Mexico - Thức ăn cho cá rô phi được làm từ hạt mít
Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Đại học Tự trị Nayarit (UAN) đang nghiên cứu sản xuất thức ăn cho cá rô phi (Oreochromis niloticus) từ hạt mít để giảm chi phí cũng như để thay thế các nguyên liệu có nguồn gốc động vật.
Mexico - Thức ăn cho cá rô phi được làm từ hạt mít Ảnh minh họa
Theo Francisco Javier Valdez Gonzalez, tiến sĩ công nghệ sinh học về thức ăn dùng trong nuôi trồng thủy sản, mục đích của nghiên cứu là tìm ra loại nguyên liệu có nguồn gốc thực vật để thay thế bột cá, tính có sẵn lớn hơn và có chi phí thấp hơn.
Nhà nghiên cứu cho biết: “Ở Nayarit, chi phí thức ăn chiếm 70% chi phí sản xuất, thậm chí cao hơn chi phí về điện hoặc nhiên liệu. Vì thế, người nuôi đã tìm cách giảm chi phí thức ăn đến mức tối đa".
Thành phố tự trị San Blas, nơi có trường Đại học Tự trị Nayarit, là nơi sản xuất ra mít (Artocarpus heterophyllus) nhiều nhất. Người ta bán cùi mít còn hạt thì đem bỏ. Nhưng các nhà nghiên cứu đã phát hiện trong hạt mít có chứa 20% đạm, chất béo và carbohydrat. Vì vậy họ quyết định thử nghiệm sản xuất thức ăn cho cá rô phi từ hạt mít.
Nhiều thử nghiệm đã được tiến hành để xử lý hạt mít nhằm tìm ra loại thức ăn thích hợp cho cá rô phi. Mục đích là “Để xem khả năng tiêu hóa protein của cá rô phi”, nhà nghiên cứu giải thích.
Hạt mít được loại bỏ vỏ nhằm làm giảm lượng xơ và thích hợp cho việc vỗ béo cá. Chất tanin hoặc các chất kháng dinh dưỡng, có ở vỏ các loại hạt hoặc trái cây cũng được loại bỏ vì chúng ức chế khả năng tiêu hóa thức ăn.
Ngoài ra, các chất kháng dinh dưỡng khác, chẳng hạn như các yếu tố kháng trypsin và antintrypsin cũng đã được loại bỏ nhờ phương pháp ép đùn. Đây là quá trình xử lý bột bằng nhiệt, bẻ gãy các liên kết và phá vỡ các enzym, nhờ đó mà cá tiêu hóa protein tốt hơn.
Các thử nghiệm được tiến hành với hạt mít còn vỏ, hạt mít không có vỏ và có vỏ được xử lý ép đùn để so sánh tăng trưởng của cá rô phi khi được cho ăn bằng thức ăn truyền thống. Kết quả thí nghiệm cho thấy, khi thức ăn được xử lý bằng phương pháp ép đùn với hạt mít không vỏ đã mang lại hiệu suất tương tự như cá được cho ăn bằng thức ăn thương mại được làm từ bột cá.
Trong quá trình thí nghiệm, cứ trong 1 kg thức ăn thương mại (có bột cá, bột lúa mì, các vitamin, các muối khoáng, dầu cá và lecithin đậu nành) thì thay 30% bột hạt mít (1 kg thức ăn thí nghiệm gồm có 700 g thức ăn thương mại + 300 g bột hạt mít - ND).
Sau hơn một năm nghiên cứu, kết quả cho thấy ra rằng tỷ lệ thay thế này (30%) đem lại những tác dụng không khác biệt so với thức ăn thương mại.
Nhóm này sẽ tiếp tục nghiên cứu cho đến khi tỷ lệ thay thế bột hạt mít đạt cao nhất mà không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sản xuất. Tiến sĩ Valdez cho rằng, nếu họ đạt được tỷ lệ tối ưu là 50% thì sẽ là khả thi để bắt đầu sử dụng sản phẩm này ở các trang trại có nhu cầu.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, giá tôm đang đứng ở mức từ 70.000 – 75.000 đồng/kg, trong khi chi phí cho 1kg tôm thương phẩm vào khoảng 80.000 – 85.000 đồng
Trong tình hình thị trường xuất khẩu gặp nhiều trở ngại về rào cản thương mại như hiện nay, MSC là một “cứu cánh” giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam cơ hội
Trên thế giới có hai hệ thống nuôi trồng thủy sản bền vững là hệ thống dùng vi sinh vật có lợi để xử lý nước (công nghệ vi sinh, biofloc) và hệ thống RAS