Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Lần đầu tiên 900 hộ dân cùng góp đất nuôi tôm rừng

Lần đầu tiên 900 hộ dân cùng góp đất nuôi tôm rừng
Tác giả: Thuận Hải
Ngày đăng: 25/03/2017

Lần đầu tiên trong ngành nông nghiệp, nông dân vừa được hướng dẫn nuôi tôm đúng quy trình, vừa được góp đất làm vốn để sở hữu doanh nghiệp, chia sẻ lợi nhuận của chuỗi giá trị tôm rừng.

Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau). Ảnh: Thuận Hải

Xu thế liên kết giữa người nuôi, cơ sở chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu cũng giúp đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của ngành nuôi tôm, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025 tới.

Góp đất

Ông Nguyễn Văn Phong – Phó Giám đốc Công ty CP Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú (ấp Biện Nhạn, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), cho biết, sau một thời gian ngắn hình thành, mô hình doanh nghiệp xã hội (DNXH) đã thu hút được hơn 900 hộ dân nuôi tôm rừng ở Cà Mau tham gia, với diện tích hơn 5.000ha.

Nuôi tôm rừng là mô hình sản xuất nông nghiệp từ lâu ở các vùng ven biển Cà Mau. Tuy nhiên, do hình thức quảng canh chưa hiệu quả, lại không chăm sóc, đầu tư đúng chưa mức nên hiện nay, năng suất của mô hình này chỉ đạt 700 kg/ha.

Theo ông Phong, tham gia vào mô hình DNXH, người nuôi tôm sẽ được doanh nghiệp đầu tư con giống, hướng dẫn quy trình nuôi tôm đạt chuẩn xuất khẩu, được bao tiêu đầu ra. Đặc biệt, ông Phong thông tin, hiện tại đã có 100 nông dân được đóng góp ao nuôi làm cổ phần với doanh nghiệp, cùng chia sẻ lợi nhuận của suốt chuỗi giá trị tôm.

Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, DNXH là cách liên kết nông hộ nhỏ lẻ thành một tập thể, sản xuất hàng hóa lớn. Theo đó, thay vì để người nuôi tôm tự phát triển nhỏ lẻ, khi thành lập DNXH, sẽ tập hợp người dân lại, diện tích nuôi của mỗi hộ dân sẽ trở thành một ao nuôi tôm của doanh nghiệp. Bà con sẽ được hỗ trợ kỹ thuật nuôi bằng một quy trình sản xuất thống nhất, tăng năng suất tôm, tạo ra sản phẩm sạch, giúp người dân tăng giá trị kinh tế.

“Điểm mạnh của mô hình DNXH là giúp giải quyết các vấn đề xã hội đang đặt ra như bảo vệ môi trường. Phần lớn lợi nhuận DNXH tạo ra, sẽ được dùng đầu tư vào mục đích cho các vấn đề xã hội, môi trường…”- ông Quang chia sẻ.

Cụ thể, khi doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân nuôi tôm rừng đước qua mô hình DNXH, doanh nghiệp sẽ chỉ giữ lại 49% lợi nhuận, 51% còn lại được dùng để tái đầu tư cho môi trường.

Một giải pháp gỡ nhiều “nút thắt”

Theo kỳ vọng, mô hình DNXH sẽ giúp giải quyết được nhiều “nút thắt” của ngành tôm hiện nay, từ việc duy trì môi trường nuôi tôm bền vững, tăng năng suất cho tôm quảng canh, đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như các vấn đề vốn vay, bảo hiểm cho tôm nuôi…

Ông Lê Văn Quang cho biết, Minh Phú thành lập mô hình DNXH cho chuỗi tôm rừng với mục tiêu liên kết các hộ nuôi tôm lại với nhau, cùng nuôi theo quy chuẩn kỹ thuật công ty đưa ra, tạo ra sản phẩm tôm sinh thái đa chứng nhận bán với giá cao hơn từ 20–30% so với tôm không được cấp giấy chứng nhận. Đồng thời quy trình nuôi này cũng giúp tăng năng suất từ 150-200kg/ha/năm lên 1,5–2 tấn/ha/năm.

Theo ông Quang, một “nút thắt” lớn của ngành tôm khi hướng tới mục tiêu 2 tỷ USD là nguồn nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Nếu đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy “chạy” từ 50 – 70% công suất thì giá trị kim ngạch ngành tôm mang lại cũng sẽ khá hơn nhiều.

“Nếu có công nghệ nuôi tôm đạt 1 tấn/ha/năm thì VN đã có trên 1 triệu tấn tôm. Lúc này, việc có 10 tỷ USD là rất dễ. Do đó, để giải quyết được bài toán 10 tỷ USD, theo tôi làm sao phải nâng cao năng suất của người nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến, lên mức 1,5 – 2,5 tấn trở lên”, ông Quang nói trong một lần tham gia giao lưu trực tuyến do Báo NTNN tổ chức mới đây.

Còn theo ông Lâm Thái Xuyên – Giám đốc Công ty CP Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú, mô hình tôm rừng hay còn gọi là tôm sinh thái, được xem là mô hình nuôi tôm sạch, đang được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, thời gian qua, hiệu quả kinh tế của mô hình này còn thấp do chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi, sản xuất nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết, không truy xuất được nguồn gốc nên không đăng ký được giấy chứng nhận quốc tế như ASC, BAP, GlobalGAP… Trong khi đó, để hàng vào được các thị trường khó tính, tôm sinh thái Cà Mau phải có được các chứng nhận này mới bán được giá cao hơn so với tôm nuôi thông thường.

Sẽ chú trọng tăng diện tích nuôi tôm sinh thái

Sở NNPTNT Cà Mau cho biết, đến năm 2020 tỉnh phát triển mở rộng diện tích nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đạt 27.800ha và trên 10.000ha nuôi tôm sinh thái được chứng nhận. Theo đó, tỉnh phấn đấu có từ 4.000 - 5.000ha diện tích nuôi tôm được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi lồng bè - tiềm năng và thách thức Nuôi lồng bè - tiềm năng và thách thức

Ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) lồng bè tăng trưởng nhanh suốt 20 năm qua cùng sự đổi mới liên tục nhằm thích nghi với áp lực toàn cầu hóa và tiêu thụ thủy sản

24/03/2017
Muốn đạt 10 tỷ USD, ngành tôm trông cậy “đầu tàu” doanh nghiệp Muốn đạt 10 tỷ USD, ngành tôm trông cậy “đầu tàu” doanh nghiệp

Đó là tinh thần chung được đưa ra tại hội nghị “Triển khai kế hoạch sản xuất ngành tôm năm 2017” do Bộ NNPTNT tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng vào ngày 23.3.

25/03/2017
Tiếp sức cho nông dân nuôi cá rô phi Đường Nghiệp Tiếp sức cho nông dân nuôi cá rô phi Đường Nghiệp

Với 300 triệu đồng mà Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương cho vay, hàng chục hộ dân đã phát triển mạnh mô hình nuôi cá rô phi đơn tính Đường Nghiệp tăng thu nhập

25/03/2017