Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Máy cuộn rơm, lợi ích kép

Máy cuộn rơm, lợi ích kép
Tác giả: Võ Tứ
Ngày đăng: 26/09/2019

Máy cuộn rơm được một số địa phương ở Thừa Thiên - Huế áp dụng, là giải pháp tối ưu giúp giải quyết được bài toán xử lý nguồn rơm rạ sau thu hoạch, bảo vệ môi trường…

Đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.

Đi qua các cánh đồng lúa, khói bay mù trời, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, giao thông mà còn tác động xấu đến hiệu quả sản xuất trong những vụ tới. Theo các chuyên gia, việc đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng sẽ phá vỡ vi sinh vật có lợi, chất dinh dưỡng, làm đất đai ngày càng thoái hoá, mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.

Vụ HT 2019, huyện Phong Điền canh tác 4.867ha lúa. UBND huyện khuyến cáo nông dân sử dụng nấm Trichoderma kết hợp các biện pháp kỹ thuật để xử lý rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.

Ông Trịnh Đức Hiệp, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phong Điền cho biết, để hạn chế việc đốt rơm rạ trên đồng, chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp xử lý rơm rạ khoa học, hợp lý như dùng chế phẩm phân hủy rơm rạ, thu gom rơm để làm thức ăn cho gia súc, ủ phân hoặc làm nguyên liệu trồng nấm...

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, nếu chỉ dừng ở việc phát văn bản khuyến cáo, hướng dẫn về các HTX nông nghiệp, người dân thì vẫn chưa đủ và rất khó khả thi. Vì vậy, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kết hợp áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Mô hình sử dụng máy cuốn rơm.

Từ năm 2017, Trung tâm Khuyến nông và Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế triển khai thực hiện mô hình “Ứng dụng các biện pháp canh tác tổng hợp để xử lý rơm rạ sau thu hoạch”; trong đó áp dụng kỹ thuật sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ với hoạt chất chính là nấm Trichoderma, cùng với đó là thực hiện các mô hình ở các địa phương như mô hình máy cuốn rơm tại xã Phong Hiền, phối hợp triển khai thử nghiệm các giống lúa mới.

Vụ HT 2019, anh Hoàng Công Tấn ở thôn Cao Xá, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền làm 1,5 mẫu ruộng. Mọi năm, anh mất gần 1 tuần để phơi, thu gom, vận chuyển rơm về nhà sau thu hoạch. Công việc thu gom, vận chuyển rất vất vả, cần nhiều nhân lực. Vụ HT năm nay, anh chỉ cần 1 ngày phơi rơm và 1 buổi để thu gom tất cả về nhà.

Theo anh Tấn, năm nay gia đình anh nhận được hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông máy cuốn rơm MRB 0850B. Máy được lắp đặt vào hệ thống máy kéo Kubota có sẵn của gia đình nên việc đầu tư đối ứng 50% với gia đình không quá khó khăn.

Giá thể trồng nấm làm từ rơm rạ.

Máy cuốn rơm có thể hoạt động tốt trên nền ruộng khô và ẩm ướt. Cơ chế vận hành máy khá đơn giản, rơm sẽ được trục bánh răng của máy cuốn vào và được nén chặt bởi trục cuộn nằm phía trong. Sau khi cuộn rơm đạt tiêu chuẩn kích thước và trọng lượng, máy sẽ có hệ thống báo hiệu tự động bằng còi. Tiếp theo, rơm sẽ được buộc lại bởi hệ thống dây quấn, thắt nút cắt tự động và cuộn rơm sẽ được nhả ra ngoài bởi bơm thủy lực đẩy mở cửa.

Mỗi cuộn rơm hoàn thành trung bình trong thời gian từ 35 - 45 giây. Công suất thu gom rơm đạt từ 50 - 80 cuộn/giờ (công suất thực tế lệ thuộc trữ lượng rơm, tính hoạt động liên tục của máy), trung bình mỗi sào thu được 6 - 10 bó rơm. Máy có thể thu gom 4 ha/ngày, tương ứng với 600 cuộn rơm.

Cũng trong vụ HT 2019, HTX Nông nghiệp An Lỗ, xã Phong Hiền đã đưa vào sử dụng máy cuộn rơm nên đã hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ trên đồng sau thu hoạch lúa.

Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Lỗ thông tin, bình quân 1 sào lúa thu được khoảng 10-12 cuộn rơm (đường kính 80cm). Do mới làm vụ đầu tiên, nên đầu ra của rơm cuộn tạm thời chỉ đủ phục vụ cho một số hộ dân địa phương cho trâu, bò ăn, trồng nấm, với giá 20 nghìn đồng/cuộn, trong đó đã tính lợi nhuận sau khi trừ khấu hao tài sản, chi phí dịch vụ...

Giải pháp trang bị máy cuộn rơm đang được một số địa phương cân nhắc, tính toán hỗ trợ một phần kinh phí cho các HTX để giải quyết tình trạng rơm rạ tồn dư, bị đốt bỏ. Do vậy cần tăng cường tuyên truyền để người dân hạn chế đốt rơm rạ trên cánh đồng, nhân rộng các mô hình tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp tái sản xuất, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường


Có thể bạn quan tâm

Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 24 - 30/9) Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 24 - 30/9)

Tại các tỉnh Bắc bộ, sâu cuốn lá nhỏ non hại chủ yếu trên những diện tích lúa xanh tốt, bón thừa đạm chưa được phun trừ, phun kém hiệu quả, phun xong gặp mưa.

25/09/2019
Nhàn như nuôi dê Nhàn như nuôi dê

Nhờ nuôi gần 80 con dê các loại, anh Đỗ Văn Chinh ở thôn Khúc Lộng (xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, Hưng Yên) đã "đút túi" trên 10 triệu đồng mỗi tháng.

26/09/2019
Tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao Tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Đây là nội dung chương trình của lớp dạy nghề canh tác rau công nghệ cao (thủy canh) cho nông dân do Trung tâm Khuyến nông TP.HCM tổ chức.

26/09/2019
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.