Mang lợi ích cho dân nhờ liên kết 4 nhà
Tham gia dự án lúa khuyến nông với mô hình liên kết sản xuất lúa giống, ông Lê Quang Hạnh, ở ấp Long Bình 1, xã Long Phú, huyện Long Mỹ, đã trở thành nông dân sản xuất giỏi. Bởi bấy lâu nay, ông chỉ sản xuất lúa hàng hóa thông thường bằng kinh nghiệm cha truyền con nối. Hai vụ lúa qua, ông đã trở thành nhà cung cấp lúa giống chất lượng cao cho địa phương. Ông Hạnh tâm sự: “Tham gia mô hình, tôi làm lúa nhàn nhã hơn vì giảm được công mướn cấy, lượng giống gieo sạ mà sản lượng lúa giống thu về cũng tương đương cách thông thường, tăng thu nhập vì bán lúa giống nhiều tiền hơn gấp đôi so với lúa hàng hóa”.
Mô hình liên kết sản xuất lúa giống đã được triển khai ở huyện Long Mỹ từ năm 2014. Ban đầu, chỉ có khoảng 30ha được sản xuất theo kiểu liên kết này. Nhưng sau 1 vụ lúa Thu đông, nhiều nông dân đã nhận thấy lợi ích của mô hình tự nguyện đăng ký tham gia để cùng nhau liên kết phát triển. Đến nay, mô hình đã thu hút được gần 100 nông dân tham gia với diện tích canh tác lên đến 70ha. Mô hình bước đầu đã tạo lập được thói quen sản xuất lúa giống theo phương pháp tiên tiến mới, ứng dụng nhiều kỹ thuật khoa học. Nông dân từng bước nâng cao thu nhập, hướng đến sản xuất những giống lúa chất lượng cao cung cấp cho vùng và hướng đến thị trường xuất khẩu ngoài nước.
Ông Lâm Văn Việt, Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ, cho biết: “Thực hiện dự án, chúng tôi đã xây dựng mô hình sản xuất lúa giống cho nông dân quen dần với kỹ thuật canh tác mới. Đó là cấy mạ bằng máy. Đến đây, bà con còn được các công ty liên kết hỗ trợ 100% chi phí giống, 30% lượng phân bón/vụ lúa. Ngoài ra, các công ty còn mời các giáo sư, tiến sĩ ngành nông nghiệp, cán bộ chuyên môn của công ty đến tập huấn kiến thức khoa học, kỹ thuật mới, trình diễn máy cấy cho bà con học hỏi,...”. Không những vậy, vụ lúa Thu đông năm 2014, 30ha sản xuất lúa giống của bà con đều được công ty bao tiêu với giá cả ổn định.
Ông Mã Thanh Thống, ở xã Long Phú, chia sẻ: “Làm lúa theo kiểu liên kết này khỏi lo đầu ra, được mùa mất giá gì hết. Bởi chúng tôi đã được công ty bao giá cả nên rất yên tâm. Bây giờ, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nông dân chúng tôi là tập trung sản xuất để tăng năng suất, chất lượng lúa giống ngày càng được cao hơn nữa”.
Là một trong những đơn vị bao tiêu sản phẩm lúa giống cho bà con trong vùng, Hợp tác xã (HTX) nhân giống ấp 4, thị trấn Long Mỹ, đã phát huy được hiệu quả mối liên kết 4 nhà. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc HTX, cho biết: “Chúng tôi muốn tham gia dự án để cùng bà con nâng cao giá trị hạt lúa Hậu Giang. Bởi chúng tôi thấu hiểu nỗi vất vả của nông dân, bỏ ra nhiều nhưng thu lại thì rất ít vì gặp rất nhiều rủi ro về giá cả, đầu ra. Hơn nữa, khi vào mô hình, bà con nâng cao được kinh nghiệm, kỹ thuật trồng lúa giống. Từ đó, từng bước cải thiện thu nhập, nâng chất lượng cuộc sống cho gia đình, làm giàu cho xã hội”.
