Lúa, hoa màu, tan nát vì tôm bay
Ông Lò Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Mường Lạn thốt lên: “Sợ châu chấu hơn cả thú dữ rồi”.
“Lâu nay, hàng chục cán bộ của chi cục chúng tôi phối hợp cùng lực lượng khuyến nông, kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp huyện và cán bộ, người dân trong xã để tiêu diệt châu chấu. Chúng tôi ăn ở tại đây đã nhiều ngày nhưng đàn châu chấu di cư không cần hộ chiếu nên rất khó kiểm soát” – ông Phạm Văn Hùng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, bảo vậy.
Từ “hứng thú” đến “hoảng sợ”
Nếu được phép, chúng tôi sẽ phối hợp với bên phía bạn Lào để cùng diệt châu chấu. Loại côn trùng này cần phải diệt tận gốc, nếu không thì chúng sẽ đe dọa những địa bàn tiếp theo”.
Ông Dương Gia Định
Châu chấu – loài vật phá hại mùa màng, là “ác nhân” của nông nghiệp, trong nhiều năm qua từng được dân nhậu vùng cao đưa lên hàng đặc sản với tên gọi “tôm bay”. Không chỉ có mặt trong thực đơn của nhiều nhà hàng với món “tôm bay chiên giòn với xả, ớt, lá chanh”, trong bữa ăn hàng ngày từ tháng 4 đến tháng 8 của nông dân vùng cao, người ta cũng thường thấy món châu chấu rang.
Việc đưa châu chấu vào danh sách thực phẩm không chỉ góp phần đảm bảo mùa màng mà con đẩy giá châu chấu lên tới cả trăm ngàn đồng 1kg. Châu chấu trở thành nguồn hiếm.
Thế nhưng từ cuối năm 2015 đến nay, tại xã Mường Lạn, “tôm bay” đang trở thành nỗi lo lắng của chính quyền và người dân. Chỉ sau một vài ngày con người và gia cầm ở đây hào hứng biến đàn châu chấu thành thực phẩm thì họ mới giật mình: Lũ châu chấu phá hại mùa màng và cây cối ghê gớm. Chỗ nào chúng đi qua là cây cỏ trơ trụi.
Ông Giàng Pả Tủa - Phó Chủ tịch UBND xã lắc đầu: Chúng tôi đã bắt cả bao tải, tìm nhiều cách diệt nhưng không hiệu quả. Nhà nước cũng đưa cán bộ, thuốc diệt côn trùng, máy phun thuốc vào đây hướng dẫn, huy động bà con tham gia diệt châu chấu cả tháng trời nhưng đến nay nó chỉ giảm ở chỗ này nhưng lại tăng ở chỗ khác. Các vườn ngô, ý dĩ, thảo quả, lúa nước, lúa nương, cây rừng đều thành thức ăn của châu chấu.
Mức độ thiệt hại ngày càng tăng
Theo số liệu báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, đến chiều ngày 7.7, diện tích đất nông – lâm nghiệp tại xã Mường Lạn bị châu chấu tàn phá đã lên tới 879ha, trong đó tập trung tại 9 bản biên giới Việt – Lào với 652ha rừng và 227ha đất nông nghiệp. Mật độ châu chấu/m2 thay đổi theo từng thời điểm bởi đặc tính di cư, nhưng lúc cao nhất lên tới 300 con, cá biệt tới 2.000 con/m2.
Một số diện tích nương lúa ở bản Nà Vạc bị châu chấu ăn cụt hết ngọn. Ảnh: K.T
Dù chi cục đã phối hợp với lực lượng chức năng và bà con trong xã tập trung tiêu diệt châu chấu trong 2 tháng qua nhưng mức độ thiệt hại và diện tích ảnh hưởng không ngừng tăng lên. Theo đánh giá của lực lượng chức năng, châu chấu sẽ còn tiếp tục hoành hành trong 2-3 tháng nữa và sẽ sinh đẻ, tạo trứng, gây nguy hiểm cho điều kiện sản xuất và đời sống của người dân trong những năm tiếp theo nếu như không có biện pháp dập dịch hữu hiệu.
Ông Dương Gia Định - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La cho biết thêm: Diện tích bị hại mới chưa đến 900ha chứ chưa phải 9.000ha như một số báo đã đưa tin bởi chúng tôi liên tục có cán bộ bám sát địa bàn và tính toán. Không phải đến bây giờ mà ngay từ năm 2015, khi châu chấu mới xuất hiện tại 3 bản của xã Mường Lạn, chi cục đã cử cán bộ vào điều tra và hướng dẫn cơ sở diệt đàn châu chấu.
Mặt khác chi cục cũng tham khảo ý kiến của các chuyên gia về lĩnh vực bảo vệ thực vật để có thêm biện pháp xử lý tình huống. Ngay trong 3 tháng đầu năm nay, khi châu chấu xuất hiện nhiều, chi cục đã cử 20 cán bộ bám sát địa bàn để giúp người dân đảm bảo mùa màng. Về cơ bản, những diện tích cây lương thực của dân vẫn được tập trung để đảm bảo không mất mùa dù năng suất có bị ảnh hưởng. Còn với cây rừng thì mới chỉ tiêu diệt được những đàn châu chấu cũ nhưng chúng liên tục tăng thêm những đàn mới.
Đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La và huyện đã tổ chức cùng người dân xã Mường Lạn phun thuốc diệt châu chấu tới 3 đợt, diện tích bao trùm lên tới 991ha, tiêu diệt cả triệu con. Tuy vậy, nguồn châu chấu là từ bên phía nước bạn Lào bay sang nên rất khó dập hẳn. “Bên đó nạn châu chấu đã tàn phá 3 năm nay và các tổ chức quốc tế đã phải tài trợ để đảm bảo đời sống của người dân bị mất mùa. Chúng tôi đang xây dựng phương án mua máy phun thuốc áp lực cao để cấp cho cơ sở, phun diệt những đàn châu chấu dày đặc bám trên cây rừng cao tới chục mét, hoặc ngăn chặn, đón diệt những đàn châu chấu khi chúng đang bay di cư sang đất mình” - ông Định nói.
Có thể bạn quan tâm
Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp “Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý" cho 2 sản phẩm chôm chôm Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Không chỉ nỗ lực vận động, xây dựng, phát triển nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội ND thị trấn Long Điền, huyện Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu) còn hướng dẫn hội viên sử dụng hiệu quả đồng vốn.
Do giá cả vẫn được duy trì ở mức cao, việc phá bỏ cà phê, cao su để trồng hồ tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn diễn ra rầm rộ. Phong trào “nhà nhà đua nhau trồng tiêu” đã khiến giá tiêu giống (cành ác) năm nay vọt lên tới 35.000 đồng/dây.