Lợi thế nuôi gà VietGAP
Đặc biệt, mô hình nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP đã mở ra cơ hội mới cho người dân, vừa đem lại lợi nhuận cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Nắm bắt được xu thế của thị trường và lợi ích mang lại, thời gian qua nhiều nông hộ, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP vào chăn nuôi. Trong đó, trang trại của anh Nguyễn Văn Thường, thôn Đích, xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, Hà Nam là điển hình.
Gia đình anh Thường nuôi gà từ lâu nhưng chủ yếu nuôi theo phương thức truyền thống, chưa biết cách vệ sinh chuồng trại, khi gà mắc bệnh chỉ sử dụng kháng sinh nên đàn gà chậm phát triển, hiệu quả kinh tế không cao, chủ yếu lấy công làm lãi. Khi được nghe thông tin có mô hình “Chăn nuôi gà lông màu (Lương Phượng, ri lai, mía lai) thương phẩm theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm” do Trung Tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nam triển khai, anh mạnh dạn tham gia.
Tháng 7/2018 anh bắt đầu tham gia triển khai mô hình. Với chuồng nuôi có diện tích 500 m2, anh thả 5.000 gà giống 1 ngày tuổi của Công ty CP Tập đoàn DABACO Việt Nam. Gà mua về được úm khoảng 2 tuần, sau đó mới thả nuôi. Tham gia vào mô hình, anh Thường được hỗ trợ 30% chi phí con giống và thức ăn. Trong quá trình triển khai, các cán bộ chuyên môn của Trung tâm Khuyến nông Hà Nam đã giám sát chặt chẽ kỹ thuật, đồng thời cũng kết hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật.
Hệ thống sổ sách ghi chép theo dõi các khâu của quá trình sản xuất từ khi nhập gà giống đến khi xuất bán giết mổ, được thiết lập và quản lý chi tiết. Chẳng hạn theo dõi sức khỏe đàn gà hàng ngày, mua nguyên liệu và TĂCN; cách sử dụng vaccine và thuốc thú y, thuốc sát trùng; theo dõi mổ khám bệnh tích, lấy mẫu xét nghiệm và xử lý xác gia cầm; theo dõi xuất bán gia cầm giống, gia cầm thịt…
Anh Thường chia sẻ, trước khi đưa vào chuồng nuôi, gà giống được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine và xét nghiệm máu trước khi nhập chuồng. Ngoài ra, gà còn được bổ sung các loại Vitamin C, glucose vào thức ăn, theo định kỳ 1 - 2 tháng/lần để tăng cường sức đề kháng, khả năng sinh trưởng, đảm bảo đúng quy trình và hàm lượng cho phép theo tiêu chuẩn. Để đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn, việc xây dựng và thiết kế chuồng trại phải đảm bảo nghiêm ngặt theo đúng quy trình. Công tác tiêu độc, khử trùng bên ngoài chuồng trại luôn được thực hiện định kỳ từ 3 - 4 ngày/lần. Phân gà được thu dọn thường xuyên, đóng bao và xử lý trước khi đem ra ngoài trang trại.
Qua 3 tháng triển khai, đàn gà đạt trọng lượng thương phẩm. Khối lượng gà xuất bán khoảng 2,2 - 2,5 kg, sau khi trừ mọi chi phí, anh lãi khoảng 50 triệu đồng. Hết đợt nuôi này, anh Thường tiến hành vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, để trống chuồng sau khoảng 15 - 20 ngày lại nuôi thêm lứa khác.
>> Thực hành chăn nuôi gà theo quy trình VietGAP không những đảm bảo chăn nuôi an toàn bền vững mà còn giúp cho người tiêu dùng an tâm hơn với sản phẩm gà sạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường tiêu thụ ổn định. Từ khi áp dụng đầy đủ các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đàn gà nhà anh Thường lớn nhanh, ít bị dịch bệnh và phát triển đồng đều hơn, tỷ lệ sống cao.
Có thể bạn quan tâm
Tại diễn đàn “Kết nối sản xuất, tiêu thụ, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn năm 2018” do Hội Nông dân cùng Sở NN-PTNT Hà Nội tổ chức.
Mặc dù đã có những thành tựu đáng kể với nhiều cơ hội phong phú để tăng trưởng trong tương lai, là một trong các quốc gia xuất khẩu nông sản
“Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu” (CSA) là hợp phần 3 trong 4 hợp phần của Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới thực hiện tại