Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Lưu Ý Gieo Sạ Lúa Mùa

Lưu Ý Gieo Sạ Lúa Mùa
Ngày đăng: 19/07/2013

Gieo sạ lúa ở miền Bắc hiện nay đã và đang là một tiến bộ trong sản xuất, diện tích gieo sạ không ngừng tăng lên ở các vụ.

Sở dĩ như vậy là do gieo sạ có những ưu điểm vượt trội so với lúa cấy như: Đơn giản hóa việc gieo trồng lúa, giảm sức lao động và chi phí sản xuất. Hơn nữa lại rút ngắn thời gian sinh trưởng và năng suất tăng hơn so với lúa cấy. Gieo sạ bao gồm dùng công cụ kéo tay bằng giàn kéo, gieo vãi tay.

Vụ mùa năm 2011 ở vùng ĐBSH sẽ diễn ra chậm hơn so với cùng thời kỳ này hàng năm. Để tránh những diễn biến thời tiết hết sức phức tạp như mưa bão, gió lớn..., thời vụ gấp gáp, bà con nông dân nên áp dụng hình thức gieo sạ nhằm tranh thủ đảm bảo thời vụ, rút ngắn thời gian sinh trưởng.

Khi áp dụng hình thức gieo sạ cần chú ý một số lưu ý sau:

- Ngay sau khi gặt xong lúa xuân thì phải cày lật đất ngay, kết hợp với bón 10 – 15kg vôi bột/sào để gốc rạ phân hủy nhanh, không phát sinh bệnh vàng lá nghẹt rễ sau này. Nếu ruộng dùng cày máy cần dùng máy có bánh lồng vùi gốc rạ cho nát trước khi bón vôi, cày lật đất để gốc rạ chóng phân hủy; nếu ruộng dùng sức kéo của trâu bò cần cắt ngắn gốc rạ trước khi cày lật đất nhằm cho gốc rạ nhanh chóng phân hủy.

- Do vụ mùa thường hay có những đợt nắng nóng xen kẽ với mưa bão, bà con cần theo dõi diễn biến thời tiết hàng ngày để chủ động bố trí thời điểm gieo cho phù hợp. Sau khi gieo phải giữ nước ở rãnh, đắp trổ lại đề phòng gặp mưa to mống không bị trôi. Nếu sau khi gieo gặp mưa to không được tháo nước ra khỏi ruộng ngay mà phải đắp trổ rồi tháo nước từ từ ra khỏi ruộng để mống hạt không bị trôi dạt.

- Bà con nên liên kết với nhau, khoanh vùng thành nơi tập trung, gieo cùng một giống, cùng thời điểm để tiện cho việc tưới tiêu, tiết kiệm lượng giống gieo cũng như chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

- Ngâm ủ đúng kỹ thuật, cần điều khiển mầm dài hơn rễ để khi gieo xuống đất rễ bám ngay vào đất bằng cách sau: khi hạt nhú gai dứa trộn với tro bếp hoai mục (10kg giống trộn với 0,3kg – 0,5kg tro bếp trong khoảng 10 – 15 phút, sau đó rửa sạch, tiếp tục ủ) sẽ kích thích mầm dài hơn rễ. Khi mầm dài 1/3 – ½ hạt thóc thì đem gieo.

- Cần làm đất kỹ, phẳng như làm đất đối với gieo mạ để khi gieo xuống không tạo vùng trũng quanh ruộng khi nắng to mống lúa dễ bị chết. Đối với ruộng đất cát pha, chân vàn cao làm đất xong nên gieo ngay.

- Cần gieo thưa lượng giống (khoảng 0,8 – 1,5kg/sào Bắc bộ), lúa sạ sẽ đẻ khỏe và sinh trưởng nhanh. Nếu gieo mau 3 – 4kg/sào sau này mật độ lúa sẽ dày, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, đặc biệt là rầy nâu. Mặt khác bông lúa sẽ ngắn, năng suất sẽ bị ảnh hưởng.

