Trang chủ / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Lưu ý khi điều trị bệnh sữa cho tôm hùm

Lưu ý khi điều trị bệnh sữa cho tôm hùm
Ngày đăng: 24/07/2015

Bệnh sữa còn được gọi là bệnh tôm sữa, bệnh đục thân (Milky hemolymph disease of spiny lobsters), do vi khuẩn ký sinh nội bào giống như Rickettsia (Rickettsia like bacteria – RLB) gây ra.

Bệnh sữa thường xuất hiện từ tháng 4, bùng phát mạnh vào giữa mùa mưa (tháng 9 – 10). Khi tôm bị bệnh có một số biểu hiện: tôm hoạt động kém, ít phản ứng với tác động xung quanh; giảm ăn hoặc bỏ ăn hoàn toàn. Sau 3 – 5 ngày bị nhiễm bệnh, các đốt ở phần bụng tôm chuyển màu từ trắng trong sang trắng đục. Tôm thường chết sau khi nhiễm bệnh 9 – 12 ngày. Tôm bị bệnh chết rải rác hoặc chết hàng loạt; tỷ lệ chết đến hơn 70%.

Cách phòng ngừa

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, cần đáp ứng nhiều yêu cầu kỹ thuật:

Địa điểm nuôi: chỉ nuôi tôm hùm trong vùng quy hoạch của địa phương. Nơi đặt lồng nuôi các xa cửa sông, tránh nước ngọt từ sông đổ ra làm giảm độ mặn, gây sốc tôm hoặc nước sông bị ô nhiễm, chứa chất độc hại. Lồng nuôi phải được đặt ở nơi có độ sâu tối thiểu khi triều thấp là 4 m đối với lồng găm hoặc 4 – 8 m đối với lồng nổi. Đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các lồng nuôi cùng một bè là một mét.

Chọn và thả giống: Chọn tôm hùm giống có chất lượng tốt. Đặc biệt thời gian lưu giữ giống từ thời điểm khai thác ở biển đến thời điểm thả ương nuôi không quá 48 giờ. Khi thả giống, tránh để giống bị sốc nhiệt độ, độ mặn.

Phòng bệnh: Thức ăn tươi, được bảo quản tốt, được sát trùng (có thể ngâm thuốc tím nồng độ 3 – 5 mg/l) trước khi cho tôm ăn. Bổ sung premix (các loại vitamin, trong đó có Vitamin C, axit amin, khoáng chất), men tiêu hóa, trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.

Thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm, loại bỏ cá thể yếu, vỏ lột xác và thức ăn thừa sau 2 – 3 giờ cho ăn để hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh, làm ô nhiễm cục bộ nền đáy và điều chỉnh lượng thức ăn vừa đủ. Định kỳ vệ sinh lồng nuôi, tránh bị rong rêu bám làm bít lỗ lưới.

Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có tôm bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh, nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Trong quá trình thao tác đánh bắt, phân cỡ đàn tôm cần nhẹ nhàng, tránh xây xát cho tôm. Nếu để tôm bị tổn thương thì vi sinh vật gây bệnh sẵn có trong môi trường dễ xâm nhập cơ thể qua vùng tổn thương này.

Lưu ý

Bệnh sữa có thể điều trị theo cách tiêm hoặc trộn vào thức ăn cho tôm, kết hợp với chăm sóc quản lý môi trường. Khi điều trị cho tôm hùm cần lưu ý:

– Nhằm tăng cường sức khỏe cho tôm hùm, cần bổ sung một số men, vitamin và thức ăn. Liều lượng thuốc bổ trợ theo hướng dẫn của cơ quan có quản lý thú y hoặc của nhà sản xuất, bác sĩ thú y, kỹ sư nuôi trồng thủy sản.

Cách trộn: Sau khi tính được lượng thức ăn cho tôm thì trộn đều thuốc bổ trợ với thức ăn, để khoảng 30 phút; sau đó cho chất bọc thuốc và trộn đều lại lần nữa trước khi cho ăn.

Cách cho ăn: Cho thức ăn vào túi hoặc vợt thả xuống đáy lồng; sau đó rải thức ăn ra đáy lồng cho tôm ăn. Cho ăn lúc chiều tối.

– Sử dụng thuốc và hóa chất trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam. Không dùng thuốc trôi nổi trên thị trường, thuốc nguyên liệu, không nhãn mác, không có thông số kỹ thuật, thành phần, liều lượng sử dụng. Không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi cũng như trong điều trị bệnh.

Cùng đó, người nuôi cần tăng cường quản lý, chăm sóc, kiểm tra, theo dõi, giám sát sức khỏe tôm trong quá trình nuôi. Trong quá trình tiêm tôm, tiến hành lọc và tách riêng những con tôm bị bệnh sữa ra một lồng riêng.

Thuốc sau khi pha được sử dụng hết trong ngày (bảo quản nơi mát, trong hộp hoặc túi tối màu, tránh nắng). Điều trị phải theo đúng quy trình. Tránh tình trạng, vì thấy tôm chết mà tăng liều hoặc điều trị không đúng phác đồ.

Tags: dieu tri benh sua cho tom hum, ky thuat nuoi tom hum, tom hum, tri benh o tom, nuoi thuy san


Có thể bạn quan tâm