Lợi nhuận gấp đôi nhờ trồng rau sạch
Chỉ sau hơn 1 năm áp dụng mô hình trồng rau an toàn sinh học do Hội Phụ nữ tỉnh Ninh Bình phát động, 37 hội viên phụ nữ xóm 10, thôn Duyên Phúc, xã Khánh Hồng (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đã thu được kết quả đáng mừng.
Mạnh dạn thay đổi
Xóm 10, xã Khánh Hồng là vùng trồng rau nổi tiếng nhất nhì Ninh Bình, là đầu mối cung cấp rau cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, trước đây bà con chủ yếu trồng theo kiểu tự phát, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, ít áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên chất lượng rau không đồng đều, giá bán thấp…
Trong ảnh: Nông dân xóm 10 không còn sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong sản xuất. Ảnh: M.L
Theo chia sẻ của nhiều hội viên, việc triển khai mô hình trồng rau sạch hữu cơ vẫn gặp không ít khó khăn bởi quy trình trồng rau nghiêm ngặt, đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ nghiêm túc; nông sản chưa có đầu ra ổn định nên thường bị tiểu thương ép giá… Chị Vũ Thị Bích Hòa cho biết, toàn bộ sản phẩm rau củ do chị em xóm 10 làm ra đã được ngành chức năng kiểm tra và đạt chất lượng. Hiện tổ đang hoàn thành các thủ tục để được cấp chứng nhận rau an toàn trong thời gian tới.
Để góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân cũng như cải thiện trình độ canh tác của bà con, năm 2015, Hội Phụ nữ tỉnh Ninh Bình đã triển khai dự án trồng rau sạch hữu cơ và lựa chọn 37 hội viên tại vùng rau xóm 10 tham gia dự án, lập thành tổ sản xuất rau sạch hữu cơ. Ban đầu, dự án vấp phải không ít nghi ngại khi hầu hết nông dân ở đây trồng rau dựa theo kinh nghiệm, không dễ gì thuyết phục người dân thay đổi thói quen canh tác. Với sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ tỉnh, các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm được tổ chức tại xã đã giúp người dân thay đổi nhận thức về rau sạch; phương thức canh tác khoa học, hiệu quả và sử dụng phân bón đúng cách.
Theo đó, để giúp các chị em hội viên thuận lợi hơn trong sản xuất rau sạch, Hội Phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ xóm 10 xây dựng 4 bể chứa nước, 2 máy bơm, hoàn thiện kênh tưới và 25kg phân NPK/sào đất. 10 trong số 37 hộ được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình cho vay với tổng số tiền 200 triệu đồng làm vốn sản xuất với mức lãi suất tương đương hộ nghèo. Hiểu được ý nghĩa của mô hình rau sạch, các thành viên trong tổ sản xuất đều quyết tâm thực hiện và thay đổi.
Lợi ích nhân đôi
Chị Chu Thị Vui phấn khởi khi nói đến những biến chuyển tích cực trong sản xuất. Ảnh: M.L
Trên 2ha đất màu tại xóm 10, các luống rau củ được chị em hội viên canh tác theo quy trình nghiêm ngặt: Không tưới nước bẩn, phân tươi cho rau; không bón phân đạm trong vòng 10-15 ngày trước khi thu hoạch. Các luống đất thường được rải một lớp phân hữu cơ, sau đó bao màng phủ nông nghiệp để giúp đất luôn tơi xốp, chất dinh dưỡng không bị rửa trôi, giảm công cày xới, làm cỏ. Rau màu được chị em canh tác theo phương thức luân canh, mùa nào thức nấy: Vụ xuân trồng dưa bở, dưa lê, dưa chuột, bí xanh…; vụ đông trồng bắp cải, su hào, súp lơ, rau cải xanh... Đây đều là những loại cây dễ trồng, cho năng suất cao, ít sâu bệnh. Sau mỗi vụ, các hội viên thường tổ chức sinh hoạt để chia sẻ kinh nghiệm; có khó khăn, vướng mắc gì chị em đều trao đổi ý kiến và được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn cụ thể.
Chị Vũ Thị Bích Hòa -Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm 10, tổ trưởng tổ sản xuất rau sạch hữu cơ chia sẻ: “Sau khi áp dụng mô hình, các hộ không còn sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong trồng rau màu, tuy nhiên nhờ tuân thủ đúng quy trình nên năng suất cây trồng vẫn tăng cao, chị em lại giảm được ngày công lao động, nhất là bớt đi nỗi lo thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường”.
Là một trong những hội viên tiêu biểu của tổ sản xuất, chị Chu Thị Hay cho biết, với sản lượng rau tăng gấp đôi, mỗi vụ rau gia đình chị thu về 4-5 triệuđồng/sào, thậm chí có vụ thị trường khan hàng, gia đình chị thu tới 10 triệu đồng/sào. Nhờ tuân thủ lịch mùa vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên các loại dưa, bí cũng ít bị sâu bệnh gây hại. Tính ra, mỗi năm gia đình chị thu lãi hơn 100 triệu đồng từ 5 sào ruộng.
Có thể bạn quan tâm
Để phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao và không phải lo lắng đầu ra, anh Vũ Văn Khiêm đã lựa chọn mô hình chăn nuôi lợn gia công cho doanh nghiệp
Về xóm Xuân Thịnh, xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương (Nghệ An) Ông Bảy là người đầu tiên đưa giống bưởi Diễn về trồng quy mô hàng hóa tại địa phương.
Chẳng cần “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, với vốn tri thức tích lũy được trong sản xuất nông nghiệp, nhiều lão nông ở TP.Hồ Chí Minh đã kiếm tiền tỷ...