Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Liên kết bảo đảm đầu ra cho cá tra

Liên kết bảo đảm đầu ra cho cá tra
Tác giả: Cao Phong
Ngày đăng: 17/04/2017

Đến giữa tháng 4-2017, giá cá tra tiếp tục đứng ở mức cao (26.000 đồng/kg), trên ngưỡng kỳ vọng của nhiều người nuôi. Thế nhưng, trong bối cảnh thị trường đối diện nhiều rủi ro, rất khó tiên lượng được diễn biến của giá cá trong thời gian tới. Vì thế, việc hình thành chuỗi liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp được xem là yếu tố đảm bảo lợi nhuận cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Trong ảnh: Nông dân ĐBSCL thu hoạch cá tra. Ảnh: CAO PHONG

Giá cá tăng nhưng khó khăn chồng chất! 

Hiện tại nông dân đang có xu hướng tái đầu tư mở rộng diện tích nuôi cá tra do tác động từ việc giá cả tăng mạnh trong những tháng qua. Tuy nhiên, xét tổng thể thì diện tích nuôi cá tra đang giảm mạnh do giá cá bấp bênh trong thời gian dài. Tại ĐBSCL không chỉ có chuyện hàng trăm hécta “treo ao”, mà nhiều hộ nuôi cá đã bấm bụng lấp ao chuyển sang trồng cây.

Chuyện những hộ “treo ao” muốn tái đầu tư lại không đơn giản. Tại ĐBSCL, có địa phương chỉ tính khoản nợ vay của 60 hộ nuôi cá đã là 60 tỷ đồng (trong đó 72% nợ xấu khó đòi). Một đại diện chi nhánh ngân hàng cho biết: Có trường hợp người dân vay 1,5 tỷ đồng để nuôi cá tra nhưng lại dùng hết 800 triệu đồng để cất nhà. Ngân hàng phải cử người để giám sát việc bán cá với hy vọng thu hồi nợ.

Theo Phòng nông nghiệp thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), nếu xảy ra trường hợp trên thì chỉ là cá biệt. Thực tế, một số nông dân vay không đủ vốn đầu tư phải mua chịu thức ăn ở các đại lý. Có trường hợp ngân hàng không tiếp tục cho vay ngay cả khi nông dân nuôi cá trả vốn đúng hạn. Chỉ tính riêng Hậu Giang, đã có 15ha ao nuôi được nông dân lấp và 134ha đang “treo” ao, tập trung ở huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy.

Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang nhận định: “Điều kiện tự nhiên để nuôi cá trên địa bàn tỉnh là thuận lợi. Khó khăn của người nuôi cá thời gian qua tập trung do đầu ra bấp bênh, thiếu thông tin; người nuôi chưa liên kết với doanh nghiệp, tỉnh chưa có cơ sở cung cấp con giống. Nguồn vốn mua thức ăn chiếm đến 70% trong giá thành nuôi cá nhưng nông dân khó tiếp cận vốn. Đây cũng là những khó khăn chung của nông dân nuôi cá tra ĐBSCL.

Liên kết để gỡ khó

Trong bối cảnh người nuôi cá tra gặp khó khăn chồng chất, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh đã đến làm việc với các địa phương để tìm hiểu những nguyên nhân khó khăn cụ thể của nông dân đang nuôi cá; đồng thời, mời doanh nghiệp chế biến thủy sản đến bàn phương án liên kết bao tiêu đầu ra cho nông dân.

Tại buổi làm việc, ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thủy sản Seavina, cho biết: Hiện công ty có nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra phi - lê đặt trên địa bàn thị xã Ngã Bảy với công suất 150.000 tấn/năm. Phía công ty đã chủ động được vùng nuôi nguyên liệu 70.000 tấn, phần nguyên liệu còn lại tương đương với 50.000 tấn, nên công ty rất cần và đủ sức thu mua nguyên liệu cá tra của nông dân Hậu Giang.

Ông Trường gợi ý, nông dân có thể chọn nhiều hình thức hợp tác để công ty bao tiêu đầu ra cho cá tra. Trong đó, công ty sẽ hỗ trợ 10% vốn cho nông dân mua thức ăn (nông dân lựa chọn thức ăn), 30% vốn nếu sử dụng thức ăn của công ty. Theo tính toán của ông Ngô Quang Trường, giá thành nuôi cá tra hiện nay khoảng 19.000 đồng/kg, phía công ty sẽ bao tiêu cho nông dân với mức giá 22.000 đồng/kg (ước lợi nhuận khoảng 3.000 đồng/kg). Hiện nay Công ty Biển Đông và Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) là hai doanh nghiệp còn xuất khẩu được cá tra phi - lê vào thị trường Mỹ.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh yêu cầu các địa phương có nông dân nuôi cá tra trong tỉnh phối hợp với ngành nông nghiệp để sớm triển khai việc liên kết với doanh nghiệp thủy sản Biển Đông, bảo đảm đầu ra cho nông dân nuôi cá. Ngành nông nghiệp của tỉnh nhanh chóng triển khai phương án hợp tác với công ty này sản xuất giống cá tra. Đây được xem là giải pháp bền vững phát triển nghề nuôi cá tra ở Hậu Giang.


Có thể bạn quan tâm

Con giống - một trong những yếu tố quyết định Con giống - một trong những yếu tố quyết định

Theo tính toán, muốn sản xuất được 100 tỷ con tôm thương phẩm thì nhu cầu giống phải có 400 - 500 tỷ con chất lượng.

15/04/2017
Khánh Hòa: Triển vọng từ nuôi tôm hùm xanh Khánh Hòa: Triển vọng từ nuôi tôm hùm xanh

Liên tục nhiều tháng qua tôm hùm bông ở Khánh Hòa tỷ lệ chết 20 - 40%. Trong khi tôm hùm xanh thể hiện nhiều ưu thế hơn, đang là cứu cánh của ngư dân ở vựa tôm

15/04/2017
Cải tạo hạ tầng thâm canh thủy sản Cải tạo hạ tầng thâm canh thủy sản

Hạ tầng bảo đảm, người nuôi cá chủ động điều tiết nước và có điều kiện áp dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh nên năng suất thủy sản tăng.

17/04/2017
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.