Làng chế biến thủy sản hấp hối
Thiếu hụt nguồn nguyên liệu sạch
Quảng Bình có bờ biển dài 116km. Các làng biển ở địa phương này không chỉ có những đội tàu cá đánh bắt trên biển hùng hậu mà còn nổi tiếng với các sản phẩm hải sản chế biến như ruốc, nước mắm, cá khô, mực khô… Đặc biệt nghề làm nước mắm ở Quảng Bình là một trong những nghề thủ công có số lượng cơ sở sản xuất lớn nhất ở vùng biển, với 800 cơ sở lớn nhỏ, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.
Sản lượng nước mắm sản xuất hàng năm tại các làng nghề đạt trên dưới 3 triệu lít và được tiêu thụ hết sạch vì nước mắm ở Quảng Bình nổi tiếng thơm ngon, có độ đạm cao… Thế nhưng, từ ngày biển nhiễm độc, không chỉ các cơ sở sản xuất nước mắm mà các nghề chế biến hải sản khác ở Quảng Bình đều nằm trong tình trạng “ngắc ngoải”.
Theo nhiều chủ cơ sở chế biến hải sản ở các làng biển Quảng Bình, khó khăn nhất hiện nay đối với họ là thiếu hụt nguồn nguyên liệu sạch để chế biến. Chị Đào Thị Tám - chủ cơ sở sản xuất và chế biến nước mắm, cá khô Long Tám thuộc thôn Đông Dương, xã Bảo Ninh (Đồng Hới), cho biết, mặc dù đang vào giữa vụ mùa đánh cá nam (khoảng giữa tháng 6, tháng 7, tháng 8 dương lịch) là thời điểm thích hợp nhất để sản xuất các mặt hàng cá khô, ruốc, nước mắm các loại, nhưng năm nay, tổ hợp sản xuất của chị và nhiều cơ sở sản xuất khác chỉ sản xuất cầm chừng vì nguồn nguyên liệu khá khó khăn.
Các năm trước, bình quân tổ hợp sản xuất của chị chế biến khoảng trên 200 tấn cá khô/năm và khoảng 20-30 tấn cá tươi/năm, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động ở địa phương. Năm nay, biển bị nhiễm độc, các tàu cá đánh bắt gần bờ không ra khơi được, nguồn nguyên liệu phải chờ tàu đánh bắt xa bờ về và phải được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản an toàn thì các chủ cơ sở mới dám thu mua. Trong khi đó, các tàu đánh bắt xa bờ hiện nay tập trung đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao, còn các loại cá phục vụ chế biến cá khô, nước mắm... họ ít đánh bắt nên các cơ sở sản xuất, chế biến hải sản đều thiếu nguồn nguyên liệu.
Cá vào bờ nhiều mà không dám bắt
Hiện ở Quảng Bình đang trong mùa khuyếc. Đây là con nguyên liệu để chế biến thành ruốc, một loại mắm nổi tiếng ở Quảng Bình. Mấy ngày qua, khuyếc dạt vào bờ các vùng biển Quảng Bình khá nhiều, ngư dân các xã Cảnh Dương, Quảng Xuân (Quảng Trạch); Hải Trạch, Đức Trạch, Nhân Trạch (Bố Trạch) bắt được hàng chục tấn nhưng họ bán không có ai mua và không dám bán vì vùng biển này và cả khuyếc bắt được không biết đã an toàn hay chưa...
Theo quan niệm của ngư dân Quảng Bình, năm nào khuyếc dạt vào bờ nhiều cũng đồng nghĩa với việc năm đó sẽ được mùa cá, nhất là nục mộng, một loại cá làm nước mắm tuyệt vời, bởi lẽ khuyếc áp lộng đến đâu là cá nục, cá cơm, cá trích theo ruốc kiếm ăn đến đó. Thế nhưng năm nay, dù cá các loại cá đó dù có áp bờ thì ngư dân cũng không dám bắt... và ngành chế biến hải sản ở Quảng Bình cũng vị thế mà thiếu hụt nguồn nguyên liệu trầm trọng...
Phải nói rằng, các sản phẩm thủy sản chế biến của Quảng Bình trong thời gian qua đã khẳng định được uy tín trên thị trường trước hết là nhờ nguồn nguyên liệu tươi ngon, sự đầu tư về kỹ thuật, tay nghề để nâng cao chất lượng sản phẩm của các cơ sở chế biến. Từ ngày xảy ra sự cố biển nhiễm độc do Formosa xả thải, thiếu hụt nguồn nguyên liệu để chế biến, nhiều chủ cơ sở chế biến hải sản ở Quảng Bình có thể phải ngừng sản xuất, nhưng họ quyết không dùng nguyên liệu “bẩn” để chế biến.
Chị Nguyễn Thu Hiền - chủ cơ sở chế biến nước mắm có tiếng ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) cũng chia sẻ: “Muốn tồn tại, duy trì được thương hiệu và uy tín lâu dài của cơ sở chế biến, trước hết đòi hỏi chủ cơ sở phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như kỹ thuật chế biến. Bởi người tiêu dùng càng ngày càng tinh ý trong việc lựa chọn thực phẩm, do đó, chúng tôi không dại gì “tham bát bỏ mâm”. Người tham gia nghề phải cẩn thận lựa chọn nguyên liệu đầu vào bảo đảm chất lượng, có như vậy việc tiêu thụ sản phẩm mới đạt hiệu quả cao”.
Chất lượng mẫu khuyếc biển an toàn
Tin từ UBND huyện Quảng Trạch, địa phương vừa nhận được kết quả phân tích mẫu khuyếc biển từ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Theo đó, mẫu khuyếc được lấy ven biển xã Quảng Hưng từ ngày 26.7 được gửi đi Trung tâm Chất lượng nông thủy sản vùng 2 (tại Đà Nẵng) phân tích đều đạt yêu cầu các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm theo QCVN:/B:2011/BYT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm). Kết quả phân tích cho thấy, dư lượng kim loại nặng cadimi là 19,32µg/kg; chì 74,13µg/kg, trong khi đó mức nhiễm trong giới hạn cho phép (cadimi 500µg/kg và chì 500µg/kg). Kết quả phân tích sẽ được thông báo rộng rãi để người dân an tâm trong hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ hải sản.
A.T
Có thể bạn quan tâm
Nửa đầu năm, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh của Việt Nam sang Mỹ tăng 78,3% so với cùng kỳ 2015.
Theo chia sẻ của một số cán bộ quản lý ngành nông nghiệp địa phương, việc quản lý các sản phẩm thú y thủy sản không hề đơn giản. Và vấn đề lớn nhất hiện nay là, ai sẽ bồi thường cho nông dân những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí gây hại cho người nuôi trồng thủy sản?
Úc là thị trường đầy tiềm năng cho XK thủy sản Việt Nam. Thông tin từ Lãnh sự quán Việt Nam tại Sidney cho thấy nếu gỡ bỏ được rào cản kiểm dịch, XK thủy sản Việt Nam (nhất là XK tôm) sang Úc hoàn toàn có thể tăng mạnh trong thời gian tới.