyện.
Ngoài cây mía, lúa nước cũng là cây trồng thế mạnh, giúp nhân dân vùng đồng bào DTTS giải quyết cái ăn tại chỗ, yên tâm đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình.
Còn nhớ trong chuyến thăm và làm việc tại xã Ea Chà Rang cách đây vài năm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Quốc hội đã từng nói, Sơn Hòa là một trong những huyện miền núi của cả nước phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông và đất sản xuất. Tổng bí thư cho rằng, so với một số huyện miền núi phía bắc thì Sơn Hòa có bước tiến vượt bậc về mọi mặt.
Về Sơn Hòa hôm nay, đặc biệt là các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Krông Pa, Ea Chà Rang, Cà Lúi, Phước Tân, Sơn Hội… mới cảm nhận được sự đổi thay kỳ diệu. Nếu như cách đây 10 năm, mỗi khi về các địa phương này, ai cũng phải ngán ngẩm vì đường sá đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn, thì nay đã đổi thay đến “chóng mặt”.
Điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt được đầu tư khá hoàn thiện, đường giao thông thông suốt đến tận thôn buôn, màu xanh của mía, lúa, sắn vươn đến tận chân đồi, nhà ở của người dân được xây dựng mới san sát bên những ngôi nhà sàn truyền thống. Trong từng ngôi nhà, ti vi, tủ lạnh, mô tô… được các hộ mua sắm đầy đủ.
Ngoài các loại cây trồng, hàng nghìn hecta rừng phủ kín các ngọn đồi cũng là một tiềm năng lớn mang lại cho nhân dân nguồn thu nhập lớn, bền vững, góp phần cải thiện môi trường sinh thái. Tâm sự với chúng tôi, Phó bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, ông Cao Minh Hòa phấn khởi nói: “Giờ đây, vùng đồng bào DTTS đã khác hẳn so với trước kia. Bà con không chỉ ăn ngon, mặc đẹp mà còn mua được cả mô tô đắt tiền chạy trên những con đường bê tông rộng mở.
Tại trung tâm các địa phương vùng sâu, vùng xa, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, nông sản diễn ra sôi động không khác gì đồng bằng. Một điều kỳ diệu mà trước đó chưa ai dám nghĩ đến, thế mà nay đã thành hiện thực”.
Có thể bạn quan tâm
Theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm, hiện nay trên địa bàn có hàng ngàn hộ tham gia gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) như rắn, nhím, hươu, lợn rừng...
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp và PTNT, hiện nay cả tỉnh có khoảng 4.000/36.000 ha gieo cấy là ruộng trũng, nhiều địa phương thường gọi là chiêm đầm chỉ có khả năng gieo cấy lúa chiêm xuân, vụ mùa kết hợp thả cá vụ, hoặc bỏ hoang. Diện tích tập trung nhiều ở các huyện vùng đất giữa như Thanh Thủy, Tam Nông, Lâm Thao, Cẩm Khê, Thanh Ba, Hạ Hòa...
Trong những năm qua, phong trào trồng cây gây rừng trên địa bàn tỉnh ta phát triển mạnh góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 118 nghìn ha rừng trồng và hơn 64 nghìn ha rừng tự nhiên.
Tại các vùng bãi bồi ven sông ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, mùa thu hoạch ớt vụ đông xuân thường bắt đầu từ giữa tháng 3. Riêng năm nay, vụ thu hoạch ớt lại bắt đầu từ giữa cuối tháng 2.
Với sản lượng gần 2.000 tấn khoai thương phẩm, bán với giá trên 5.000 đ/kg, mỗi ha nông dân Tân Phước đạt giá trị sản xuất 50 triệu đồng.