- Đối với lúa sạ bằng tay, cần chia các băng hoặc luống sẽ thuận lợi cho việc chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, mật độ lúa sẽ được đồng đều. Ví dụ: Nếu dùng lượng giống là 1,2kg/sào thì có thể chia làm 4 luống đồng thời chia lượng giống làm 4 phần bằng nhau (0,3kg/luống). Gieo hết lượng giống của luống này rồi chuyển sang luống khác thì hạt giống sẽ đồng đều, không tốn công tỉa dặm.

- Phun thuốc trừ cỏ tuần theo nguyên tắc 4 đúng; nên dùng Sofit 300EC của Công ty Syngenta hoặc Prefit 300EC của công ty CP BVTV 1 trung ương, thuốc có chất an toàn cho lúa, phun thuốc sau khi gieo sạ từ 0- 3 ngày. Sau khi phun phải giữ nước ở rãnh để đảm bảo ruộng luôn đủ ẩm, không để nứt nẻ ít nhất trong vòng 1 tuần. Nếu sau khi phun gặp mưa phải giữ nước, sau 24 giờ thì tháo nước từ từ để không ảnh hưởng đến hiệu lực của thuốc.

- Điều tiết chế độ tưới tiêu nước hợp lý, bón phân cân đối, bón tăng kali và giảm lượng đạm so với lúa cấy từ 10 – 15%. Thời kỳ đầu cây mạ phát triển chậm nên trong vòng 10 ngày đầu bà con nông dân không nên lo lắng, từ giai đoạn từ đẻ nhánh trở đi lúa gieo sạ sẽ phát triển nhanh hơn lúa cấy.


Có thể bạn quan tâm

Một Số Vấn Đề Cần Quan Tâm Trong Sử Dụng Phân Bón Cho Cây Lúa Một Số Vấn Đề Cần Quan Tâm Trong Sử Dụng Phân Bón Cho Cây Lúa

Cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng, cần sử dụng 16 nguyên tố, C, H, O chiếm cao và có trong tự nhiên. Còn lại 13 nguyên tố cần phải bổ sung

17/07/2013
Phòng Trừ Sâu Đục Thân Bướm 2 Chấm Hại Lúa Vụ Mùa Phòng Trừ Sâu Đục Thân Bướm 2 Chấm Hại Lúa Vụ Mùa

Tên khoa học: Scirpophaga incertulas Walker. Là loại sâu hại chính gây hại trên lúa, ở vụ xuân gây hại chủ yếu trên trà xuân muộn, vụ mùa gây hại hầu hết các trà lúa đặc biệt trà lúa mùa trung, chính vụ và mùa muộn.

18/07/2013
Kỹ Thuật Chọn Giống Lúa Khỏe Cho Đồng Ruộng Kỹ Thuật Chọn Giống Lúa Khỏe Cho Đồng Ruộng

Trong việc sản xuất lúa, Ông Bà ta thường nói câu: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Qua câu nói này cho thấy yếu tố giống là một trong những yếu tố quan trọng trong sản xuất lúa.

18/07/2013
Bón Vôi Đúng Cách Cho Lúa Mùa Bón Vôi Đúng Cách Cho Lúa Mùa

Trong môi trường đất chua nhiều loại vi sinh vật có hại (vi sinh vật háo khí) sinh trưởng mạnh, trong quá trình sinh trưởng chúng thải ra nhiều chất độc hại, hút nhiều khí oxy của đất làm cho rễ lúa bị ngộ độc, thiếu oxy nên kém phát triển.

19/07/2013
Chăm Sóc Và Quản Lý Ruộng Mạ Chăm Sóc Và Quản Lý Ruộng Mạ

Ở thời kỳ mạ non (từ gieo đến 3lá), mặt luống cần được giữ ẩm để rễ phát triển thuận lợi. Khi mạ có 4 lá đến nhổ cấy tùy theo thời tiết và sinh trưởng của mạ để quyết định chế độ tưới nước. Khi cần chỉ tưới nước vào rãnh để luống mạ đủ ẩm. Trước khi nhổ có thể tưới trước 5-7 ngày cho đất mềm, dễ nhổ, tránh đứt rễ.

19/07/2013