Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Lựa chọn và quản lý thức ăn cho tôm nuôi

Lựa chọn và quản lý thức ăn cho tôm nuôi
Tác giả: Diệu Châu
Ngày đăng: 31/08/2017

Thức ăn tôm chiếm 40 - 70% chi phí sản xuất. Nếu không lựa chọn và quản lý kỹ thức ăn cho tôm, rất dễ dẫn đến tình trạng ô nhiễm trong ao nuôi. Quản lý thức ăn là bao gồm lựa chọn, đánh giá và chấp nhận thức ăn về ao; cho ăn; lưu trữ và bảo quản thức ăn.

Lựa chọn thức ăn phù hợp với từng giai đoạn của tôm giúp nâng cao hiệu quả sản xuất Ảnh: VM 

Lựa chọn và đánh giá thức ăn

Thức ăn phù hợp là loại thức ăn đáp ứng được tất cả nhu cầu dinh dưỡng của tôm, bao gồm protein, lipid, vitamin, khoáng… Nhu cầu dinh dưỡng của từng loài cũng khác nhau, nhu cầu protein của tôm sú (40 - 45%) cao hơn tôm thẻ chân trắng (30 - 40%); trong khi nhu cầu khoáng của tôm thẻ chân trắng cao hơn tôm sú do chu kỳ lột xác nhanh hơn. Một vấn đề quan trọng khi lựa chọn thức ăn cần quan tâm đến hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR). Mỗi loại thức ăn đều có FCR khác nhau tùy theo hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn và lượng thức ăn sẽ được điều chỉnh tương ứng. Ví dụ: Thức ăn cân bằng dưỡng chất chứa 40% protein cho ăn mức 75% khẩu phần đã cung cấp lượng protein bằng với thức ăn chứa 30% protein cho ăn 100% khẩu phần. FCR là một chỉ số quan trọng vì khi giá trị FCR cao chứng tỏ lượng thức ăn dư thừa tích lũy trong ao nuôi cao, gây ô nhiễm môi trường, giảm chất lượng nước và gia tăng chi phí sản xuất, làm giảm lợi nhuận thu được.

Để thức ăn có chất lượng giúp tôm tiêu hóa tốt và đạt hiệu quả cao, cần chọn thức ăn đồng đều về kích thước, hình dạng và màu sắc, ít bụi, bề ngoài mịn, có mùi thơm hấp dẫn, không chứa tạp chất, nấm mốc... Tôm ăn thức ăn chậm nên đòi hỏi thức ăn phải bền trong nước hơn so với loài ăn thức ăn nổi. Thử độ bền bằng cách lấy khoảng 5 g thức ăn cho vào cốc thủy tinh có chứa nước trong để yên trong vài phút. Sau đó, cứ khoảng 15 phút dùng đũa khuấy nhẹ một vòng rồi quan sát. Nếu hầu hết các viên thức ăn vẫn còn giữ nguyên hình dạng và có thể cầm nhẹ lên mà không bị vỡ nát là thức ăn chưa bị rã. Độ bền của viên thức ăn được tính bằng số giờ quan sát kể từ khi thả thức ăn vào cốc thủy tinh chứa nước cho đến khi hầu hết các viên thức ăn vẫn còn giữ nguyên hình dạng ban đầu. Độ bền theo tiêu chuẩn quy định không nhỏ hơn 2 giờ. Tôm phát triển qua nhiều giai đoạn, cần lựa chọn thức ăn phù hợp với kích cỡ từ tôm ấu trùng (nhỏ hơn 50 µm) tới tôm bố mẹ (3,18 mm).

Quản lý cho ăn

Trong vài tuần đầu tiên, người nuôi thường rải một lượng nhỏ thức ăn quanh bờ ao nhằm bổ sung dinh dưỡng cho nguồn thức ăn tự nhiên (chủ yếu là tảo). Khi tôm lớn hơn, thức ăn nên rải đều khắp ao. Ban đêm khó quản lý cho ăn, nên thường cho tôm ăn vào ban ngày. Thời điểm và tần suất cho ăn khác nhau phụ thuộc vào điều kiện của từng ao nuôi, thông thường cho tôm ăn 2 - 4 lần/ngày, bắt đầu từ giữa 6 - 8 giờ sáng và kết thúc khoảng 4 - 6 giờ chiều. Để kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của tôm. Khi cho ăn, ngoài thức ăn rải đều xung quanh ao, nên cho khoảng 0,5% tổng lượng thức ăn mỗi lần vào sàng ăn đặt ở mỗi ao nuôi, sau 3 giờ tiến hành kiểm tra các sàng ăn. Nếu như không còn thức ăn, lần cho ăn sau tăng lượng thức ăn lên 3 kg đối với tôm có trọng lượng trung bình khoảng 10 g/con và tăng 5 kg đối với tôm có trọng lượng trung bình lớn hơn 10 g/con.  Nếu như còn thức ăn trong sàng ăn, lượng thức ăn được giảm xuống từ 20 - 80% cho lần cho ăn tiếp theo.

Khi thời tiết nắng nóng hoặc mưa to kéo dài, thông số môi trường có biến động hay hàm lượng khí độc tăng cao cần giảm lượng thức ăn khoảng 30 - 50%.

Bảo quản thức ăn

Khu vực để thức ăn phải được chống ấm và nóng (là điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển). Thức ăn được để trên các tấm pallet, cách nhau 30 cm đảm bảo thoáng khí và cách vách 30 - 50 cm tránh hấp thụ nhiệt. Sắp xếp thức ăn đảm bảo làm sao thức ăn cũ được sử dụng trước, giảm thời gian lưu kho. Cần lưu ý thường xuyên kiểm tra nấm mốc hay hư hỏng của một số bao bất kỳ.


Có thể bạn quan tâm

Tăng khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn của thủy sản Tăng khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn của thủy sản

Bổ sung chế phẩm sinh học: Probiotic, Prebiotic, Synbiotics là giải pháp sinh học có tác động tích cực đến quá trình trao đổi chất trên động vật thủy sản

30/08/2017
Đua nhau nuôi cá nàng hai, giá giảm, lỗ nặng Đua nhau nuôi cá nàng hai, giá giảm, lỗ nặng

Sau hơn 1 năm rớt giá mạnh, hiện giá cá nàng hai hay còn gọi là cá thát lát cườm vẫn ở mức thấp, nhiều hộ nuôi cá thua lỗ hàng chục triệu đồng trên mỗi công đất

31/08/2017
Nhật Bản: Nhập khẩu tôm phục hồi trong nửa đầu năm nay Nhật Bản: Nhập khẩu tôm phục hồi trong nửa đầu năm nay

Nhập khẩu tôm của Nhật Bản tiếp tục phục hồi trong nửa đầu năm 2017 và Việt Nam vượt qua Indonesia trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường này.

31/08/2017