Liên kết sản xuất theo nhóm cho thu nhập cao
Nhờ cùng tham gia nhóm sở thích và liên kết chặt chẽ với nhau từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhiều hộ nông dân (ND) trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã có thu nhập ổn định.
Ông Võ Quang Hòa – Chủ tịch Hội ND huyện Nghĩa Đàn cho biết, từ năm 2010, Hội ND huyện Nghĩa Đàn phối hợp Tổ chức phát triển nông nghiệp Đan Mạch thực hiện Dự án “Phát triển cộng đồng các dân tộc ít người khu vực miền núi phía Bắc” (Dự án ADDA).
Theo đó, dự án hỗ trợ mở các lớp tập huấn, dạy nghề chuyển giao khoa học kỹ thuật cho ND trên địa bàn huyện. Từ năm 2012, dự án tiếp tục lựa chọn các nhóm ND cùng sở thích tập huấn về kỹ thuật nâng cao trên các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi.
Tại xã Nghĩa Lộc, Tổ hợp tác trồng bí xanh sạch với 15 thành viên tham gia vốn được phát triển từ nhóm sở thích trồng rau an toàn với 8 thành viên tham gia ban đầu.
Tổ trưởng tổ hợp tác Lê Văn Khương chia sẻ: “Khi tham gia nhóm sở thích, ND được đào tạo kỹ thuật trồng rau an toàn, cách quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM) và cả kỹ năng lập kế hoạch, hạch toán kinh doanh.
Sau khi kết thúc khóa học 3 tháng, các thành viên trong nhóm đã cùng thống nhất một quy trình trồng rau an toàn, cùng nhau mua vật tư nông nghiệp đầu vào và hỗ trợ nhau nhau tiêu thụ sản phẩm. Hiện tổng diện tích trồng bí xanh của cả nhóm là hơn 3ha. Bình quân, một sào bí xanh cho thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng, gấp 5 lần so với trồng lúa, nên thành viên trong tổ ai cũng phấn khởi”.
Theo anh Khương, 1 lợi ích khác của nhóm sở thích là các hội viên cùng đóng góp quỹ xoay vòng nhằm tạo nguồn vốn giúp đỡ nhau phát triển sản xuất. Hiện, Tổ có quỹ tài sản cố định là hơn 100 triệu đồng và quỹ tương hỗ là hơn 30 triệu đồng.
Đến nay, Hội ND huyện Nghĩa Đàn đã lựa chọn được 35 nhóm ND hoạt động có hiệu quả với 536 thành viên. Thành viên của các nhóm đã đóng góp quỹ xây dựng được hơn 260 triệu đồng cho các hộ khó khăn vay vốn để mua giống, phân bón. “Thời gian tới, Hội sẽ tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các tổ nhóm sản xuất theo quy hoạch và lợi thế của từng vùng” - ông Hòa khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Nguy cơ của ngành chăn nuôi vẫn còn rất lớn, cụ thể chính là vấn đề an toàn thực phẩm. Hiện chúng ta vẫn thừa nông sản mất vệ sinh, thiếu nông sản sạch nói chung và đặc biệt là các sản phẩm chăn nuôi.
Rau ở Đà Lạt đang ế, giá rẻ từ 1.000-3.000 đồng/kg khiến nông dân lỗ nặng. Trong khi đó, tại Hà Nội, cũng với các loại rau này, người dân phải mua hàng Tàu với giá đắt đỏ.
Giá bán ớt tại ruộng ở ĐBSCL dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/kg là mức giá cao nhất trong 3 năm qua.