Lưu ý nuôi thủy sản mùa đông
Hỏi: Những yêu cầu của ao nuôi cá mùa vào mùa đông?
(Nguyễn Văn Nhiệm, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình)
Trả lời:
Ao nuôi thủy sản mùa đông cần chọn nơi kín gió, có diện tích từ 500 – 1.000 m2, ao có hình chữ nhật, hướng Bắc – Nam. Có nguồn nước sạch, cấp và thoát nước dễ dàng, dễ gây màu, chất đáy tốt. Bờ ao phải chắc chắn, không để bờ ao rò rỉ làm cạn nước, luôn giữ mực nước trong ao > 1,5 m, tốt nhất là từ 2 – 2,5 m. Các yếu tố thủy lý, thủy hóa ao nuôi phù hợp với sự phát triển của các đối tượng nuôi: pH >7, ôxy hoà tan >5 mg/l. Trước mùa đông thường thu hoạch hết cá giống, cá thịt phân loại để lưu giữa và nuôi qua đông. Vì vậy, sau khi thu hoạch cần tát cạn nước ao, vét bớt bùn đáy, chỉ để lại một lớp bùn sâu 15 – 20 m. Tu sửa bờ ao, cống và xử lý bằng vôi bột, liều lượng 8 – 10 kg/100 m2. Sau đó, cấp nước vào ao.
Hỏi: Hướng dẫn cách chăm sóc cá vụ đông?
(Phạm Xuân Soái, xã Đại Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương)
Trả lời:
Vào mùa đông, nên giữ độ sâu mực nước ao nuôi 1,5 – 2 m để ổn định nhiệt độ môi trường. Mặt ao thả bèo tây, khoảng 2/3 diện tích ao được ngăn lại tránh tản đều khắp ao hoặc trồng chuối theo hàng về phía Bắc để chắn gió. Đối với những ao nuôi có diện tích nhỏ, bể nuôi lưu giữ cá thì làm giàn trên mặt ao, bể và che phủ bằng bạt nilon để tăng khả năng giữ nhiệt độ. Trong quá trình nuôi, cho ăn theo “4 định”: định chất lượng thức ăn, định số lượng thức ăn, định vị trí cho ăn, định thời gian cho ăn. Phòng bệnh cho cá định kỳ 1 tháng/lần bằng các loại thuốc phòng theo hướng dẫn cụ thể trên bao bì. Khi nước ao bị ô nhiễm, sử dụng các loại chế phẩm sinh học làm sạch nước cho ao nuôi. Trong suốt thời gian trú đông, tuyệt đối không được dùng lưới, các loại phương tiện đánh bắt cá, tránh cá bị xây xát dẫn đến bị nhiễm bệnh và chết. Sử dụng các loại thức ăn có hàm lượng protein cao >30%, dễ tiêu hóa để cho cá ăn nhằm tăng cường sức đề kháng giúp cá sinh trưởng, phát triển tốt. Bổ sung men vi sinh dùng để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột. Liều lượng sử dụng 0,5 – 1 g/kg thức ăn, cho động vật thủy sản ăn suốt trong vụ nuôi; Vitamin C liều lượng 50 – 60 mg/kg thức ăn/ngày. Đặc biệt, cần chuẩn bị đủ vật tư, nguyên nhiên vật liệu chủ động cho phòng chống rét cho cá. Thường xuyên thăm kiểm tra ao nuôi hàng ngày để phát hiện những biểu hiện bất thường để có biện pháp điều chỉnh cho hợp lý.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi cua kết hợp tôm sú vẫn có hiệu suất đầu tư đạt lợi nhuận cao đối với con tôm là trên 55%, cua là 60%. Mô hình được xem là mang tính bền vững
Cá chép kém ăn, bơi lội chậm, không định hướng, gầy yếu. Bắt cá lên quan sát thấy có vết màu đỏ trên cơ thể. Hỏi đây là bệnh gì và biện pháp chữa trị ra sao?
Sức khỏe đường ruột luôn được coi là tâm điểm của ngành NTTS tại nhiều quốc gia. Do đó, các phương pháp tránh viêm nhiễm đường ruột là nhiệm vụ hàng đầu