Lợi ích kép trong chế biến rơm, rạ thành thức ăn chăn nuôi
Mô hình này vừa giúp người nông dân tăng hiệu quả kinh tế, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
1. Hiệu quả rõ rệt
Hai kỹ thuật chế biến, bảo quản rơm rạ tươi thành thức ăn chăn nuôi bò mới được thí điểm trên địa bàn thành phố là phương pháp ủ rơm bằng urê tại bể và phun đạm urê pha loãng lên rơm rồi đóng rơm tươi thành từng bánh.
Sau khi chế biến khoảng 2 - 3 tuần có thể lấy rơm cho trâu, bò ăn và dự trữ được trong nhiều tháng.
Ngay sau khi triển khai thí điểm mô hình, Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội - đơn vị được TP giao thực hiện dự án trên đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sử dụng rơm cuốn, rơm ủ đạm urê cho người chăn nuôi bò tại huyện Gia Lâm và Đông Anh.
"Trước đây, sau khi gặt lúa xong, bà con thường đốt rơm ngoài đồng, nay bán rơm cho Công ty vừa được thêm tiền vừa có nguồn thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao" - chị Đinh Thị Hoài Thu, một hộ chăn nuôi bò sữa tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm chia sẻ.
Thống kê của Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho thấy, toàn huyện hiện có khoảng gần 9.000 con bò.
Chăn nuôi bò sữa, bò thịt đang trở thành hướng đi mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn.
Hiện nay, khoảng 40% diện tích lúa của huyện Gia Lâm được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.
Trước đây, phần lớn rơm rạ sau thu hoạch bị đốt bỏ nhưng sau khi có mô hình chế biến thành thức ăn chăn nuôi, người dân có ý thức thu gom, vệ sinh đồng ruộng, tình trạng đốt rơm gây ô nhiễm môi trường giảm đáng kể.
Theo Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội, trong thời gian thí điểm mô hình, Công ty đã tổ chức thu mua, chế biến, bảo quản được 1.200 tấn rơm tươi.
Kỹ thuật chế biến, bảo quản rơm bằng urê tiết kiệm được công phơi rơm, bảo quản thuận lợi và chi phí thấp.
Đặc biệt, rơm ủ có hàm lượng đạm cao gấp 2 lần so với rơm không chế biến.
Bò thích ăn rơm ủ kết hợp với việc chăn thả sẽ nâng cao sức khỏe giúp bò sinh sản tốt và tăng sản lượng sữa.
2. Tiếp tục nhân rộng mô hình
Hiện nay, toàn TP có trên 140.000 con trâu, bò, trong đó, đàn bò sữa là hơn 15.000 con.
Với tổng đàn này, nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi trâu, bò rất lớn, nhất là trong mùa Đông.
Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, người chăn nuôi còn gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu thức ăn do diện tích đồng cỏ bị thu hẹp.
Chính vì vậy, việc nhân rộng mô hình chế biến, bảo quản rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi gia súc có ý nghĩa rất quan trọng với người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm đề nghị TP chỉ đạo Sở NN&PTNT và các đơn vị mở rộng mô hình chế biến rơm, rạ thành thức ăn gia súc đến các địa phương, nhất là những vùng đã được TP quy hoạch thành vùng chăn nuôi tập trung và các vùng sản xuất lúa tập trung.
Riêng địa bàn huyện Gia Lâm hiện có 5.500ha cấy lúa, hàng năm thu được khoảng trên 30.000 tấn rơm.
“Cứ 1ha thu được 6 – 7 tấn rơm, đủ nuôi một con bò thịt trong một năm.
Ý tưởng biến phụ phẩm nông nghiệp thành thức ăn cho bò là hướng đi rất cần thiết và có ý nghĩa” - ông Tuấn chia sẻ.
Ông Vũ Văn Hải - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội nhận định, kỹ thuật kiềm hóa rơm tươi bằng urê cho phép bảo quản được rơm tươi không bị mốc, không bị tổn thất chất hữu cơ, đồng thời làm tăng hàm lượng protein thô, tăng tỷ lệ tiêu hóa và cho phép bò ăn được nhiều rơm hơn, năng suất chăn nuôi cao hơn.
Đặc biệt, phương pháp xử lý và bảo quản rơm tươi bằng urê có thể được áp dụng cho nông dân và các trang trại chăn nuôi trâu, bò trong cả nước.
Qua đó, tạo điều kiện để phát triển đàn bò trong các hộ chăn nuôi, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản phẩm sữa và thịt bò chất lượng cao cho người tiêu dùng Thủ đô.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh ung khí thán là một bệnh truyền nhiễm cấp tính của trâu, bò. Bệnh này có tính chất địa phương, do trực khuẩn yếm khí Clostridium chauvoei và một số trực khuẩn yếm khí khác (Cl.septicum, Cl.perfringens), thể hiện triệu chứng và bệnh tích điển hình: sưng bắp thịt có khí, gọi là "ung khí thán".
Chuồng trại hợp lý là yếu tố quan trọng giúp cho trâu chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết, con vật trong tình trạng sức khỏe tốt, sinh trưởng và phát dục bình thường. Chuồng trại hợp lý còn tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động, đảm bảo vệ sinh môi trường.