Máy cấy lúa Mảnh ghép cho nông nghiệp công nghệ cao
Ngày nay, khi tiến hành sản xuất vụ lúa mới thì vấn đề bà con nông dân quan tâm đó là giống và tình trạng thiếu nhân công lao động như: Làm đất, cấy lúa, ủ giống, làm đồng…ngoài ra còn phải chịu hao hụt, thất thoát giống khi gieo sạ. Để khắc phục tình trạng trên, vụ Thu Đông năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Phú tổ chức trình diễn máy cấy lúa VP7D25-Yanmar tại xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, nhằm giúp bà con nông dân giảm chi phí sản xuất, giải quyết tình trạng thiếu lao động, tăng hiệu quả canh tác và cải thiện chất lượng hạt lúa. Đây là một trong những dự án được hỗ trợ theo tinh thần Quyết định số 567/QĐ-UBND ngày 10/3/2016 của UBND tỉnh, về việc ban hành Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016 – 2020.
Ông Huỳnh Tấn Hưng, Phó phòng Nông nghiệp huyện Châu Phú cho biết: “Máy cấy lúa sử dụng mạ cây, cấy được 7 hàng, mỗi hàng cách nhau 25cm, trong 2 giờ hoạt động thì máy cấy được 1ha đất lúa. Do có cấu tạo tinh tế nên máy di chuyển dưới ruộng cũng như trên bờ một cách dễ dàng. Từ khi nông dân ứng dụng máy cấy lúa theo hàng thì tiết kiệm ngày công lao động, giảm áp lực do thiếu nhân công cấy, giảm lượng giống và phân thuốc”.
Sau khi sử dụng máy cấy lúa tự động theo hàng thì bà con nông dân sẽ rút ngắn thời gian gieo sạ và khử lẫn đồng ruộng tốt hơn rất nhiều so với phương thức canh tác cũ. Bên cạnh đó còn kiểm soát được cỏ dại, ốc bươu vàng, cây lúa ít bị sâu bệnh, tiết kiệm phân bón. Ngoài ra, còn có thể sử dụng để cấy dịch vụ, tăng giá trị kinh tế của máy. “Tổng chi phí khi ứng dụng máy cấy thấp hơn cấy bằng tay khoảng 2,5 triệu đồng/ha, qua đó sẽ giúp giảm giá thành trong sản xuất lúa khi sử dụng máy cấy”, ông Hưng cho biết thêm.
So sánh về chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và chất lượng đạt được thì năng suất cấy máy cao hơn cấy tay từ 100- 300kg/ha trên cùng địa bàn, cấy máy giảm 30% lượng giống so với cấy tay và giảm 50% lượng giống so với sạ hàng (do cấy máy có độ đồng về bụi so với cấy tay và sạ hàng).
Việc đưa máy cấy ứng dụng vào sản xuất lúa giúp bà con nông dân tiếp cận được với công nghệ, từ đó giúp tăng năng suất và chất lượng hạt lúa, chủ động tốt hơn trong khâu gieo sạ, giải quyết tình trạng thiếu lao động thời vụ, giảm chi phí trong sản xuất, tăng lợi nhuận sau thu hoạch.
Huyện Châu Phú đang bước vào vụ lúa thu đông năm nay, ngoài việc chọn những giống lúa chất lượng cao thì bà con nông dân cần chú trọng ứng dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất và gieo sạ nhằm giúp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt ngay đầu vụ để nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt lúa làm ra.
Có thể bạn quan tâm
Tại các tỉnh Bắc bộ, sâu non đục thân 2 chấm gây bông bạc trên trà lúa trỗ muộn.
Mô hình tận dụng chuồng heo bỏ trống để nuôi ếch của gia đình chị Tường, 3 bể ếch đã được thả nuôi khoảng 7 ngày
Với nhiều nông dân vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, cây lúa được xem là cây trồng “độc tôn” đem về nguồn thu nhập chính.