Ngoài HTX nhân giống ấp 4, thị trấn Long Mỹ, còn có Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Giống Hậu Giang, Công ty Giống cây trồng miền Nam tham gia bao tiêu sản phẩm lúa giống OM 5451, OM 4900, OM 6976 do bà con trong huyện làm ra. Thông qua các chương trình, dự án, mô hình liên kết, năm qua, các công ty đã bao tiêu cho khoảng 4.000ha đất sản xuất lúa cho bà con trên tổng số 27.000ha của toàn huyện. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp và bà con nông dân làm lúa của địa phương.
Ông Lê Hồng Việt, Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, nhận định: “Tham gia mô hình nông dân sẽ được hỗ trợ rất nhiều từ quy trình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn cho xuất khẩu như quản lý dịch hại, sâu bệnh,... Hơn nữa, mô hình còn hướng nông dân đến liên kết sản xuất, tập hợp thành tổ nhóm có tổ chức để hỗ trợ nhau, từng bước giúp nhau tiến bộ. Có thể nói, bước đầu đã đạt được những kết quả như trên là rất phấn khởi. Từ đây, ngành nông nghiệp huyện sẽ có cơ sở để tiếp tục nhân rộng, phát triển mô hình ra toàn huyện. Mục tiêu cuối cùng là giúp nông dân sống tốt với nghiệp lúa, nâng cao đời sống kinh tế, làm giàu cho tỉnh nông nghiệp Hậu Giang”.
Có thể nhận thấy, liên kết 4 nhà trong sản xuất lúa đã bước đầu tạo được sức mạnh lớn, mang lại nhiều lợi ích, niềm vui cho nhiều phía. Theo ông Lâm Văn Việt, Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, trong đầu tháng 9-2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ hỗ trợ 3 máy cấy mạ cho huyện Long Mỹ thực hiện dự án, thu hút nhiều nông dân tham gia. Để từ đó, mô hình sản xuất lúa giống chất lượng ở huyện phát huy hơn nữa, giải phóng sức lao động cho nông dân, hạt lúa Hậu Giang không ngừng được nâng cao năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Đợt rầy này đang nở trên lúa thu đông trong giai đoạn đứng cái, trỗ đòng. Mật số rầy trung bình 1.500 - 3.000 con/m2, có nơi mật số cao 6.000 - 7.000 con/m2, cá biệt một số nơi lên đến hơn 10.000 con/m2.
Mô hình nuôi tôm càng xanh huyện Tam Nông dần mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhiều địa phương nhân rộng. Tuy nhiên, trong 2 năm nay chất lượng nguồn tôm giống đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, năng suất sau thu hoạch. Vì vậy, nhu cầu có trạm cung cấp giống chất lượng là chất xúc tác mạnh để mô hình giàu tiềm năng tiếp tục phát huy hiệu quả...
Nếu có dịp tham quan Vịnh Hạ Long, du khách hãy thử một lần theo tàu ra thăm ngư trường nuôi trai cấy ngọc trên biển Hạ Long (nằm ở khu vực gần hang Bồ Hòn), chắc chắn bạn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng thích thú bởi không chỉ vì cảnh đẹp nơi này mà còn có cơ hội tìm hiểu thêm về công việc nuôi trai cấy ngọc...
Hiện giá lợn hơi chỉ còn trên dưới 37.000 đồng/kg, trung bình người chăn nuôi lỗ gần 10.000 đồng/kg lợn hơi. Đối với gà lông, giá cũng giảm từ 10.000 đồng tới 12.000 đồng/kg. Giá sản phẩm chăn nuôi của chúng ta đang thấp hơn Thái Lan từ 5000 - 6000 đ/kg; Trung Quốc gần 10.000 đ/kg.
Mô hình nuôi sò huyết luân canh trong vuông tôm được ông Lâm Văn Liêm, ấp Công Điền, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) áp dụng thành công. Từ mô hình này, nhiều hộ dân tham quan học hỏi và áp dụng.