Lão nông sáng chế máy thu hoạch mì
Hầu hết những người trồng mì tại huyện Krông Pa, Gia Lai đều biết ông Phạm Văn Tỉnh (tổ dân phố 6, thị trấn Phú Túc). Lý do là bởi ông Tỉnh đã sáng chế chiếc cày thu hoạch mì giúp nông dân tiết kiệm sức lao động.
Theo sự giới thiệu của ông Trịnh Thanh Khiết-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pa, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Văn Tỉnh. Khi chúng tôi đến nơi, ông Tỉnh và những người thợ của mình đang cặm cụi hoàn thiện một chiếc cày thu hoạch mì để chuẩn bị giao cho khách.
Ông Tỉnh cho biết, ông sinh ra ở Thái Bình. Năm 1985, ông theo gia đình vào huyện Krông Pa lập nghiệp. Sau khi tốt nghiệp THPT, ông theo học ngành cơ điện ở Trường Công nhân cơ khí nông nghiệp 4 Trung ương (nay là Trường Cao đẳng nghề cơ điện-Xây dựng và Nông Lâm Trung bộ).
Sinh ra trong gia đình thuần nông nên ông Tỉnh thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Thấy gia đình và những người trồng mì khi đến mùa thu hoạch phải vất vả nhổ từng cây rất tốn công, năm 2013, ông đã tự mày mò chế tạo chiếc cày thu hoạch mì.
“Ngày trước, gia đình tôi cũng trồng hơn 5 ha mì. Qua nghiên cứu học hỏi trên báo chí và mạng internet cùng với kiến thức học được, tôi đã mày mò chế tạo chiếc cày thu hoạch mì. Đầu tiên, tôi chỉ nghĩ chế tạo ra chiếc cày để gia đình sử dụng. Nhưng sau đó, thấy nhiều người đặt hàng, tôi bắt đầu làm và bán ra thị trường. Hiện tại, ở huyện Krông Pa chưa có cách nào thu hoạch mì hiệu quả bằng chiếc cày của tôi”-ông Tỉnh nói.
Tiếng lành đồn xa, đến nay, không chỉ nông dân ở khu vực phía Đông Nam tỉnh tìm mua chiếc cày thu hoạch mì của ông Tỉnh mà nhiều người ở các tỉnh Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum, Tây Ninh, Phú Yên, Ninh Thuận cũng tìm đến đặt hàng. Chiếc cày của ông gồm 3 bộ phận: khung, trụ và lưỡi bằng sắt.
Trong đó, khung cày có độ rộng 1,5-2 m, chiều cao khoảng 1 m, thích hợp để lắp ráp vào phía sau các loại máy cày. Chiếc cày của ông có loại 1 trụ và loại 2 trụ, có thể tháo lắp dễ dàng và điều chỉnh tùy theo độ rộng của hàng mì.
Bà Nguyễn Thị Luận (tổ dân phố 12, thị trấn Phú Túc) cho biết: “Gia đình tôi có 5 ha mì. Trước kia, mỗi khi thu hoạch, gia đình tôi đều phải bơm nước vào rẫy mì trước 1 ngày để cho đất ẩm thì mới nhổ được.
Còn bây giờ, với chiếc cày do ông Tỉnh sáng chế, không cần tưới nước cũng có thể thu hoạch dễ dàng. Cày đến đâu là mì sẽ được móc lên đến đó, không sót củ nào và chỉ cần theo sau thu gom lại. Hiện tại, mỗi ngày, tôi có thể thu hoạch trên 1 ha mì, nhanh hơn gấp 4-5 lần so với nhổ thủ công”.
Chiếc cày do ông Tỉnh sáng chế có ưu điểm là nhẹ, củ mì cày lên không bị gãy, giảm bớt công lao động. Ngoài ra, sau khi cày nhổ mì, chiếc cày còn có tác dụng xới đất để trồng các loại cây khác vào vụ sau. Hiện ông Tỉnh bán với giá 9 triệu đồng/chiếc cày loại 1 trụ và 12 triệu đồng/chiếc cày loại 2 trụ.
“Giá như vậy là rẻ hơn nhiều so với các loại cày khác trên thị trường nên được nhiều nông dân chọn mua. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của tôi làm được 1 chiếc nhưng vẫn không đủ cung cấp ra thị trường”-ông Tỉnh chia sẻ.
Sáng chế của ông Tỉnh đã được cơ quan chuyên môn đánh giá cao về tính khả thi, hiệu quả trong việc đưa cơ giới vào sản xuất, giúp người nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích.
Có thể bạn quan tâm
Với tổng diện tích cây ăn trái khoảng 87.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm ước trên 97.0000 tấn, Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có thế mạnh về ưu thế
Máy sấy tự động hóa hoàn toàn giúp giảm nhân công vận hành hệ thống, giảm 30% chi phí đầu tư và sấy được nhiều loại nông sản như lúa, bắp, cà phê, cacao
Thiết bị này được ông sử dụng để tưới ruộng rau diện tích 2,5 công (2.500 m2) chỉ mất 40 phút với lượng xăng tiêu hao khoảng 0,5 lít.