Lợi và hại khi che phủ nilon cho cây trồng cạn
Che phủ nilon trên đất cho cây trồng cạn mang lại rất nhiều lợi ích, song cần lưu ý một số bất lợi.
Che phủ nilon cho cây trồng cạn mang lại rất nhiều lợi ích. Ảnh: Việt Toàn.
Những năm qua, một số cây trồng cạn như ngô, các loại đậu đỗ, dứa, bầu bí, cây dược liệu… đã được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng phương pháp che phủ nilon. Ngoài những lợi ích mang lại, khi sử dụng che phủ nilon trên một số cây trồng cạn, cũng để lại những ảnh hưởng không tốt đến sinh trưởng, năng suất cũng như chất lượng của cây trồng.
Những lợi ích che phủ nilon cho cây trồng cạn
Một số loài cây trồng cạn, sử dụng che phủ nilon giúp giảm quá trình bay hơi nước của đất canh tác, giúp nông dân tiết kiệm được lượng nước tưới đáng kể trong quá trình canh tác. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng đối với những vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, những nơi canh tác thường bị thiếu nguồn nước tưới…
Bên cạnh đó, che phủ nilon giúp cây trồng duy trì được độ ẩm đất đều và thường xuyên hơn, giúp cây trồng sinh trưởng ổn định, cho năng suất cao hơn.
Ngoài ra, che phủ nilon trên cây trồng cạn có tác dụng hạn chế cỏ dại, giúp nông dân giảm bớt chi phí công lao động làm cỏ, giảm chi phí sử dụng thuốc trừ cỏ, từ đó giảm tác hại của thuốc trừ cỏ đối với đất canh tác, môi trường và sinh trưởng của cây trồng…
Tuy nhiên, ngoài những lợi ích mang lại, che phủ nilon cho cây trồng cạn cũng để lại những bất lợi đối với sinh trưởng và năng suất của cây trồng, thậm chí gây chết cây.
Bất lợi khi che phủ nilon trên cây trồng cạn
Ở những ruộng canh tác cây trồng cạn có che phủ nilon, nếu gặp mưa lớn, sau đó trời trở nắng, sẽ làm lượng nước mưa trong đất chậm bốc hơi. Khi lượng nước tồn ứ trong đất quá lớn, lại gặp nhiệt độ cao (trời nắng, nóng), sẽ làm cây trồng cạn bị thối rễ và chết hàng loạt.
Điều này được thể hiện càng rõ trên những chân ruộng đất thịt nặng, khó thoát nước sau mưa, nhất là trên những chân ruộng trồng các loài cây họ đậu như lạc, đậu tương, các cây thuộc họ bầu bí…
Ngoài ra, khi ẩm độ trong đất canh tác được duy trì ở mức độ cao sẽ là điều kiện thuận lợi cho các loài nấm hoại sinh trong đất canh tác sinh trưởng, phát triển và gây hại rễ của cây trồng. Trong nhóm nấm hoại sinh này, điển hình là các loài nấm Fusarium sonani, Fusarium oxysprorum, Phytopthora capsica...
Vì vậy, các bệnh thối rễ gây chết cây trồng cạn thường phát sinh gây hại nặng trên những chân ruộng khó thoát nước sau mưa, những vườm ươm trồng dày bị đọng nước và nhất là tại những chân ruộng sử dụng che phủ nilon.
Từ những lợi ích và những bất lợi trên, nông dân cần căn cứ vào điều kiện canh tác của từng vùng, loại đất canh tác, chủng loại cây trồng… để áp dụng biện pháp che phủ nilon cho phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Tỉnh Bình Định đã đồng ý chủ trương cho phép huyện Hoài Ân chuyển đổi hàng ngàn ha đất rừng sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.
Một số hộ dân và doanh nghiệp ở huyện vùng biên An Phú (An Giang) đã liên kết đầu tư công nghệ cao sản xuất dưa lưới, bước đầu cho hiệu quả cao.
Các nhà nghiên cứu Campuchia sẽ sớm ra mắt giống lúa mới có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, năng suất cao hơn đáng kể so với các giống truyền thống