Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Lợi nhuận cao từ giống cá hồng Mỹ

Lợi nhuận cao từ giống cá hồng Mỹ
Tác giả: Nguyễn Hằng
Ngày đăng: 04/06/2021

Cá hồng Mỹ có tốc độ sinh trưởng nhanh, dễ nuôi, giá trị kinh tế cao, nên trở thành đối tượng nuôi hấp dẫn ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Đặc điểm sinh học

Cá hồng Mỹ (hay còn gọi là cá đù đỏ), có tên khoa học là Sciaenops ocellatus, là một loài cá biển trong họ cá lù đù (Sciaenidae). Chúng phân bố tự nhiên ở vịnh Mexico và vùng duyên hải Tây Nam nước Mỹ. Một số năm gần đây cá được nhập cư vào địa phận khu vực châu Á như Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam.

Hồng Mỹ là loài cá sống rộng muối, rộng nhiệt, phạm vi phân bố rộng, chúng sống đáy vùng ven bờ, vùng đá ngầm ven bờ, nơi có dòng nước ấm. Hoặc cũng có thể thấy chúng sống ở các vùng đáy cát đá cứng, vùng hỗn hợp bùn cát hoặc vùng đá san hô chết. Hay có loài ban đầu ở các vùng cửa sông, phát triển lớn hơn chuyển ra vùng nước sâu hơn, có khi tới độ sâu 150 m nước. Cá có thể sống trong nước ngọt, nước lợ, nước mặn, nhưng thích hợp nhất vẫn là nước lợ và nước mặn, cho tốc độ sinh trưởng nhanh.

Cá hồng Mỹ thoạt nhìn thon dài, nhìn từ trên xuống trông hơi dẹt, chiều dài thường gấp 3 – 4 lần chiều cao. Bụng cá có màu bạc rõ ràng, dễ thấy, phần còn lại có màu nâu ánh xanh nhẹ, đôi khi có ánh vàng kim. Mắt khá gần với đỉnh đầu và dẹt xuống. Miệng cá chĩa về phía trước, hơi trễ xuống, môi không dày lắm, có thể trề ra thụt vào khá linh hoạt. Cá hồng Mỹ có thời gian nuôi khá ngắn, ăn rất khỏe với khẩu phần gần bằng 1/5 trọng lượng cơ thể. Thức ăn chủ yếu của loài cá này là các loại thủy sản nhỏ tạp như là loài giáp xác, cá nhỏ, sinh vật phù du… Cá hồng Mỹ có nhiều ưu điểm như thích nghi tốt với biến động môi trường, lớn nhanh, chất lượng thịt cá thơm ngon, dễ bán.

Sức sinh sản của cá hồng Mỹ khá lớn, cá cái với trọng lượng 11 – 14 kg có thể đẻ 0,5 triệu trứng/lần và đạt 1 – 3 triệu trứng/năm. Chúng thường đẻ vào mùa thu và phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố môi trường như nhiệt độ nước, tốc độ dòng chảy và thủy triểu… Cá đẻ thành nhiều đợt trong ngày, thời gian đẻ trứng vào lúc chiều tối (19 – 23h).

Ngày càng nhân rộng

Ở nước ta, năm 1999 lần đầu tiên cá bột hồng Mỹ được nhập vào Viện Nghiên cứu Hải sản, sau 4 năm Trạm nghiên cứu Thủy sản nước lợ (thuộc Viện Nghiên cứu NTTS I) đã sản xuất thành công giống cá này, đáp ứng được phần lớn nhu cầu con giống phục vụ nuôi nội địa. Theo đó, chúng được nuôi phổ biến bằng lồng bè ở vùng biển các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An.

Tuy nhiên ở các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ, nơi có tiềm năng lớn về NTTS thì loài cá này lại chưa được nhiều người nuôi biết đến. Nguyên nhân có thể là do nguồn cá giống tại khu vực này chưa có, còn thiếu, hoặc mùa sản xuất giống tại các phía Bắc lại không phù hợp với mùa thả giống ở khu vực phía Nam. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhóm nghiên cứu Viện Nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) đã sản xuất thành công giống cá hồng Mỹ, trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu sản xuất giống cá hồng Mỹ của các tỉnh phía Bắc. Cụ thể, quy trình công nghệ sản xuất giống cá hồng Mỹ của nhóm nghiên cứu đã đảm bảo các tiêu chí như: tỷ lệ sống của cá bố mẹ, tỷ lệ trứng thụ tinh và ấp nở đạt trên 80%, tỷ lệ sống của cá hương từ 10 – 12%, tỷ lệ sống của cá giống từ 60 – 70%. Nhóm nghiên cứu đã tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá hồng Mỹ cho các cơ sở sản xuất giống tại Khánh Hòa, đào tạo 6 kỹ thuật viên và biên soạn sổ tay hướng dẫn kỹ thuật.

Đến nay, ngoài Trường Đại học Nha Trang, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn có 4 cơ sở, trang trại tiếp nhận công nghệ sản xuất nhân tạo giống cá Hồng Mỹ. Điển hình như Công ty TNHH Kiên Thường (TP Nha Trang) là một trong những đơn vị áp dụng thành công quy trình sản xuất giống nhân tạo cá hồng Mỹ từ kết quả của đề tài. Hiện nay, trại giống đã tạo được 25 con cá bố mẹ thành thục, mỗi con trọng lượng từ 7 – 10 kg, sức sinh sản trung bình gần 2 triệu trứng/cá cái/lần đẻ, tỷ lệ thụ tinh đạt hơn 70%, tỷ lệ nở trung bình đạt hơn 75%; tỷ lệ sống ương từ cá bột lên cá hương hơn 20%; tỷ lệ sống trung bình ương từ cá hương lên cá giống cỡ 5 – 6 cm khoảng 70 – 85%, tổng chu kỳ ương từ 60 – 70 ngày. Trung bình mỗi năm, đơn vị sản xuất từ 1 –  1,5 triệu con giống.

Như vậy, chỉ riêng tỉnh Khánh Hòa, năm 2019, ước tính các cơ sở sản xuất hơn 2 triệu con giống cá hồng Mỹ cung cấp cho thị trường. Với giá bán dao động từ 2.000 – 3.000 đồng/con, kích cỡ từ 5 – 10 cm, người sản xuất giống đạt lợi nhuận từ 500 – 600 đồng/con.

Hiện nay ở nước ta, hoạt động sản xuất giống cá hồng Mỹ phát triển rộng rãi tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu… Trong đó, có khoảng 20 trại sản xuất giống cá hồng Mỹ tại khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ. 


Có thể bạn quan tâm

Sôi động thị trường cá tra Sôi động thị trường cá tra

Thống kê của VASEP cho thấy, sau khi sụt giảm liên tục trong hai năm 2019, 2020, xuất khẩu cá tra đã bật tăng trở lại trong tháng 3/2021

04/06/2021
Bước ngoặt phụ gia thay thế bột cá và dầu cá Bước ngoặt phụ gia thay thế bột cá và dầu cá

Năm 2020 đã đánh dấu những thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực dinh dưỡng thủy sản, với sự ra đời và phát triển của nhiều thành phần thức ăn mới có khả năng

04/06/2021
Các công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản Các công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản

Biến đổi khí hậu và sự tiến bộ về Khoa học kỹ thuật đã giúp con người đưa ra nhiều giải pháp trong nuôi trồng thủy sản

04/06/2021
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.