Lợn ăn trà xanh, tắm trà xanh, Đại gia Nhật xin mua không bán
Trong suốt quá trình nuôi, ngoài cám ngô, cám gạo, bột cá, rau từ thiên nhiên, những con lợn còn được cho ăn loại thức ăn chế biến từ lá trà xanh, uống nước trà xanh và tắm nước lá trà xanh đun sôi từ lúc nhỏ cho đến khi xuất chuồng để tạo nên loại thịt lợn sạch, thơm ngon.
Tuy nhiên, muốn ăn loại thịt lợn trà xanh này thường phải đặt hàng trước vì số lượng không nhiều.
Thịt lợn trà xanh "made in VietNam"
Cầm trên tay đĩa thịt lợn luộc vẫn còn bốc nghi ngút khói do mới luộc xong để đưa cho mỗi người nếm thử một miếng, chị Nguyễn Hồ Diệp Hà, chủ một trang trại nuôi lợn ở núi Sắng (Ninh Bình) khoe, bí quyết để thịt lợn thơm ngon được như vậy chính là được nuôi bằng trà xanh tự nhiên.
Chị Hà cho biết, thịt lợn trà xanh vốn có nguồn gốc từ Nhật Bản, trong một lần chi sang Nhật được biết đến loại lợn trà xanh nổi tiếng này. Thế nhưng, thịt lợn trà xanh của một trang trại nuôi ở Nhật Bản chỉ bán trong 7 siêu thị duy nhất ở bên đó, mua được cũng khá khó khăn.
Khi biết được vậy, chị nghĩ ở Việt Nam từ Bắc vào Nam, chỗ nào cũng có những đồi chè bạt ngàn, chè Việt Nam xuất khẩu đi khắp các nước trên thế giới, vậy tại sao mình lại không làm ra được loại thịt lợn trà xanh "made in VietNam" để cho dân mình ăn?.
Về Việt Nam, với ý tưởng đó chị bắt đầu mày mò tìm tới núi Sắng - nơi có nguồn nước suối tinh khiết trong mạch núi đá ngầm chảy ra và đặc biệt là có những đồi chè hàng trăm năm tuổi để thực hiện dự án nuôi lợn bằng trà xanh giống như Nhật Bản.
Theo đó, chị chọn giống lợn thuần chủng bản địa (không dùng tinh nhân tạo mà phải được phối giống theo phương pháp truyền thống bằng lợn bố, lợn mẹ). Khi nuôi lợn được áp dụng nuôi theo phương pháp hữu cơ, chỉ ăn cám ngô, cám gạo, đậu tương, thêm chút bột cá và các loại rau củ tự nhiên. Ngoài ra, lợn được cho ăn các loại tỏi, gừng xay nhỏ hàng ngày để tăng sức đề kháng, giúp lợn phòng được bệnh và khoẻ mạnh hơn.
Một bí quyết không thể thiếu để tạo nên thịt lợn trà xanh đó là trong suốt quá trình nuôi từ lúc nhỏ tới khi xuất chuồng lợn được ăn trà xanh, uống nước trà xanh và tắm bằng nước lá trà xanh đun sôi hàng ngày.
Chị Hà cho biết, trà xanh rất tốt cho sức khoẻ con người. Với lợn, khi được nuôi bằng lá trà xanh sẽ giúp chúng giảm stress, giảm rủi ro về dịch bệnh, làm cho thịt lợn mềm và ngon hơn. Phần nước trà xanh cho lợn uống sẽ giúp lợn đốt hết lượng mỡ thừa trong cơ thể khiến phần mỡ săn lại, khi ăn cảm giác không bị béo ngậy.
Tuy nhiên, do nuôi bằng phương pháp hữu cơ hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng chất kích thích, chất tăng trưởng nên lợn trà xanh tăng cân chậm, phải 7-8 tháng mới được xuất chuồng, tức thời gian nuôi gấp đôi thịt lợn thường ăn cám công nghiệp.
