Lập Thạch lập làng xanh, nhà xanh
Sạch từ nhà ra ngõ
Trong 5 năm, huyện Lập Thạch đã huy động hơn 2.569 tỷ đồng xây dựng NTM.
Đáng chú ý, nhờ công tác dân vận tốt, huyện đã huy động nhân dân hiến trên 150.000m2 đất; đóng góp 1.801 tỷ đồng tiền mặt và ngày công lao động.
Lập Thạch là huyện miền núi với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống.
Do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng NTM huyện gặp không ít khó khăn.
Ngoài rào cản về vốn, Lập Thạch còn gặp khó về tiêu chí môi trường, tiêu chí đường giao thông, chuyển dịch cơ cấu lao động… Song với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, các tiêu chí đã từng bước được hoàn thành.
Chúng tôi về Lập Thạch vào một ngày cuối tháng 8, khác với hình ảnh cách đây 5 năm về trước, những con đường đất mưa lầy lội, nắng bụi đã được thay thế bằng những con đường bê tông phẳng lỳ.
Rác thải sinh hoạt đã được thu gom về nơi tập trung, cống rãnh được khơi thông, xây mới, không còn cảnh “rác bay” dọc đường mỗi khi gió thổi như trước...
Ông Nguyễn Xuân Hiền - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Lập Thạch cho biết - nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác BVMT, UBND huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư các công trình như:
Công trình cấp nước sạch nông thôn; nghĩa trang nhân dân và xây dựng các khu chôn cất tập trung, bãi xử lý rác thải cho các xã; hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; di chuyển chuồng nuôi nhốt gia súc gia cầm ra xa khu dân cư… Đồng thời huyện cũng phát động các phong trào như:
"Gia đình 5 không 3 sạch";
“Sạch từ trong nhà ra ngõ”;
Nói không với túi nylon…, thu hút được đông đảo người dân hưởng ứng.
Theo đó, đến nay toàn huyện có 100% số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, 97% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 90% hộ chăn nuôi có hầm biogas hoặc các biện pháp xử lý môi trường khác, nhờ đó nước thải, chất thải trong quá trình chăn nuôi được xử lý triệt để, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn.
Hiện toàn huyện có 19/20 xã, thị trấn đã quy hoạch và tiến hành xây dựng khu tập kết rác thải tập trung với 42 bãi rác (32.000m2).
Các thôn đều có tổ thu gom rác, được trang bị quần áo bảo hộ lao động và xe thu gom rác, hàng ngày rác được thu gom theo giờ đã quy định nên không còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi trong khu dân cư.
Những xã đã hoàn thành tiêu chí môi trường và có phong trào BVMT phát triển mạnh như:
Thái Hòa, Tử Du và Đình Chu… Trong đó, thành công của tiêu chí này phải kể đến sự góp sức của Hội Phụ nữ, Hội ND, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên…
Chỉ tính riêng Hội Phụ nữ huyện, trong 5 năm đã vận động hội viên đóng góp 240 triệu đồng, 920 ngày công xây dựng nhà văn hóa các thôn, đào 230 hố rác tại các hộ gia đình và tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh vào ngày thứ 6 hàng tuần…
Ngoài ra để làm tốt tiêu chí môi trường, một số xã như: Văn Quán, Tiên Lữ, Đồng Ích… còn bổ sung thêm dịch vụ vệ sinh môi trường cho HTX và triển khai đề án thành lập mới HTX vệ sinh môi trường.
Nỗ lực về đích
Một số kết quả nổi bật về tiêu chí môi trường:
100% số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh
97% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh
90% hộ chăn nuôi có hầm biogas
19/20 xã, thị trấn đã quy hoạch và tiến hành xây dựng khu tập kết rác thải tập trung
Ông Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch cho biết, trong 5 năm, huyện đã cứng hóa 91km đường trục xã, liên xã, 94km đường trục thôn, liên thôn, 92 km đường ngõ xóm; 69km đường trục chính nội đồng...
Đồng thời, xây dựng 49km rãnh thoát nước thải, góp phần cải thiện môi trường nông thôn.
Hiện, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của 18 xã là 23,1 triệu đồng/người/năm, tăng 9 triệu đồng so với trước khi triển khai chương trình.
Tính đến cuối năm 2015, Lập Thạch có 11 xã đạt chuẩn NTM.
Dự kiến, cuối năm 2016 sẽ có 18/18 xã về đích và đạt huyện NTM.
Để thực hiện mục tiêu trên, năm 2016 huyện đã chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá các tiêu chí, nhiệm vụ để có sự linh hoạt trong chỉ đạo điều hành.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của chương trình đến nhân dân...
Về nhiệm vụ nâng cao thu nhập cho người dân, từ năm 2011 đến nay, UBND huyện Lập Thạch tăng cường chỉ đạo các xã, vận động nhân dân tích cực đưa một số giống lúa cao sản như:
BC15, TBR36, TBR45… vào sản xuất; triển khai mô hình trồng thanh long ruột đỏ với quy mô 100ha ở 3 xã: Vân Trục, Ngọc Mỹ và Xuân Hòa; trồng mía trên đất đồi bạc màu với diện tích 39,5ha ở xã Quang Sơn và Ngọc Mỹ; duy trì và phát triển cây dâu tằm ở các xã Hợp Lý, Quang Sơn, Bắc Bình với diện tích 65ha…
Ngoài ra, các mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt và chăn nuôi bò sữa công nghiệp ở 4 xã Ngọc Mỹ, Quang Sơn, Hợp Lý, Bắc Bình cũng rất phát triển, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Gần đây, huyện Lập Thạch còn triển khai mô hình nuôi cá rô phi Đường Nghiệp với quy mô 33ha ở các xã: Quang Sơn, Văn Quán, Vân Trục, Thái Hòa, Ngọc Mỹ… Bình quân các mô hình cho năng suất 15 tấn/ha, thu nhập 180 - 200 triệu đồng/ha/năm…
Chia sẻ về những kết quả đạt được, ông Hùng cho hay: “Đây là kết quả của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Để về đích, lãnh đạo huyện, các xã và nhân dân cần phải nỗ lực hơn nữa, đặc biệt xây dựng NTM phải gắn với BVMT, bảo vệ các giá trị văn hóa làng xã, đẩy mạnh phát triển các mô hình theo tiêu chí ngon, sạch, giá trị kinh tế cao”.
Có thể bạn quan tâm
Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Chính phủ, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương, “cầu cứu” cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản vì những thiệt hại do sự cố môi trường mà Formosa đã gây ra thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng, với những thiệt hại ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu thủy hải sản, doanh nghiệp có thể khởi kiện Formosa.
Thấy tàu vận tải chở dầu, đá ra tiếp tế để tàu cá bám biển thêm tuần lễ nữa, các ngư dân được giới thiệu qua cò lập tức phản ứng bằng cách lăn ra ngủ, vào cabin dọa “đấm” thuyền trưởng. Đó là chuyện cười ra nước mắt đang xảy ra trên nhiều con tàu ở làng chài Phước Tĩnh, thủ phủ nghề cá phía Nam.
Với diện tích hơn 4.000m2 vườn tạp, ông Phan Văn Kiến, khu dân cư Bình Thường, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy (Cần Thơ) đã cải tạo trồng dâu xen xoài và cho thu nhập khá.