Măng tây công nghệ cao trên vùng đất nắng gió
Ở vùng đất nắng gió Ninh Thuận, cây măng tây phát triển mạnh, cho năng suất cao và mở ra cơ hội về nguồn nông sản sạch để xuất khẩu.
Cánh đồng măng tây trải rộng tít tắp ở vùng nắng gió Ninh Thuận. Ảnh: Minh Hậu.
Bén rễ ở vùng nắng gió
Ninh Thuận được biết đến là vùng có khí hậu khắc nghiệt, khô khát và để góp phần thay đổi mảnh đất này, Công ty Cổ phần giống cây trồng Nha Hố đã thực hiện kế hoạch phát triển măng tây xanh.
Trên diện tích 15ha ở huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), những thửa ruộng đã được phủ xanh bởi măng tây với hàng hàng, lớp lớp. Chỉ tay về phía xa, ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp Nghệ An (kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố thổ lộ: Đơn vị bắt đầu thực hiện kế hoạch phát triển măng tây ở Ninh Thuận từ đầu tháng 4/2020.
Trước thời điểm đó, ở khu vực này chỉ phát triển ngô, lúa giống và một số cây trồng khác. Sau khi nghiên cứu, công ty quyết định thực hiện cải tạo đất, xây dựng hệ thống ruộng đồng với công nghệ hiện đại và nhập giống măng tây của Hà Lan về trồng.
Ở Ninh Thuận, cây nho và táo đã được bà con nhân rộng và cho hiệu quả cao. Công ty cũng từng nghiên cứu về 2 cây trồng này nhưng sau đó quyết định chuyển qua măng tây vì nhận thấy cây trồng này mới, giá trị kinh tế cao hơn và dễ phát triển.
Ông Hiền cho hay: Công ty hướng đến sản xuất rau sạch, chất lượng cao để đón xu hướng mới của thị trường. Hơn nữa, đây là cây trồng cho năng suất cao, cải thiện nguồn thu nhập.
Hiện công ty đã triển khai trồng xong 15 ha và dự kiến đến tháng 6/2021 hoàn thiện mô hình 30 ha măng tây theo quy hoạch. Đồng thời, hướng đến thực hiện vùng nguyên liệu lên đến 50 ha dọc theo kênh Bắc và sông Dinh trong thời gian tới.
Ở Ninh Thuận, khu vực Nha Hố có thổ nhưỡng pha cát, thuận lợi cho măng tây phát triển. Vùng này cũng nằm cạnh 2 con sông nên đảm bảo được nhu cầu về nước tưới quanh năm. Cũng tại vị trí này, khí hậu có biên độ nhiệt ngày đêm chênh lệch nhau khá phù hợp với măng tây, cây sinh trưởng nhanh, phát triển tốt và năng suất cao. Hiện tại, 1 sào (1.000 m2) măng tây trồng tại đây thu từ 15-18 kg sản phẩm/ngày.
Ông Bùi Văn Sáng cho biết, để măng tây tươi ngon, công ty tổ chức thu hoạch từ khoảng 4h30 đến 8h sáng hàng ngày. Đây là thời gian măng cho mầm đẹp, không bung nở và giòn, ngọt.
Về quy trình chăm sóc, ông Bùi Văn Sáng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố chia sẻ, đơn vị sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng và tùy vào giai đoạn sinh trưởng của cây để cắt giảm hoặc bổ sung phân bón. Để cây phát triển tốt, công ty dùng 70-80 tấn phân chuồng cho 1 ha măng tây và kết hợp thêm 500 kg phân lân.
Cũng theo ông Sáng, trước khi xuống giống, công tác xử lý đất luôn được đề cao và biện pháp phổ biến nhất là sử dụng vôi bột rải đều lên bề mặt.
Trung bình, 1ha, công ty sử dụng từ 1-1,5 tấn vôi. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi sử dụng toàn bộ thuốc sinh học để đảm bảo an toàn, đảm bảo nguồn nông sản sạch. Hiện nay, công ty sản xuất theo quy trình VietGAP và sắp tới sẽ thực hiện theo chuẩn GlobalGAP, hữu cơ.
Măng tây phù hợp với thổ nhưỡng pha cát ở Ninh Thuận, khí hậu nóng ấm và cũng là loại cây trồng cần nhiều nước tưới. Do vậy, để đảm bảo độ phát triển cho cây, đơn vị thực hiện mô hình đã đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt trên toàn bộ diện tích.