"Sau một thời gian mày mò mà nuôi thử nghiệm, hiện giờ tôi đã có trang trại lợn trà xanh của riêng mình và cung cấp ra thị trường được khoảng 1 tạ thịt lợn trà xanh mỗi ngày", chị Hà nói.
Cung không đủ cầu, từ chối bán cho "đại gia" ngoại
Theo chị Hà, lợn trà xanh ở Việt Nam mới chỉ có một mình trang trại của chị nuôi thành công, đặc biệt, do quá trình nuôi kéo dài tới 7-8 tháng mới được xuất chuồng bán thịt nên số lượng thịt lợn bán ra cực kỳ hạn chế.
Thời kỳ đầu mới cho ra sản phẩm thịt lợn trà xanh, mỗi tuần chỉ thịt bán được khoảng 2-3 con, thịt cung cấp cho khách không đủ. Do đó, khách thường phải đặt hàng trước mới mua được loại thịt lợn trà xanh này. Còn giờ số lượng đã tăng lên nhưng thịt lợn trà xanh vẫn luôn trong tình trạng cháy hàng.
"Có một số khách sạn 5 sao hay siêu thị ngoại đã liên tục gọi điện ngỏ lời đặt mua loại thịt lợn trà xanh này để về bán trong siêu thị này nhưng bọn tôi từ chối. Bởi, số lượng thịt chưa nhiều, bán lẻ còn không đủ lấy đâu ra thịt bán buôn". Anh Quang - quản lý trang trại lợn trà xanh nói và cho biết, thời điểm cận Tết này, khách đang đua nhau đặt thịt lợn này để ăn Tết. Tuy nhiên, số lượng lợn có để thịt từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ còn khoảng 30 con.
Chị Trần Hải Vân ở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, thịt lợn trà xanh thơm ngon, bì lợn ăn dẻo, phần mỡ không béo ngậy, thịt nạc ăn ngọt. Khi luộc nước rất trong chứ không bị nổi bọt đen như những loại thịt lợn cho ăn cám công nghiệp bán ngoài chợ.
Tuy nhiên, gia đình chị chỉ dám ăn một lượng vừa phải chứ không ăn thoải mái bởi thịt lợn trà xanh này có giá đắt gấp 3 lần thịt lợn ngoài chợ. Ví như, lợn ba chỉ giá gần 300.000 đồng/kg, mông sấn giá 269.000 đồng/kg…
Dù giá có cao hơn thịt lợn ngoài chợ nhưng chị Vân phải thừa nhận rằng thịt này đảm bảo, ăn cảm nhận thấy đúng hương vị của loại thịt lợn ở thời kỳ những năm 80, giống loại thịt lợn được nuôi bằng cám gạo, cám ngô mà gia đình chị được và thịt ăn hồi còn nhỏ.
"Tết này, tôi quyết định mạnh tay chi tiền mua toàn bộ thịt này về ăn để làm các món nướng, nấu đông, làm giò xào… Song, chắc phải canh giờ để đặt mua vì mấy lần trước tôi khộng nhanh chân đều bị hết hàng", chị nói.
Chị Ngọc Linh ở Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết, chị đã được ăn thử thịt lợn trà xanh của Nhật Bản thấy thích mê. Và đến thời gian gần đây, chị thấy ở Việt Nam cũng có bán, mua về ăn thử thấy cũng ngon như lợn trà xanh ở Nhật. Tuy nhiên, mua được loại thịt này ăn không dễ, mấy lần trước chị mua gọi điên mua mà toàn báo hết thịt.
Có thể bạn quan tâm
Bình bát là cây hoang dại, mọc đầy ở mé kinh, rạch miền Tây. Trái bình bát chín cây ăn được, nhưng bán chẳng ai mua. Tuy nhiên, ghép mãng cầu vào thân bình bát
Nhờ màu sắc lạ, bắt mắt và khó trồng nên trái khóm son (dứa đỏ) ở Long An luôn được thương lái tranh nhau đặt mua bán Tết.
Thị trường trái cây chưng Tết, các loại dừa như dừa in chữ, dừa hồ lô, dừa bánh tét dự kiến có giá bán tại vườn dao động từ 300.000 đến 750.000 đồng mỗi trái