Loại bỏ độc tố nấm mốc trong thức ăn thủy sản
Độc tố nấm mốc trong thức ăn thủy sản là những thành phần tác động tiêu cực đến sức khỏe động vật, làm giảm khả năng miễn dịch của chúng. Trong đó, các chất độc được sinh ra từ thực vật được xem là mối lo ngại lớn cho người nuôi.
Nguyên nhân
Những năm qua, trong lĩnh vực sản xuất thức ăn thủy sản, xu hướng thay thế nguồn protein động vật bằng protein thực vật đã dẫn đến nguy cơ nhiễm độc tố cao hơn. Đặc biệt, ở các vùng có khí hậu nóng ẩm, như khu vực Đông Nam Á, việc nhiễm độc tố nấm mốc thường xảy ra phổ biến hơn.
Thức ăn cho tôm chủ yếu chứa Deoxynivalenol (DON), đây là một độc tố nấm mốc điển hình được tìm thấy trong lúa mì; còn thức ăn cho cá chủ yếu chứa Fumonisins, một chất độc điển hình từ bột bắp. Các mẫu thức ăn cho cá thường bị nhiễm nhiều hơn so thức ăn cho tôm.
Các loại
Fumonisin (FUM) là nhóm các độc tố nấm mốc được tạo ra bởi các loài nấm Furasium, trong đó đáng chú ý là F. verticillioides, F. proliferatum và F. Nygamai. Độc tố nấm mốc thường gặp nhất là Fumonisin B1(FB1). Chúng ảnh hưởng đến sức khỏe của thủy sản, làm giảm khả năng tăng trưởng, giảm tiêu thụ thức ăn và rối loạn biến dưỡng sphingolipid.
Aflatoxin: Là độc tố được sản sinh tự nhiên bởi một số loài nấm mốc trong giống Aspergillus, chủ yếu là Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus. Các loại nguyên liệu thực vật thường bị nhiễm Aflatoxin là ngũ cốc (ngô, kê, lúa miến, gạo, lúa mì), hạt có dầu (lạc, đậu tương, hạt hướng dương), gia vị (ớt, hạt tiêu đen, rau mùi, nghệ, gừng) và các loại quả hoặc hạt khác như hạt dẻ, dừa…
Ngoài ra, thời gian gần đây, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu, phân tích thêm các mẫu protein thực vật khác nhau, phụ phẩm thủy sản và thức ăn trong nuôi thủy sản thì phát hiện thêm một số loại độc tố như: Zearalenone; Trichothecenes loại B (Deoxynivalenol; Nivalenol; 3-acetyldeoxynivalenol; 15-acetyldeoxynivalenol và Fusarenon X-glucoside); Fumonisin (Fumonisin B1, B2 và B3); Trichothecenes loại A (T-2 và độc tố HT-2; Diacetoxyscirpenol và Neosolaniol); Ochratoxin loại A.
Ảnh hưởng
Khi nhiễm độc tố nấm mốc, thủy sản có các triệu chứng khác nhau, phụ thuộc vào loại và nồng độ của độc tố cũng như tuổi hoặc tình trạng sức khỏe của đối tượng. Điển hình như khi bị nhiễm Aflatoxin, cơ quan nội tạng của vật nuôi sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là thận và gan (suy giảm chức năng gan, gan sưng to và tạo ra các khối u trong gan thận, sau đó hoại tử các tế bào biểu mô hình ống). Ngoài ra, thủy sản còn biểu hiện tăng trưởng chậm và tình trạng sức khỏe suy yếu, thần kinh bị ảnh hưởng (FB1), thận nhiễm độc (Ochratoxin), viêm da (Trichothecenes) hoặc ức chế khả năng miễn dịch. Vì vậy, có thể thấy, độc tố trong thức ăn đã có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng, hiệu suất sử dụng thức ăn và làm cho động vật thủy sản dễ bị nhiễm bệnh hơn.
Giải pháp
Lựa chọn nguyên liệu thô cẩn thận, duy trì điều kiện bảo quản thức ăn và nguyên liệu tốt. Thực hiện quá trình thu hoạch sản phẩm nhanh, gọn, tránh mưa, phơi phóng nhanh. Khống chế nhiệt độ và độ ẩm thích hợp khi dự trữ. Cần sấy khô nguyên liệu trước khi đưa vào kho dự trữ.
Kiểm soát để tránh côn trùng, sâu mọt trong kho. Bởi sự trao đổi chất của côn trùng làm tăng độ ẩm, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển (Côn trùng di chuyển làm nấm mốc phát tán trong nguyên liệu, có thể giảm nguy cơ nấm mốc lên tới 10 - 30%).
Các phương pháp chiếu xạ như chiếu tia X, tia gamma, tia UV, tia hồng ngoại, ánh sáng mặt trời được nghiên cứu rộng rãi nhằm làm giảm độc tố Aflatoxin. Cụ thể, ánh sáng mặt trời có tác dụng tốt để loại bỏ Aflatoxin, nếu sử dụng ánh sáng mặt trời với cường độ trên 50.000 lux có thể sẽ phá vỡ hoàn toàn cấu trúc Aflatoxin.
Sử dụng một số chất có khả năng hấp phụ hoặc liên kết được với độc tố nấm mốc trong đường tiêu hóa của thủy sản từ đó làm giảm sự hấp thu qua niêm mạc ruột (Lê Anh Phụng, 2002). Các chất hấp phụ thường dùng: Than hoạt tính: 200 ppm; Hydrated sodium calcium aluminosilicate (HSCAS): 0,5%; Sodium bentonite: 0,5%.
Khử độc bằng Amoniac: Ngô, hạt bông, khô hạt bông và khô lạc được xử lý amoniac, aflatoxin đã giảm tới 99%.
Hiện nay, theo kết quả của một số nghiên cứu cho thấy, Aflatoxin dễ bị các vi sinh vật như nấm, vi khuẩn và nấm men phân hủy sinh học. Chẳng hạn như vi khuẩn Lactobacillus, Bacillus, Pseudomonas, Ralstonia và Burkholderia spp. đã cho thấy khả năng ức chế sự phát triển của nấm và sự sản xuất Aflatoxin bởi Aspergillus spp. trong phòng thí nghiệm (Reddy và ctv, 2010). Còn theo Petchkongkaew và ctv (2008), vi khuẩn B. licheniformis có khả năng ức chế được sự phát triển của A.flavus và loại bỏ được 74% Aflatoxin B1, còn B.subtilis có thể ức chế sự tăng trưởng của A. flavus và giải độc 85% Aflatoxin B1.
Có thể bạn quan tâm
Khoảng hai giờ từ thành phố lớn nhất của Ecuador xuống một loạt các con đường đất trống trải dài sau hàng hecta ao nuôi tôm là một tòa nhà có vẻ hơi lệch.
Năm 2018, Trạm Khuyến nông TP Vinh (Nghệ An) tổ chức xây dựng mô hình “Nuôi lươn trong bể xi măng không bùn” tại hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Thành
Anh Phạm Lâm Em, 38 tuổi ở khu vực 5, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) khởi nghiệp thành công từ nuôi trồng thủy sản.