Lợi ích nuôi tôm hùm bằng lồng lưới hợp kim đồng
Mặc dù đã được hình thành và phát triển từ rất lâu, nhưng nghề nuôi tôm hùm tại Phú Yên vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; trong đó điều đáng nói là kỹ thuật nuôi còn lạc hậu, theo kiểu thói quen. Điều này đã tạo ra những rủi ro cho chính người nuôi và ảnh hưởng không nhỏ đến nghề nuôi tôm hùm.
Hình lồng lưới hợp kim đồng sau 12 tháng nuôi
Một trong những vấn đề dễ dàng nhận thấy là lồng nuôi tôm hùm. Từ khi hình thành nghề nuôi tôm hùm đến nay, lồng nuôi vẫn chưa có sự cải tiến, thay đổi nào, vật liệu làm lồng vẫn sử dụng lưới nylon. Đây là loại lưới thông dụng, rẻ, dễ mua nhưng chỉ dùng được một thời gian ngắn lưới bị hàu, hà, rong rêu bám vào làm cho nước lưu thông kém, làm tăng ký sinh trùng gây bệnh. Vì vậy, người nuôi phải thường xuyên thay lưới, điều này không những làm tăng chi phí, tốn công lao động mà còn ảnh hưởng đến tôm nuôi do phải bắt tôm từ lồng này sang lồng khác để thay lưới. Ngoài ra, lưới nylon còn có thể bị rách, thủng do động vật biển tấn công khi đưa lồng ra vùng biển xa bờ, khả năng chống chịu va đập do bão lũ kém.
Để giải quyết những hạn chế của lồng lưới nylon, giúp người nuôi giảm chi phí, hạn chế dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ sống và sự sinh trưởng cho tôm hùm nuôi. Vừa qua, Công ty Wieland Metals Singapore cùng phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên triển khai mô hình thử nghiệm nuôi tôm hùm thương phẩm bằng lồng lưới hợp kim đồng nhằm thay thế vật liệu làm lồng bằng lưới nylon cho bà con nông dân. Mô hình được triển khai từ tháng 7/2017 đến tháng 7/2018, tại thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
Mỗi một lồng có quy mô kích cỡ 2,5m x 2,5m x 1,2m, khung lồng làm bằng sắt φ = 12mm được sơn chống rỉ, quét hắc ín và quấn thêm một lớp nilon, một lớp lưới xanh phần ngoài cùng. Góc lồng được hàn thêm thanh sắt tạo thành hình tam giác để tăng độ chắc chắn. Lưới bọc lồng làm bằng vật liệu hợp kim đồng xuất xứ Singapore, kích cỡ mắt lưới 2a = 4cm, đường kính sợi 02mm. Các tấm lưới được móc nối với nhau bằng các khuy tròn hợp kim đồng. Chính giữa lồng đặt một ống nhựa dài 3m, có đường kính 10 cm để đưa thức ăn cho tôm, phần đáy lồng phía dưới ống lót một lớp lưới nylon mắt lưới nhỏ để đựng thức ăn. Mặt trên lồng làm ô cửa ra vào để chăm sóc tôm. Lồng được thả treo lơ lửng cách mặt nước 2,5m bằng các phuy nhựa, địa điểm thả lồng có độ sâu mực nước khoảng 7m.
Sau 12 tháng nuôi, kết quả cho thấy lồng nuôi bằng hợp kim đồng ít bị hàu, hà, rong rêu bám, kết cấu lồng vững chắc, mắc lưới thông thoáng, tôm thích nghi và sinh trưởng tốt đạt kích cỡ thương phẩm khoảng 01 con/kg, tỷ lệ sống 98% cao hơn so với nuôi tôm hùm bằng lồng lưới nylon chỉ đạt 95%; hệ số thức ăn nuôi bằng lồng hợp kim đồng chỉ có 13,6 trong khi ở lồng lưới nylon là 14,9.
Qua các chỉ tiêu đánh giá như trên, có thể thấy tôm hùm thích nghi tốt với lồng lưới hợp kim đồng, sinh trưởng và phát triển nhanh hơn với tôm hùm nuôi ở lồng nhựa. Nuôi tôm hùm bằng lưới hợp kim đồng giúp giảm chi phí và công lao động do lồng chắc chắn, không bị hư hỏng trong thời gian dài; ngoài ra, cửa lồng còn có khóa nên vấn đề an ninh được đảm bảo, tránh mất mát trong quá trình nuôi. Vì vậy, việc ứng dụng thay thế vật liệu như lưới hợp kim đồng, vật liệu HDPE… làm lồng nuôi là điều hết sức thiết thực và cần được phổ biến rộng rãi đến bà con nông dân làm nghề nuôi tôm hùm.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi tôm hùm thương phẩm đang gặp một số bệnh làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và sinh trưởng. Nắm vững các biện pháp phòng, trị bệnh cho tôm hùm kịp thời
Các phương pháp vận chuyển tôm hùm giống? (Hoàng Thị Thành, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận)
Bệnh sữa có thể điều trị theo cách tiêm hoặc trộn vào thức ăn cho tôm, kết hợp với chăm sóc quản lý môi trường. Khi điều trị cho tôm hùm cần lưu ý: