Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Luân canh lúa - màu, hướng làm giàu bền vững cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười

Luân canh lúa - màu, hướng làm giàu bền vững cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười
Tác giả: Minh Trí
Ngày đăng: 10/09/2018

Chuyển đổi sản xuất trên vùng Đồng Tháp Mười theo hướng phá thế độc canh, đưa cây màu xuống chân ruộng là phương thức sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao của nông dân Bùi Văn Tiếp, sinh năm 1966, ngụ tại xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy (Tiền Giang). Mô hình này đang được địa phương khuyến khích áp dụng nhằm giải quyết hợp lý cơ cấu mùa vụ, cây trồng, giúp tăng thu nhập cho kinh tế hộ ở những địa bàn nông thôn còn nhiều khó khăn. 

Nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, nông dân (Tiền Giang) đang tích cực chuyển đổi cây trồng theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa ba vụ/năm, thay vào đó đưa cây màu xuống luân canh trên chân ruộng. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Ông Bùi Văn Tiếp cho biết, gia đình ông có  2,7 ha đất canh tác. Ông bắt đầu đưa cây màu xuống trồng luân canh trên chân ruộng theo cơ cấu 2 lúa và 1 màu từ năm 2005 và duy trì liên tục đến nay đã được 13 năm. Cây màu chủ lực là dưa hấu được ông chọn đưa xuống trồng trên chân ruộng bởi loại cây này dễ trồng, năng suất cao và "đầu ra" thuận lợi. Lý do chuyển đổi theo mô hình luân canh lúa - màu là bởi qua thực tiễn canh tác ông Tiếp nhận thấy trồng lúa độc canh gặp nhiều hạn chế như sâu bệnh phức tạp, đất giảm độ phì nhiêu, "đầu ra" cây lúa bấp bênh, lợi nhuận thu được thấp.

Tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, chuyển giao kỹ thuật canh tác do ngành chức năng và cán bộ khuyến nông, các cấp Hội Nông dân tổ chức, ông Tiếp đã nắm vững các kỹ thuật canh tác tiên tiến, khoa học, hiệu quả. Nhận thấy lợi ích từ những mô hình đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi như: Lúa - màu, vườn - ao - chuồng, vườn - ao - chuồng - rừng…, ông đã mạnh dạn ứng dụng trong quá trình canh tác.

Tùy theo nhu cầu thị trường và dự đoán về giá cả tiêu thụ cũng như giúp tăng độ phì nhiêu của đất canh tác, có năm, ông Tiếp trồng dưa hấu trong vụ Đông Xuân, hai vụ còn lại ông trồng lúa năng suất cao. Năm sau, ông thay đổi, trồng dưa hấu vụ Xuân Hè, các vụ còn lại trong năm trồng lúa năng suất cao.

Đối với trồng lúa, tiếp thu những kiến thức nông học do cán bộ khuyến nông chuyển giao, ông Tiếp áp dụng quy trình canh tác theo các kỹ thuật  "3 giảm, 3 tăng"( 3 giảm là: giảm lượng phân bón, giảm giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu; 3 tăng là: tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo và tăng hiệu quả kinh tế); trong đó, đầu vụ bón phân đảm bảo sự tăng trưởng cho cây lúa còn cuối vụ giảm, chỉ bón ít phân, vừa đủ để đón đòng và chắc hạt.

Đặc biệt, ông Tiếp chú trọng giảm lượng giống gieo sạ từ mức 20 kg/công đất trước đây xuống chỉ còn tối đa 12 kg/công đất (1.000 m2). Cách làm này đã giúp ông giảm được chi phí sản xuất, giảm sâu bệnh và nâng cao chất lượng hạt lúa.

Trước đây, ông Tiếp bón nhiều phân đạm trong quá trình canh tác. Nay ông đã quan tâm bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali kết hợp cùng các biện pháp thâm canh khoa học khác giúp tăng năng suất lúa từ 60 - 65 tạ/ha lên 80 - 81 tạ/ha.

Đối với cây dưa hấu, ông quan tâm chọn giống tốt, học hỏi kỹ thuật canh tác qua các kênh: thông tin đại chúng, cán bộ khuyến nông, tài liệu tuyên truyền kết hợp nông dân đi trước chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. Xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, quê ông vốn một phần của Đồng Tháp Mười nay mới được khai phá, cải tạo, rất phù hợp với việc trồng cây dưa hấu. Nhờ siêng năng, cần cù, chịu khó và nhạy bén nắm bắt kiến thức khoa học áp dụng vào sản xuất nên ông giành thắng lợi. Ruộng dưa năm nào cũng phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh, năng suất từ 20 - 25 tấn/ha.

Mô hình luân canh lúa - dưa hấu cho gia đình ông Bùi Văn Tiếp thu lãi ròng gần 300 triệu đồng mỗi năm. Ông Tiếp cho biết, nhờ thực hiện mô hình canh tác mới mà gia đình ông có thu nhập hàng năm cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa độc canh. Từ một nông dân nghèo khó, sau vài năm chuyển đổi sản xuất, nay ông Tiếp đã tạo dựng cơ nghiệp vững vàng, xây dựng nhà cửa khang trang và mua sắm đầy đủ tiện nghi cần thiết phục vụ đời sống, con cái ông được học hành thuận lợi.

Ông Trà Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc cho biết, mô hình canh tác của ông Tiếp có sức lan tỏa, được địa phương khuyến khích nhân rộng trong nông dân. Hiện nay, diện tích canh tác lúa - dưa tại Thạnh Lộc đã được mở rộng lên hàng trăm ha, mở ra hướng làm giàu bền vững cho nông dân miền đất khó Đồng Tháp Mười.

Theo bà Trần Thị Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, trong 6 tháng đầu năm 2018, nông dân ở địa phương đã trồng được gần 2.000 ha màu luân canh dưới chân ruộng, trong đó diện tích trồng dưa hấu lên đến 1.076 ha.

Ông Lý Văn Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy đánh giá cao mô hình luân canh lúa - dưa và tính năng động, nhạy bén của nông dân Bùi Văn Tiếp. Mô hình này đã góp phần phá thế độc canh cây lúa gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Năm năm liền, ông Bùi Văn Tiếp được trao tặng danh hiệu nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu tỉnh Tiền Giang.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi gà tre gia công hiệu quả cao Nuôi gà tre gia công hiệu quả cao

Với sức đề kháng cao, chất lượng thịt tốt, giá cả và nhu cầu thị trường ổn định, gà tre đang ngày càng chứng tỏ là vật nuôi tiềm năng

10/09/2018
Dinh dưỡng cho đàn bò mùa hạn mặn Dinh dưỡng cho đàn bò mùa hạn mặn

Nuôi bò sữa đang là tiềm năng và thế mạnh của huyện Ba Tri, giúp nông dân có thu nhập ổn định.

10/09/2018
Dám nghĩ, dám làm mới vươn lên làm giàu được Dám nghĩ, dám làm mới vươn lên làm giàu được

Chị Bùi Thị Sen (SN 1982), ở thôn 3, xã Trúc Sơn (Cư Jút) đã nỗ lực vươn lên làm giàu, trở thành những tấm gương sáng trong phát triển kinh tế.

10/09/2018