Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Lưu ý khi sử dụng chế phẩm sinh học

Lưu ý khi sử dụng chế phẩm sinh học
Tác giả: Ban KHKT
Ngày đăng: 27/02/2021

Hỏi: Hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm sinh học trước khi thả tôm giống? (Nguyễn Thắng Lợi, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp)

Trả lời:

Việc sử dụng chế phẩm sinh học trước khi thả giống là cần thiết, bởi khi đưa vi sinh vật có lợi vào môi trường ngay từ đầu sẽ giúp chúng phát triển và hạn chế vi sinh vật có hại. Mặt khác, góp phần ổn định môi trường nước trong thời gian nuôi, giúp tôm sinh trưởng và phát triển nhanh. Sau khi lấy nước đầy ao khoảng 7 – 10 ngày, tiến hành sử dụng chế phẩm sinh học liều cao gấp 2 – 3 lần của nhà sản xuất, thời gian sử dụng vào lúc trời nắng. Mục tiêu sử dụng lần đầu với liều cao là giúp cho vi sinh vật phân hủy các chất cặn bã, khí độc còn sót lại sau khi đã qua lắng lọc. Trước khi thả giống 2 – 3 ngày sử dụng theo liều dùng của nhà sản xuất để nâng cao ổn định chất lượng nước và tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển, hạn chế phát triển của vi sinh vật có hại. Đồng thời, kết hợp bón phân để gây màu, sử dụng khoáng chất giúp ổn định môi trường.

Hỏi: Nguyên tắc sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản? (Ông Huỳnh Văn Thảo, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau)

Trả lời:

Không sử dụng chế phẩm vi sinh đồng thời với kháng sinh và hóa chất diệt khuẩn;

Sử dụng đúng liều lượng, không nên theo quan niệm sử dụng càng nhiều càng tốt;

Chế phẩm sinh học dạng bột nên dùng nước của ao nuôi hòa tan có thể bổ sung thêm mật rỉ đường, sục khí mạnh 2 – 4 giờ trước khi sử dụng để gia tăng sinh khối vi khuẩn;

Chế phẩm sinh học dạng nước nên ủ yếm khí để gia tăng sinh khối trước khi sử dụng;

Thời gian xử lý chế phẩm sinh học tốt nhất vào khoảng 8 – 10 giờ sáng, lúc nắng ấm, trời trong và hàm lượng ôxy hòa tan cao;

Cần định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để duy trì mật độ vi khuẩn thích hợp nhằm kiểm soát sinh học môi trường nước và đáy ao, ổn định các yếu tố môi trường, ngăn ngừa các loài vi khuẩn gây bệnh, tảo độc và mầm bệnh tiềm tàng trong ao;

Một số chế phẩm sinh học cần phải nuôi cấy để tăng số lượng vi khuẩn, cần nuôi cấy yếm khí để tránh tạp nhiễm. Một số chế phẩm sinh học có mật độ vi khuẩn cao không cần nuôi cấy tăng sinh khối có thể sử dụng trực tiếp vào ao nuôi. Tuy nhiên, cần hòa vào nước và sục khí mạnh vài giờ trước khi tạt vào ao nuôi;

Nên bảo quản chế phẩm sinh học tránh nơi có ánh nắng trực tiếp vì sẽ làm chết các vi sinh vật có lợi trong chế phẩm sinh học. Nếu sử dụng không hết thì nên gói kỹ phần còn lại nhằm tránh ẩm sản phẩm bị đóng cục.


Có thể bạn quan tâm

Lộ trình mới cho ngành tôm bền vững Lộ trình mới cho ngành tôm bền vững

Năm 2020, WWF công bố các hướng dẫn mới nhằm đảm bảo thực hành xã hội và môi trường tốt hơn trong chuỗi cung ứng tôm nuôi toàn cầu.

26/02/2021
Hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông tại Thanh Hóa Hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông tại Thanh Hóa

Thời tiết mùa đông giá lạnh gây ra nhiều khó khăn trong nuôi trồng thủy sản, nhưng nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đầu tư nhà bạt để nuôi tôm thẻ chân trắng

26/02/2021
Xử lý bệnh nấm ở cá cảnh Xử lý bệnh nấm ở cá cảnh

Nhiễm nấm là một trong những bệnh phổ biến thường thấy ở cá cảnh. Khi bị bệnh nặng mà không được điều trị cá sẽ yếu dần và chết, ảnh hưởng đến kinh tế

27/02/2021