Tại đây, nguồn nước tưới sau khi xử lý được bơm về tận gốc cây thông qua các hệ thống ống lớn nhỏ. Việc này vừa duy trì độ ẩm thường xuyên cho vườn vừa có thể tiết kiệm nước tưới. Cũng thông qua hệ thống tưới này, việc bón các loại phân hòa tan được thực hiện và giúp cây hấp thụ dưỡng chất một cách hiệu quả.
Chi phí đầu tư mô hình măng tây công nghệ cao này của công ty là khoảng 700-800 triệu đồng/ha.
Đa dạng hóa sản phẩm để xuất khẩu
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần giống cây trồng Nha Hố, hiện nay, trong tổng số 15 ha đã có 5 ha cho thu hoạch đều đặn và 10 ha dự kiến thu hoạch vào tháng 5/2021. Măng tây sau khi thu hoạch được công ty sơ chế, đóng gói và bán cho các đối tác trong nước với giá từ 50.000-60.000 đồng/kg.
Ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố cho biết, thời gian qua, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng việc tiêu thụ măng tây vẫn diễn ra suôn sẻ.
Cùng với việc cung ứng ra thị trường sản phẩm măng tây tươi, công ty cũng hướng đến đa dạng hóa sản phẩm bằng công nghệ sấy lạnh, chế biến bột làm thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ em.
Công ty phấn đấu trồng 50ha măng tây trong thời gian tới. Hiện nay, các đối tác nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan đã đến tận vườn để thăm, nghiên cứu để tiến đến ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Cũng theo ông Hiền, ở Ninh Thuận, Công ty Cổ phần giống cây trồng Nha Hố là đơn vị duy nhất đầu tư, sản xuất măng tây quy mô lớn, công nghệ cao. Để đảm bảo nguồn sản phẩm sạch, công ty đã áp dụng quy trình sản xuất VietGAP và tiến tới GlobalGAP, hữu cơ trong thời gian tới.
Đồng thời xây dựng quy trình khép kín bao gồm sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tưới tiêu và nhất là vấn đề bảo quản, chế biến sâu.
Ông Hiền thổ lộ: “Măng tây là thực phẩm mà các quốc gia ở châu Âu hoặc Nhật Bản, Hàn Quốc rất ưa chuộng. Những quốc gia này họ vẫn sản xuất nhưng về mùa đông không thu hái được. Nước ta là vùng nhiệt đới nên về mùa hè có thể tập trung thu hoạch, chế biến, đặc biệt là chế biến bột để đến mùa đông có thể xuất khẩu”.
Ông Lâm Quyền Linh, Kỹ sư nông nghiệp của Công ty giống cây trồng Nha Hố cho biết, công ty sử dụng giống măng tây của Hà Lan và áp dụng quy trình chăm sóc hiện đại nên cây phát triển tốt. Đối với việc bón phân, tùy vào giai đoạn sinh trưởng của cây mà công ty đưa ra công thức chăm bón riêng biệt để đạt hiệu quả cao nhất.
Việc phòng trừ sâu bệnh cũng được thực hiện theo định kỳ 15-20 ngày/lần và thường xịt thuốc phòng trừ sâu hại vào đầu những tuần trăng.
Cây măng tây thường xuất hiện một số bệnh phổ biến như thán thư, rỉ sắt, nấm khô thân, khô cành và các loại sâu hại như đục thân, sâu xanh hoặc rầy… Để phòng trừ những loại sâu bệnh này, người trồng có thể sử dụng các loại thuốc sinh học .
Cũng theo ông Lâm Quyền Linh, để măng tây sinh trưởng tốt, thu hoạch lâu dài thì người trồng nên tỉa cành theo định kỳ 15 ngày/lần, chọn tỉa những cây nhỏ, nuôi cây to làm cây mẹ. Ở mỗi bụi, trung bình thu hoạch từ 2-2,5 tháng thì chọn lựa và bắt đầu thay cây mẹ.
Có thể bạn quan tâm
Cắt tỉa cho cây trồng nói chung, cây có múi nói riêng rất quan trọng. Có thể ví, cây trồng được cắt tỉa kịp thời như được bón thêm phân
Gian lận loại, phẩm cấp thịt và cá đang là vấn nạn toàn cầu, khiến người tiêu dùng thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm.
Việt Nam là một trong ba nước có tốc độ tăng trưởng diện tích trồng ngô công nghệ sinh học nhanh ở mức hai con số cùng với Philippines và Colombia...