Miền đất chết sinh nhiều triệu phú
Khai sáng đất nghèo
Ở tỉnh Sơn La, đặc biệt là khu vực huyện Thuận Châu, Noong Lào vốn được coi là miền đất hiểm, hình thành bởi sự “cùm kẹp” của 2 dãy núi có tên Pu Ta Cao và Pu Tếnh Hươn.
Nghiệt thay, hai dãy này lại nằm xuôi theo hướng mà vào kỳ cao điểm gió Lào cứ thông thốc thổi về.
Những cơn gió nóng, khô và lấy nhiều nước nên cỏ cây vào mùa nóng héo hon, xơ xác; mùa đông thì gió lạnh thổi buốt rạt nên muông thú cũng phải bỏ đi.
Xót xa trước miền đất rộng hàng trăm ha bị bỏ hoang, hơn nữa, trước tình trạng “người sinh nhưng… đất không nở”, nhiều người đã quyết dấn thân về vùng đất này kiếm kế sinh nhai, tiêu biểu là các ông Lò Văn Pâng, Lò Văn Bun, Lò Văn Chum, Lò Văn Thưng…
Ngoài chè, cà phê đang tạo nguồn thu giúp người dân Noong Lào thoát nghèo và đạt ngưỡng triệu phú, nhiều hộ dân còn tích cực xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, với tổng đàn bò 1.500 con, gần 7.000 con lợn, hơn 30.000 con gia cầm, hứa hẹn đem lại thu nhập cao và giúp đồng bào phát triển kinh tế bền vững.
Đến với Noong Lào ngày nay, nói về những tấm gương tỷ phú, người đầu tiên hay được nhắc đến là ông Lò Văn Pâng.
Trong ngôi nhà khá bề thế cùng những vật dụng hiện đại để phục vụ cuộc sống gia đình, ông Pâng ngược lại thời cơ cực đi mở đất.
Ông bảo: “Lên Noong Lào, sức lực bỏ ra, người dân vỡ đất mở ruộng trồng lúa, mở đồi trồng ngô.
Nhưng do khí hậu khắc nghiệt, nên có “khéo co” thì người dân cũng chỉ đủ ăn.
Không chấp nhận cảnh giẫm chân tại chỗ, ông và nhiều người dân ở đây đã suy tính về một hướng đi mới để đem lại bứt phá cho mình”.
Đang lúc loay hoay, may mắn, một chủ trương về cây chè và cây cà phê đã được cấp trên đưa về.
Tuy nhiên, để các thứ cây xa lạ ấy cắm chân, sống lại và làm giàu cho dân đất này như hiện nay thì ban đầu cũng không đơn giản.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, đoán định được lợi nhuận, ông Pâng đã thuyết phục vợ con để lấy đất canh tác của gia đình trồng chè và cà phê.
Chè và cà phê trồng ở Noong Lào hợp khí hậu thổ nhưỡng đã bám đất phát triển nhanh chóng.
Thung lũng xanh Noong Lào
Khoát tay một vòng chỉ những diện tích cà phê, chè xanh mướt hiện có, ông Pâng vui vẻ nói: “Mỗi năm, nó đem về cho gia đình tôi cả trăm triệu đồng đấy.
Nhà này, xe này, đồ dùng này, lại cả tiền cho con cái đi học nữa…, đều nhờ nó cả.
Nếu không mạnh dạn, nếu không dám phá cách mà chỉ nhìn vào cây lúa, cây ngô thì chả bao giờ có được đâu”.
Ngoài gia đình ông Pâng, đến Noong Lào ngày nay, khách xa phải ngạc nhiên về những mô hình kinh tế trang trại và chăn nuôi ở đây.
Cùng với màu xanh của chè, cà phê và tiếng mõ trâu lốc cốc, tiếng chuông bò rình rang là ngày càng nhiều gia đình triệu phú ra đời.
Trong đó có gia đình ông Lò Văn Bun.
Sở dĩ ông Bun là người dẫn đầu về kinh tế của bản do là người đầu tiên mạnh dạn “xui” vợ con đem chè và cà phê về đây trồng trước nhất.
Từ vài nghìn m2 đất hoang cằn ban đầu, nay quỹ đất đai nhà ông đã phủ xanh màu chè và cà phê.
Hiện nay, với gần 5ha chè và cà phê kết hợp với chăn nuôi gia súc, mỗi năm gia đình ông đã có thu đến cả trăm triệu đồng.
“Ngang ngửa” với gia đình triệu phú Lò Văn Pâng, Lò Văn Bun, ở đất Noong Lào hiện nay còn có các tên tuổi khác nữa như Lò Văn Chum, Lò Văn Thưng…
Từ miền đất “vứt đi”, bằng sự dấn thân, dám nghĩ, dám làm của nhiều người dân, hiện nay cây chè và cây cà phê đang trở thành cây trồng có thế mạnh, lan tỏa và để nhiều gia đình học theo để làm giàu.
Từ những cá nhân ban đầu, hiện nay hai thứ cây trồng này đang ngày lan rộng và phủ xanh cho đất nghèo một thời có tên Noong Lào.
Có thể bạn quan tâm
Làm vườn không hề khó như chúng ta nghĩ, biết thêm những điều sau đây bạn sẽ thêm tự tin hơn để bắt đầu với dự án nho nhỏ của mình.
Việc tiêu thụ rau VietGAP đang gặp nhiều khó khăn, rào cản nên một số nông dân tại khu vực Đông Nam Bộ bắt đầu ngán ngẩm mô hình này.
Hiện nay, mặt hàng cao su thiên nhiên đã ổn định được thị trường xuất khẩu, với lượng xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc.